Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Vinh Hiển khuyên học sinh nên lựa chọn môn thi tốt nghiệp THPT theo năng lực và định hướng nghề nghiệp, không nên chọn theo phong trào.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển. |
Thưa Thứ trưởng, với cách thi tốt nghiệp mới, áp lực đối với giáo viên và các trường sẽ lớn hơn?
- Đúng vậy, áp lực cho các thầy, cô và trường sẽ nặng hơn do số lượng môn thi được tổ chức thực tế là 8 môn chứ không phải là 4 môn. Cách tổ chức dạy học sẽ phức tạp hơn vì có môn đông người học, có môn ít người học.
Tuy nhiên, theo tôi về tổng thể thì không vất vả thêm nhiều lắm. Giáo viên vẫn sẵn đấy rồi, và việc dạy học sẽ đỡ vất vả hơn vì các em sẽ tập trung vào ôn thi môn nào thích học chứ không bị ép học như trước.
Việc Bộ cho phép học sinh tự chọn môn thi tốt nghiệp liệu có xảy ra tình trạng sẽ có những môn học đông học sinh chọn sẽ khiến giáo viên hướng dẫn ôn thi bị quá tải?
- Tôi thấy vấn đề này đơn giản vì bây giờ chúng ta mới tự chọn thi chưa tự chọn dạy và học, các trường sẽ tự điều tiết việc phân bổ giáo viên ôn thi sao cho đảm bảo tốt nhất.
Chẳng hạn nếu thầy cô nào phải dạy nhiều, dạy đông học sinh thì sẽ bớt việc khác. Việc đổi mới thi lần này mới chỉ là những tập dượt ban đầu, chưa có gì khó khăn phức tạp quá.
Sau này khi chúng ta triển khai học tự chọn thì điều hành việc dạy sẽ phức tạp khó khăn hơn. Tuy nhiên, khó mà cần thiết thì vẫn phải làm.
Còn làm như thế nào mỗi trường phải có phương án cụ thể, cơ quan quản lý sẽ hướng dẫn, tập huấn chứ không thể làm hết những việc cụ thể hộ trường.
Với những đổi mới trong cách thi cử, đánh giá năm nay, định hướng đề thi có gì khác, và thí sinh nên chuẩn bị như thế nào để có kết quả thi tốt nhất?
- Đề thi năm nay về cơ bản không có nhiều thay đổi lớn. Mặc dù môn Ngoại ngữ sẽ có thêm phần tự luận, các đề thi môn khoa học xã hội sẽ tăng khả năng mở, liên hệ nhiều đến thực tế và mang dấu ấn cá nhân của các em, những yêu cầu đó đã được quán triệt ngay từ trong công văn hướng dẫn nhiệm vụ từ đầu năm học.
Còn để có kết quả thi tốt nhất, các em nên học hiểu bản chất vấn đề chứ không chỉ là học thuộc lòng. Một trong những cách tốt nhất là vận dụng kiến thức vào làm bài tập, giải quyết các vấn đề, hiện tượng trong học tập và trong thực tế.
Đặc biệt những môn như Lịch sử, Ngữ văn thì các em phải rèn luyện năng lực nhận xét, đánh giá các sự kiện, năng lực diễn đạt của mình; môn Ngoại ngữ cũng cần biết diễn đạt vấn đề bằng ngôn ngữ riêng của mình.
Vì vậy phải học hiểu, nắm cốt lõi vấn đề để mà diễn đạt. Trong quá trình dạy giáo viên cũng phải hướng tới cách dạy học hiểu và vận dụng kiến thức để giúp đỡ các em nắm được bản chất vấn đề.
Nói như vậy cũng không có nghĩa là bỏ hẳn học thuộc bởi không có kiến thức thì lấy gì mà tư duy.
Ví dụ, đề thi môn Lịch sử sẽ không quá chú trọng vào chi tiết, tuy nhiên những nội dung chính, những mốc lịch sử quan trọng vẫn cần phải nhớ, chẳng lẽ lại không nhớ Quốc khánh (2/9/1945); Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954), Thống nhất đất nước (30/4/1975…
Không chọn môn thi theo phong trào
Thứ trưởng có lời khuyên nào cho các em học sinh trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp năm nay?
- Trước hết, các em cần tùy theo năng lực sở trường, việc chọn ngành nghề sau này để chọn môn thi cho phù hợp. Hoặc nếu thích môn nào thì các em chọn môn đó, đừng chọn theo “phong trào” , thấy bạn chọn gì thì chọn nấy, mà phải suy nghĩ kỹ.
Việc ôn thi tốt nghiệp cũng là dịp để các em học sinh rèn luyện một số kỹ năng sau này phục vụ cho cuộc sống, nghề nghiệp của bản thân, và đây cũng là một cơ hội để tiếp cận với nghề nghiệp, tiếp cận với xã hội. Tôi khuyên các em không nên bỏ qua cơ hội này.
Cũng cần ôn đều, đừng học lệch, học tủ để có bài kiểm tra đánh giá kết thúc năm học cho tốt. Vì kết quả học các môn đóng góp 50\% đánh giá việc hoàn thành tốt nghiệp của các em, những môn thi tốt nghiệp thì ôn sâu hơn.
Cần coi trọng tự học là chính. Kiến thức các thầy đã dạy trên lớp, những nội dung có trong sách giáo khoa là đủ cho các em đi thi; cái gì chưa hiểu, cần đào sâu suy nghĩ, hỏi bạn, mà khó quá thì hỏi thầy. Đồng thời, tự mình cũng nên rèn luyện như thử làm 1 bài, tự mình diễn đạt trình bày một vấn đề xem sao.
Còn các thầy cô nên làm thế nào để giúp các em có kết quả thi tốt nghiệp tốt nhất, thưa Thứ trưởng?
- Các trường và thầy, cô cũng nên hướng dẫn các em học sinh chọn môn thi theo bản thân mình, (năng lực, nguyện vọng, mục đích nghề nghiệp của mình) thì mới thi được kết quả tốt.
Giáo viên cần định hướng, tư vấn cho các em học sinh đăng ký chọn môn và hướng dẫn dạy các em kiến thức cơ bản, bổ khuyết những gì còn thiếu.
Sẽ xóa tâm lý môn chính, môn phụ
Với việc sử dụng kết hợp kết quả học tập phổ thông để đánh giá tốt nghiệp sẽ có tác động như thế nào tới học sinh?
- Tôi cho rằng cách làm này sẽ xóa đi được tâm lý về môn chính môn phụ. Trước đây khi tính điểm tổng kết năm học có qui định nhân hệ số một số môn nhưng 2 năm gần đây đã bỏ, không nhân hệ số các môn đó nữa, tôi thấy mọi người vui vẻ.
Đến bây giờ xét chọn thi tốt nghiệp tất cả các môn thì mọi người thấy hài lòng hơn. Học sinh chủ động học đều hơn, không còn chuyện chờ đến ngày 31/3 Bộ công bố môn thi thì các em mới lao vào học các môn đó để đi thi và sau đó thì kiến thức giữ lại được không được bao nhiêu. Bây giờ các em học và thi đã đỡ đối phó và dần đi vào thực chất.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!