Dù đã gần 5 năm trôi qua, thế nhưng khi nhắc đến người con trai vắn số, bà Cấn Thị Ngần (xã Tuyết Nghĩa, Quốc Oai, Hà Nội) vẫn nhớ về từng kỷ niệm của con như vừa mới đây. Bà Ngần là người đã hiến tặng mô, tạng của con trai mình - anh Trịnh Đình Vàng - cho những người khác khi anh bị tai nạn và chết não.
Ánh mắt đượm buồn của bà Cấn Thị Ngần khi nhớ về những ngày tháng đã qua. |
Người mẹ kiên cường
Đã nhiều năm nay, bà Ngần đi làm giúp việc ở nội thành Hà Nội, hiếm lắm mới có dịp về nhà. Bà Ngần kể cho tôi nghe về những ngày tháng mà có lẽ cả đời này bà chẳng thể quên... Giữa năm 2016, khi đang đi làm thuê, bà Ngần nhận được hung tin: Con trai bà bị ngã từ lan can tầng 2 xuống đất. Tại bệnh viện Quân y 103 (Hà Nội), mặc dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa, song anh Vàng đã rơi vào tình trạng chết não. “Các bác sĩ nói với tôi rằng con trai tôi 99% không thể qua khỏi và hỏi gia đình có muốn làm nhân đạo không”, bà Ngần nói thêm.
Người phụ nữ chất phác cả đời chỉ quanh quẩn những công việc tay chân như bà Ngần, nghe khái niệm làm nhân đạo hay hiến mô, tạng... cảm thấy rất mơ hồ. Khi hiểu ra, giữa sự ngăn cản của họ hàng và hai người con còn lại, bà đã suy nghĩ rất nhiều. “Ai cũng nói không nên mổ xẻ cháu làm gì nữa. Lúc sống như thế nào thì lúc chết cũng vậy, đừng cho gì cả mà tội nghiệp cháu”, bà Ngần kể.
Thế nhưng, ám ảnh về sự sống mong manh của những con người đang chờ nhận tạng mới, để được tiếp tục sống khỏe mạnh cứ luôn quanh quẩn trong đầu bà Ngần. “Từ bé đến lớn con tôi không có bệnh tật gì, nhưng lại qua đời đột ngột như thế. Con tôi chết đi rồi cũng trở về với cát bụi. Chẳng thà tôi tạo cơ hội sống cho những người khác, để họ tiếp tục thay con trai tôi sống tốt phần đời còn lại”, bà Ngần nói. Vậy là, gạt đi những lời phản đối, người mẹ già đã nén đau thương ký vào tờ đơn đồng ý hiến tạng. “Lúc cầm bút ký vào tờ đơn đồng ý hiến tạng của con trai, lòng tôi như bị xé ra ngàn mảnh, nhờ có các bác sĩ tại bệnh viện động viên, giúp đỡ tôi mới hoàn thành thủ tục”, bà Ngần nói.
Trên khuôn mặt phúc hậu của người mẹ già ấy, dường như nỗi nhớ con trai chưa khi nào nguôi. Bà Ngần kể, khi anh Vàng lên 5 tuổi thì chồng bà mất. Dù gia đình không mấy khá giả, thế nhưng vì thương con, bà Ngần luôn cố gắng dành cho đứa con út thiếu thốn tình yêu thương của cha những điều tốt đẹp nhất. Chùng giọng xuống, bà kể tiếp: “Tôi cố gắng đi làm chắt chiu từng đồng để sửa sang lại căn nhà đang ở cho Vàng lấy vợ. Thế mà...”.
Sau sự ra đi của anh Vàng, bà Ngần trở về nhà mà lòng nặng trĩu bởi: “Nỗi đau mất con một thì nỗi đau miệng lưỡi thế gian mười”. “Chào đón” bà Ngần là vô vàn những lời bàn tán, đồn thổi về việc bà đã đem tạng con đi bán hay mổ xẻ con vì tiền. Những lời nói ấy như vết dao cứa sâu vào trái tim vẫn còn rỉ máu của người mẹ già. Nhưng bà vẫn không một lời than trách: “Tôi chỉ mong những người đã nhận được tạng từ con tôi có thể sống khỏe mạnh là tôi mừng rồi”.
Bà Ngần và 5 người con của mình. |
“Mẹ đã sinh ra con lần thứ hai”
Trời không phụ lòng người. Quả đúng như vậy, sự ra đi của người con trai bà Ngần hết mực yêu thương nay đã được đền đáp bằng 5 người con khác. Đó là những người đã được nhận hai giác mạc, tim và hai quả thận từ anh Trịnh Đình Vàng.
Chưa đầy 50 ngày sau sự ra đi của anh Vàng, bà có thêm 2 người con đầu tiên. Đây là 2 người đã nhận được giác mạc từ anh Vàng. “Sáu tháng sau tôi nhận được điện thoại từ một người lạ, người này đã nhận trái tim của con tôi”, bà Ngần kể tiếp. Giữa những giây phút ngập ngừng lẫn lộn cảm xúc, người đó đã gọi bà Ngần một tiếng mẹ: “Mẹ đã sinh ra con lần thứ hai”.
Cứ thế, lần lượt những người nhận tạng từ con trai bà Ngần đều tìm đến và nhận bà là mẹ. Cả cuộc đời bà lam lũ, vất vả vì con rồi lại nhận về nỗi đau tự tay tiễn con về với cát bụi. Nhưng giờ đây khi nhìn thấy 5 người con khác, thay người con trai đã mất để báo hiếu cho mình, với bà Ngần, không còn điều gì quý giá hơn.
Bây giờ, bà Ngần đã vui vẻ hơn trước nhiều. Ngày giỗ anh Vàng năm nào 5 người con, dù không do bà sinh ra, nhưng cũng thắp hương cho Vàng và cùng gia đình bà ăn bữa cơm đoàn viên. Các con vẫn hay gọi điện về hỏi thăm mẹ. Tết nào họ cũng gọi và dặn dò bà nhiều thứ. Bà cũng không đòi hỏi thăm nom nhiều, chỉ mong các con giữ được sức khỏe là bà mừng.
Năm nay, bà Ngần vẫn đón Tết tại căn nhà đã lưu giữ những kỷ niệm của bà với anh Vàng. Nỗi nhớ con thì vẫn còn đó, nhưng nỗi buồn đã vơi đi vì luôn nhận được tình cảm từ những đứa con còn lại, cả con đẻ lẫn những đứa con không máu mủ nhưng đang mang trong mình trái tim, giác mạc và quả thận từ đứa con vắn số của bà.
“Trước mỗi dịp Tết, 5 người con luôn tranh thủ về mua đồ thắp hương và thăm tôi. Với tôi đó là niềm an ủi lớn nhất. Tình cảm là thứ quý nhất trên đời, vàng bạc châu báu cũng không thể nào thay thế được”, bà Ngần hạnh phúc kể về cuộc sống hiện tại của mình.
“Một năm tôi vẫn cố gắng ra thăm mẹ 3 - 4 lần. Ngày Tết vì bận công việc, gia đình nên tôi chỉ có thể gọi điện ra ngoài chúc Tết, hỏi thăm sức khỏe của mẹ. Chỉ mong mẹ vẫn luôn khỏe mạnh và sống thật hạnh phúc những tháng ngày còn lại”. Anh Nguyễn Nam Tiến (Quảng Bình), người nhận tim từ anh Trịnh Đình Vàng. |
Lê Trà
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Chủ Nhật (1)