Những ngày giữa tháng Tám, về với xứ Lệ, những tiếng mõ, phách, tiếng “hố lên, hồ lên”... vang vọng trên dòng Kiến Giang. Ngót 70 năm qua kể từ 1946, sông nước nơi đây có riêng một lễ hội đua thuyền mừng Tết Độc lập.
Lễ hội đua thuyền huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) lần đầu được tổ chức vào năm 1555, thường vào mùa xuân với mong muốn cầu mưa thuận gió hòa. Từ năm 1845, lễ hội đua thuyền được gọi là lễ “cầu đảo”, được tổ chức vào rằm tháng 7 hằng năm. Sau Cách mạng tháng Tám, kể từ năm 1946, lễ hội chính thức được tổ chức đúng vào ngày 2/9 với ý nghĩa mừng Tết Độc lập.
Lễ hội đua thuyền truyền thống gắn liền với đời sống văn hóa tâm linh của người dân Lệ Thủy. “Đối với thuyền bơi, đua, các nghi thức cúng tế trước khi tham gia tranh tài: từ lễ vái thổ thần đất đai, đến lễ hạ thủy, lễ đẩy thuyền... đều được giữ gìn nguyên vẹn cho đến ngày nay” - ông Đặng Đại Sức (75 tuổi, tổ dân phố 1, thị trấn Kiến Giang) - trước đây là một tay chèo phách có tiếng của thuyền đua Xuân Giang, cho hay.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp về quê xem đua thuyền năm 1999 (ảnh do ông Đỗ Trung Tiến chụp lại tại nhà Đại tướng năm 2008). |
Công phu
Thuyền đua ở Lệ Thủy có hình dáng con cá chép dài khoảng 18 - 20m, bề ngang chỗ rộng nhất 1,3m. “Cây gỗ được chọn trên rừng rất công phu. Người dân làm lễ để xin thần rừng đốn cây về. Kỹ thuật xẻ gỗ, đóng thuyền là bí quyết riêng của từng ông thợ “bắt” thuyền” - ông Dương Văn Liên, Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT huyện Lệ Thủy, cho biết.
Đầu mũi thuyền đua ở Lệ Thủy không trang trí hình rồng như ghe ngo miền Nam hay thuyền rồng ngoài Bắc mà là hình đầu cá chép có hai mắt lúng liếng, hai bên đầu thuyền trang trí bằng nhiều lớp vảy cá, lái thuyền (đuôi thuyền) được trang trí bằng hình đuôi phượng. Mũi sỏ (mũi thuyền) là vật thiêng liêng nhất của thuyền đua. Theo ông Liên, trước đây, vào thời nhà Nguyễn, mũi sỏ của thuyền đua thường phân biệt theo màu sắc: màu vàng (tượng trưng cho vua chúa) chỉ dành cho thuyền bơi giành giải nhất mùa trước, màu đỏ (tượng trưng cho quan) chỉ dành cho các làng có người làm quan và màu xanh là màu bình dân. Hiện nay, màu sắc của mũi sỏ tùy thuộc vào mỗi làng. “Sau khi đua, mũi sỏ sẽ được tháo ra khỏi thuyền và đưa lên bàn thờ làng hoặc nhà văn hóa. Đây vẫn là một nét truyền thống từ xa xưa không thay đổi”, ông Liên cho biết thêm.
Đua thuyền còn gắn liền với một nét văn hóa trong sinh hoạt, sản xuất của người dân Lệ Thủy đó là hò khoan. Kỹ thuật đua bơi cũng gắn liền với hò khoan Lệ Thủy với nhịp bơi mái rải, mái xắp, liên quan đến số cặp chèo. “Trước đây, đua thuyền thường tổ chức bơi đường xa, gấp đôi quãng đường hiện nay nên có khi bơi hết một buổi vẫn chưa xong. Nhịp chèo gắn với câu hò mái rải, bơi đều đặn, nhẹ nhàng để giữ sức. Hiện, đường đua dài 26km (với đò bơi nam) và 18km (với thuyền đua nữ) nên đa số các thuyền bơi nhịp mái xắp để cốt bơi nhanh, bơi tốc độ”, ông Liên chia sẻ.
Trai bơi nỗ lực đến từng mái chèo để giành chiến thắng về cho làng mình. Ảnh: Vũ Hiệp. |
Ăn đua bơi, ngủ đua bơi
Cứ mỗi độ tháng Tám, khi các làng hạ thủy thuyền đua để “thụa” (tập luyện), người dân Lệ Thủy lại bước vào mùa đua bơi. Đâu đâu, người ta cũng nói chuyện đua bơi. Tiếng mõ, tiếng phách lại vang vọng cả dòng sông.
Những người già như ông Đặng Đại Sức, mỗi mùa đua bơi cũng vẫn lại ăn ngủ với thuyền đua, trông coi, phụ giúp sửa chữa thuyền đua. Chưa đến lễ hội nhưng hai bên bờ dòng Kiến Giang đã đông người xem thuyền đua “thụa”, từ ông già bà cả đến thanh niên, con trẻ. Ngày lễ hội, từ sáng sớm, tiếng người, tiếng xe đã rộn rã. Trẻ con dậy thật sớm, mặc áo quần đẹp rồi đợi người lớn dẫn đi xem đua thuyền. Hai bên bờ sông, người đông nghịt, thuyền trang trí cờ hoa rực rỡ cả Kiến Giang.
