+Aa-
    Zalo

    Thay đổi lớn trong đề thi tốt nghiệp THPT

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT năm nay, dự kiến sẽ có nhiều thay đổi ở những môn thi quan trọng.

    Cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT năm nay, dự kiến sẽ có nhiều thay đổi ở những môn thi quan trọng.

    Môn văn có 2 phần: Đọc hiểu và làm văn

    Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT, cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ có một số điều chỉnh theo hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học đã được ban hành. Ngoài môn ngoại ngữ, có thêm một phần viết luận bên cạnh phần trắc nghiệm, thì cấu trúc đề thi môn ngữ văn sẽ thay đổi theo hướng chia làm 2 phần: Đọc hiểu và làm văn.

    Lãnh đạo bộ cho rằng, với cách ra đề mới, học sinh cần quan tâm đến các câu hỏi yêu cầu sử dụng kiến thức, kỹ năng tổng hợp, vốn sống và hiểu biết xã hội để trả lời chứ không phải máy móc theo khuôn mẫu có sẵn.

    Thay đổi lớn trong đề thi tốt nghiệp THPT

    Học sinh lớp 12 Trường THPT Lương Thế Vinh (TP.HCM) ôn thi môn văn. Ảnh: T.N

    Dựa trên chủ trương thay đổi này của bộ, bà Phạm Thị Thu Hiền, chuyên viên Vụ Giáo dục trung học - Bộ GD&ĐT, đã đưa ra một đề xuất về cách thức ra đề môn ngữ văn theo cách thức mới. Theo đó, phần đọc hiểu và làm văn sẽ có điểm số tương đương nhau (50 - 50).

    Phần đọc hiểu (5 điểm), theo đề xuất của bà Hiền, sẽ đưa ra một số văn bản ngắn có thể lấy từ những nguồn khác nhau như sách báo, internet…, ngoài chương trình sách giáo khoa. Hoặc một văn bản văn học không có trong chương trình, sách giáo khoa nhưng cùng chủ đề hoặc đề tài và thể loại với các văn bản đã học.

    Các văn bản này phải phù hợp với trình độ nhận thức của học sinh. Đề thi sẽ xây dựng bộ câu hỏi gồm 5 loại câu hỏi với nhiều câu hỏi nhỏ, trong đó hạn chế các câu hỏi nhận biết, tăng cường các câu hỏi thông hiểu và vận dụng. Đề thi yêu cầu học sinh tìm kiếm thông tin từ văn bản, tích hợp và suy luận thông tin đã đọc, phản ánh và đánh giá, tìm hiểu văn bản và liên hệ với kinh nghiệm bản thân. Mục đích của phần thi này, là kiểm tra kỹ năng đọc các loại văn bản khác nhau.

    Phần làm văn (5 điểm), bà Hiền cũng đưa ra 2 phương án ra đề thi khác nhau. Phương án 1 chỉ yêu cầu học sinh viết bài văn nghị luận xã hội. Đây là dạng đề tự luận, theo hướng mở, tích hợp liên môn nhằm kiểm tra vốn hiểu biết, kinh nghiệm sống, khả năng giải quyết vấn đề của học sinh. Theo bà Hiền, phương án này phù hợp với đề thi tốt nghiệp THPT vì có thể học sinh sau khi tốt nghiệp không thi tuyển sinh ĐH, CĐ hoặc lựa chọn các ngành nghề liên quan đến văn học.

    Phương án 2 sẽ gồm 2 câu: Một câu yêu cầu học sinh viết bài văn nghị luận xã hội, một câu là bài văn nghị luận văn học. Học sinh chỉ lựa chọn một trong 2 câu để làm bài.

    Đề phù hợp thời gian làm bài thi

    Thời gian làm bài của 2 môn bắt buộc là toán và văn năm nay sẽ chỉ còn 120 phút thay vì 150 phút như trước đây. Điều này khiến nhiều học sinh và giáo viên hào hứng nhưng cũng không khỏi lo ngại: Đề thi sẽ ra sao để đảm bảo đủ thời gian làm bài cho thí sinh.

    Một giáo viên dạy văn Trường THPT Việt Đức, Hà Nội, cho hay: “Vừa qua cho học sinh thi thử theo thời gian 120 phút nhưng do chưa có hướng dẫn và hình dung cụ thể về cách ra đề nên học sinh làm bài vẫn có vẻ căng quá”. Giải đáp về điều này, ông Mai Văn Trinh khẳng định: “Chắc chắn đề thi sẽ phải được thiết kế sao cho phù hợp với thời gian làm bài theo quy định mới. Tuy nhiên, việc giảm bớt yêu cầu không có nghĩa là giảm bớt số câu hỏi hay cắt nội dung kiến thức của phần này hoặc phần kia một cách cơ học. Kỹ thuật ra đề sẽ đáp ứng được yêu cầu về thời gian làm bài”.

    Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ cho biết cụ thể về cách thức ra đề thi tốt nghiệp THPTmôn văn ra sao sẽ được bàn bạc cụ thể vào ngày 10/4 tại hội thảo về đổi mới cách kiểm tra, đánh giá môn ngữ văn do Bộ tổ chức.

    Xung quanh đề thi ngoại ngữ, ông Trinh cho biết Bộ đang xem xét và đã tham khảo ý kiến của các chuyên gia, các giáo viên ngoại ngữ về thời gian làm bài và mức điểm giữa phần trắc nghiệm và viết luận. Tuy nhiên, chắc chắn phần trắc nghiệm vẫn chiếm tỷ lệ lớn hơn trong đề thi. “Quyết định sẽ được đưa ra trước khi ban đề thi làm việc”, ông Trinh cho hay.

    Theo ghi nhận, các trường đang rất mong Bộ sớm đưa ra những hướng dẫn cụ thể về đổi mới cấu trúc đề thi, vì đây là thời điểm học sinh đang tập trung cao độ cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.

    Bất ngờ cho cả giáo viên và học sinh

    Bà Phạm Hà Thanh, giáo viên dạy văn Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.Hà Đông (Hà Nội) cho rằng, việc thay đổi cấu trúc đề thi môn văn là một điều khá bất ngờ đối với cả giáo viên và học sinh vì đến khi có hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT Bộ mới công bố điều này. Trong khi đó, đây là một thay đổi lớn, khác hoàn toàn so với cách thức mà học sinh vẫn ôn luyện lâu nay.

    Bà Thanh cũng bày tỏ sự ủng hộ về mặt chủ trương của cách thức ra đề thi theo hướng mới khi yêu cầu không kiểm tra những kiến thức học thuộc lòng và làm văn theo khuôn mẫu. Tuy nhiên, bà Thanh băn khoăn về tỷ lệ giữa phần đọc hiểu và làm văn trong đề thi. “Nên quy định tỷ lệ 40\% phần đọc hiểu và 60\% là phần làm văn thì phù hợp hơn”, bà Hà Thanh đề xuất. Bà Hà Thanh cũng cho rằng, phần làm văn không nên để học sinh lựa chọn hoặc là nghị luận xã hội hoặc nghị luận văn học vì hai phần này không thể thay thế cho nhau. Do vậy, cần bố trí tỷ lệ phần làm văn lớn hơn phần đọc hiểu văn bản để có thể kiểm tra được cả hai kỹ năng trên.

    Nguyễn Hương(theo TNO)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thay-doi-lon-trong-de-thi-tot-nghiep-thpt-a28513.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan