Các trường đại học tại Anh, bao gồm cả những ngôi trường danh tiếng như UCL, Cambridge và Edinburgh, cho biết số lượng sinh viên đăng ký học lên thạc sĩ đã tăng khoảng 10-20% kể từ mùa thu năm 2020. Bà Mary Curnock Cook, một chuyên gia tuyển sinh phụ trách một ủy ban độc lập về sinh viên, lý giải sự gia tăng này là do "vấn đề suy giảm niềm tin vào thị trường việc làm sau đại học".
Theo đó, nhiều cử nhân đại học hiện đang chật vật trong việc tìm kiếm một công việc phù hợp trong thời gian dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Cụ thể, bà Cook phát biểu: " Tôi thường xuyên nghe thấy các em than phiền về chuyện gửi rất nhiều đơn xin việc nhưng không hề có lấy một lời hồi đáp. Điều này thật đáng xấu hổ khi các nhà tuyển dụng không đối xử với các ứng viên của họ một cách lịch sự".
Bà nói thêm: "Tôi hiểu rằng tấm bằng thạc sĩ sẽ là một khoản đầu tư đáng giá vì nó giúp các ứng viên thu hút sự chú ý của các nhà tuyển dụng và cho họ một mức lương cao hơn".
Tuy nhiên, theo bà Cook các sinh viên nên suy nghĩ kỹ trước khi đưa ra quyết định vội vàng vì khoản vay dành cho nghiên cứu sau đại học sẽ không nhất thiết phải bao gồm mọi chi phí liên quan.
Lên tiếng về vấn đề này, ông Dan Barcroft, trưởng bộ phận tuyển sinh của Đại học Sheffield, cho biết chương trình học sau đại học đặc biệt phổ biến đối với những sinh viên chưa tốt nghiệp và dự định ở lại trường, với số lượng đơn đăng ký tăng 35%. Ông phân tích: "Mọi người đang lựa chọn tiếp tục học tập trong thời điểm kinh tế bất ổn".
Trong khi đó, cô Lily Patrick, một đại diện của hội sinh viên tại Đại học Leicester, chia sẻ các sinh viên hiện nay rất lo lắng vì họ không thể phát triển các kỹ năng mềm như giao tiếp hay làm việc nhóm trong thời gian học tập từ xa do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Điều này khiến nhiều em lựa chọn học tiếp chương trình đào tạo sau đại học để có thêm cơ hội mở mang kiến thức và tham gia vào các hoạt động ngoại khoá, nâng cao kỹ năng, nâng cao sự tự tin trước khi bắt đầu sự nghiệp.
Một sinh viên khác cho biết: "Tôi biết nhiều người vì quá căng thẳng, thiếu giao tiếp và làm gấp đôi công việc bình thường nên đã đăng ký học thạc sĩ để giảm bớt áp lực".Chia sẻ về câu chuyện của mình, Mairi McWilliams, sinh viên luật tại Đại học Tây Scotland và đã nộp đơn vào Strathclyde cho các khóa học sau đại học, cho biết cô không thể tìm được việc làm trợ lý hành chính hoặc pháp lý trong một công ty luật như mong muốn. Cô cho biết cô đặc biệt thất vọng với các công ty lớn hơn, mà cô ấy cảm thấy đối xử với các đơn xin việc của mình "giống như một con số".
Cô tâm sự: "Đây là một cam kết lớn về mặt tài chính và học tập, bởi vì tôi cảm thấy mình đã hoàn thành tất cả công việc trong những năm qua và bây giờ tôi chỉ định lấy bằng Thạc sĩ vì tôi không thể kiếm được việc làm".
Bằng cấp sau đại học thường là xu hướng phổ biến được các sinh viên lựa chọn trong thời kỳ khủng hoảng. Cụ thể, một cuộc khảo sát năm 2009 của NUS cho thấy gần 1/3 sinh viên khi ấy xem xét việc học tiếp chương trình sau đại học để tránh những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Trong khi đó, một cuộc khảo sát gần đây với hơn 2.000 sinh viên của dịch vụ tư vấn Prospects cho thấy khoảng 1/3 sinh viên năm cuối các trường đại học đã thay đổi nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của mình. Trong khi đó, 2/3 sinh viên khác lựa chọn học tiếp thạc sĩ. Gần một nửa số sinh viên đại học cho biết họ cảm thấy không sẵn sàng tham gia thị trường việc làm, với lý do thiếu kinh nghiệm, vị trí tuyển dụng và kỹ năng.
Minh Hạnh(Theo Guardian)