Tinh thần cổ vũ đua thuyền có lẽ chẳng đâu sánh được với Lệ Thủy. Ông già bà cả đứng dọc bến thuyền, tay cầm radio vừa xem vừa ngóng thông tin trên đài phát thanh. Thanh niên chạy xe máy dọc đường đua từ điểm xuất phát Mũi Viết đến thượng tiêu cầu Trạm (xã Mỹ Thủy) qua chợ Thùi - Phú Thọ (xã An Thủy) và trở về Mũi Viết để cổ vũ. Các chị, các mẹ, lội xuống sông, lấy nón khoát nước cổ vũ cho thuyền bơi, đua đến gãy cả vành nón lúc nào không hay.
Tiếng cổ vũ “hố lên, hồ lên” vang vọng dòng sông Kiến suốt cả chặng đua dài. Lạ một điều, thuyền nào đi qua, người dân cũng cổ vũ nhiệt tình, cũng té nước, cũng hét hò khản cả cổ, chứ không phân biệt làng anh, làng tôi. Đó là nét văn hóa, tinh thần thượng võ, tinh thần cộng đồng đặc biệt của người dân Lệ Thủy.
Dù ai đi Tây đi Đông/Mồng Hai tháng Chín cũng mong về nhà...
Theo ông Dương Văn Liên, lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang là một dịp đoàn viên của người dân Lệ Thủy. Đúng với cách gọi Tết Độc lập, đây là dịp con em Lệ Thủy làm ăn xa trở về để sống trong tinh thần lễ hội, hướng về nguồn cội. Người dân Lệ Thủy có câu ca:
Dù ai đi Tây đi Đông/Mồng Hai tháng Chín cũng mong về nhà/ Về mà xem hội quê ta/ Dòng sông bơi trải nhà nhà cờ bay
Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người con anh hùng của xứ Lệ, cũng rất quan tâm và đam mê đua thuyền. Ông nhiều lần về Lệ Thủy để tham dự lễ hội đua thuyền truyền thống. Ông Đỗ Trung Tiến - nguyên Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Lệ Thủy - thường xúc động khi kể câu chuyện cũ về Đại tướng: Năm nào đến ngày 25/8, chúng tôi đều cử một đoàn cán bộ đại diện cho Đảng bộ và nhân dân Lệ Thuỷ ra Hà Nội để chúc mừng sinh nhật Đại tướng. Vào dịp này có rất nhiều đoàn đến chúc nên thời gian thăm hỏi rất ngắn. Tuy vậy, năm nào, Đại tướng cũng hỏi: “Năm nay huyện ta bơi trải mừng tết Độc lập thế nào?”.
Lần đó, năm 2008, tôi đang thay mặt anh em trong đoàn thưa với Đại tướng về việc tổ chức lễ hội, số lượng đò bơi, thuyền đua rồi báo cáo với Đại tướng năm trước đò bơi An Xá lại tiếp tục giành giải nhất. Đại tướng ngắt lời: “Sao lại gọi giành được? Phải nói là đò bơi làng An Xá tiếp tục “đoạt” giải nhất. Nói như vậy để thấy sự quyết tâm và cố gắng của An Xá! Có phải không?”. Đại tướng và mọi người cùng cười. Rồi tôi nhớ ông hơi nhướng lông mày nói đầy tự hào: “Trai bơi An Xá làng tôi ngày xưa bơi trải là ghê lắm đấy!”.
Trước đây, ngày 2/9, các gia đình thường có mâm cúng đặt lên bàn thờ ông bà tổ tiên. Ông Đỗ Trung Tiến kể: Hồi còn nhỏ, mỗi dịp 2/9 là Tết to lắm: “Mỗi gia đình thường gói bánh tét như dịp Tết cổ truyền, rồi đặt lên bàn thờ thắp hương cho ông bà tổ tiên, sau đó chia cho trẻ con mỗi đứa một hộc bánh đeo lủng lẳng trước ngực để xem đua bơi. Người ta quan niệm là ăn Tết Độc lập”.
Ông Trương Tấn Gianh, sỹ quan quân đội nghỉ hưu, hiện đang sống tại Đà Lạt nhưng năm nào ông cũng về quê trước cả tuần lễ để sống trong không khí đua bơi. “Mỗi dịp như vậy, ở xa quê, lòng tôi chộn rộn lắm. Tết Độc lập đã ăn sâu vào máu thịt, cứ đến dịp là sôi sục lên. Dù bận bịu bao nhiêu, năm nào tôi cũng sắp xếp trở về để được sống trong không khí náo nức, sôi nổi không đâu có được ấy”, ông xúc động.
Lễ hội đua thuyền mừng Tết Độc lập ở huyện Lệ Thủy đến nay đã qua 51 lần tổ chức. Lễ hội từng bị gián đoạn 2 lần. Một lần trong kháng chiến chống Pháp, trai bơi phải gác mái chầm để cầm súng. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, nhân dân xã Phong Thủy (nay là 3 xã An Thủy, Phong Thủy, Lộc Thủy) đưa thuyền từ căn cứ kháng chiến về mở hội bơi, đua thuyền mừng chiến thắng. Một lần trong chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc, lễ hội bị gián đoạn từ năm 1965 đến năm 1973- khi Hiệp định Paris có hiệu lực thì đua thuyền Tết Độc lập được duy trì cho đến nay. |
Theo báo Tiền Phong