Sau khi sử dụng ma túy, nhóm thanh niên bàn bạc, lên kế hoạch trộm cắp tài sản của những gia đình sơ hở.
Báo Người đưa tin cho biêt, ngày 26/7, Công an huyện Thanh Trì, Hà Nội đã thực hiện bắt khẩn cấp nhóm người gồm: Lương Văn Vinh (32 tuổi, ở quận Hoàng Mai, từng có 1 tiền án, 1 tiền sự); Hoàng Tuấn Dũng (24 tuổi, ở huyện Thanh Trì) và Tô Xuân Hà (27 tuổi, có 1 tiền án, ở huyện Thường Tín) để điều tra hành vi Trộm cắp tài sản.
Đáng nói, trong 3 kẻ chuyên trộm cắp tài sản trong đêm, có một tên dễ nhận dạng nhất do có hình xăm đại bàng ở cổ, tên này cũng được xác định là kẻ cầm đầu băng trộm.
Các đối tượng trộm cắp tài sản bị công an huyện Thanh Trì bắt giữ - Ảnh: báo An ninh thủ đô |
Theo báo An ninh thủ đô, tài liệu của cơ quan công an xác định, nhóm thanh niên trên chuyên tụ tập sử dụng ma túy, sau đó bàn bạc đi trộm cắp tài sản. Vụ án gây đây nhất do nhóm này gây ra là vào khoảng 3h30 ngày 25/7 tại thôn Đại Áng, huyện Thanh Trì.
Tại đây, chúng phát hiện nhà một người đàn ông có dựng 3 xe máy trong sân nhà, cổng khóa chắc chắn. Thấy vậy, họ đã bàn bạc tìm mọi cách đột nhập vào trong sân để lấy trộm tài sản.
Để thực hiện hành vi phạm tội, 3 nghi phạm đã dùng kìm, cờ lê bẻ khóa, lấy xi lanh hút dầu luyn trong xe rồi bơm vào các chốt cửa sắt để tránh gây tiếng ồn trong khi gây án.
Sau 5 giờ xảy ra sự việc, cả 3 đã bị Công an huyện Thanh Trì bắt giữ.
Tại cơ quan công an, Vinh, Dũng và Hà đã thừa nhận hành vi của mình. Ngay sau đó cơ quan công an đã thu lại toàn bộ tài sản cho người bị mất, đồng thời dẫn giải chúng đến vị trí cất giấu xe để phục vụ công tác điều tra.
Ngoài ra, nhóm nghi phạm còn khai nhận với cơ quan công an đã gây án trót lọt 10 vụ trộm cắp tài sản trên địa bàn quận Hoàng Mai, huyện Thường Tín.
Điều 138. Tội trộm cắp tài sản. Bộ luật hình sự 1999 1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; đ) Hành hung để tẩu thoát; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo. |
(Tổng hợp)