Gia cảnh khó khăn, tuổi xuân lại trôi qua đầy buồn tủi, do quá lứa lỡ thì, nên bà phải chấp nhận “xin” con, mong lúc về già có nơi nương tựa. Nào ngờ, số phận bà là chuỗi ngày bi kịch. Tương lai mờ mịt như chính quá khứ u ám và đầy đau khổ...
Một con trai tha phương cầu thực, con gái chết đuối, con út ngờ nghệch, khuyết tật
Ngôi nhà xập xệ của bà Nguyễn Thị Hòa (SN 1962), trú xóm Thanh Cao, xã Đại Đồng, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An vang lên tiếng dỗ dành của một người phụ nữ với một nam thanh niên. Thấy khách đến nhà, bà Hòa bỏ bát cơm trắng trong chiếc tô bằng nhựa xuống để ra đón tiếp, trong khi người con là anh Nguyễn Cảnh Tú (SN 1997) thì cười hề hề một cách ngờ nghệch.
“Mỗi lần con ăn cơm đều vất vả như vậy đấy”, bà Hòa nói, rồi thở dài. Căn nhà vốn đã nhỏ bé, nay bị khói bếp bốc lên mù mịt, nên người phụ nữ khốn khổ đành phải lấy mấy chiếc ghế mời khách ngồi tạm ở trước hiên. Nhìn qua một lượt, trong nhà chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc xe đạp cũ kỹ. Thậm chí gian khách còn trống hoe đặt mỗi chiếc nan giường trên 2 chiếc ghế cho mẹ con nằm ngủ.
Bà Hòa nói, đây vốn là ngôi nhà của bố mẹ để lại. Gia đình có đông anh chị em nhưng nay đã đi lập nghiệp nơi khác cả, chỉ mỗi bà sống ở đây từ nhỏ tới lớn, công việc duy nhất là làm ruộng để mưu sinh. Nghèo từ trong trứng nước vì vậy bà chẳng được đi học. Xấu người, lại không được nhanh nhẹn như người ta nên từ hồi trẻ cũng không có ai đến tán tỉnh.
Bà Hòa dỗ dành con ăn cơm. |
Sau khi bố mẹ lần lượt qua đời, sống một mình hiu quạnh trong ngôi nhà nhỏ nhưng lại quá thừa thãi, nên bà đã đi “xin” con từ một người đàn ông trong xã. Thế rồi, 3 người con lần lượt được bà sinh ra trong tiếng xì xào bán tán của người dân. Bà chẳng quan tâm, chỉ cật lực làm việc với hi vọng ngày ngày có bát cơm cho các con ăn.
Thế nhưng, sóng gió vẫn chưa ngừng lại, lần lượt hành hạ người phụ nữ nghèo khổ này. Đau đớn nhất chính là việc người con gái thứ 2 vào năm 11 tuổi trong một lần đi tắm sông chẳng may đuối nước.
Ngoài ra, người con trai thứ 3 là anh Nguyễn Cảnh Tú thì sinh ra đã không bình thường, ngẩn ngẩn, ngơ ngơ. Sau khi đi kiểm tra, các bác sĩ kết luận anh Tú là người khuyết tật đặc biệt nặng, do tình trạng rối loạn tri giác, trí nhớ, cảm xúc, kiểm soát hành vi, suy nghĩ và có biểu hiện với những lời nói, hành động bất thường.
Đau đớn đến cùng cực nhưng nghĩ đến việc người con trai không ai chăm sóc, bà Hòa lại nuốt nước mắt vào trong để cố gắng sống cùng với con. “Một phút sơ sểnh là Tú lại chạy ra khỏi nhà, rồi đi lung tung khắp nơi. Có hôm tôi phải đuổi theo đến mấy cây số để đem con về. Giờ cháu đã 23 tuổi rồi nhưng chẳng biết làm việc gì, cũng chẳng thể nào tự làm được các công việc cá nhân. Thậm chí, ăn uống, tắm giặt tôi cũng phải lo hết”, bà Hòa thở dài.
Tương lai sẽ ra sao?
Nói về hoàn cảnh của mẹ con bài Hòa, bà Nguyễn Thị Hường, người dân địa phương cho hay: “Đợt này còn đỡ, chứ mấy tháng trước anh Tú còn cởi hết quần áo chạy nhông nhông ngoài đường cơ. Trước kia tình trạng của anh Tú còn nặng hơn nhiều, mỗi lần lên cơn là đập phá đồ đạc trong nhà. May mà bà Hòa luôn đóng chặt cửa nên lâu nay anh Tú không ra ngoài được”.
Cũng vì thế, mặc dù biết về sự khó khăn của gia đình nhưng chẳng ai dám đến chơi. Theo người dân cho biết, khi người con lên cơn, bà Hòa phải dùng dây xích để trói lại. Mặc dù vô cùng đau đớn nhưng đây là biện pháp duy nhất, chẳng còn cách nào khác nữa cả.
Căn nhà trống rỗng chỉ có duy nhất chiếc giường. |
Khi được hỏi về việc đã bao giờ nghĩ đến việc đưa con đến trung tâm bảo trợ xã hội của tỉnh, người mẹ già này lắc đầu. Bà nói: “Tôi còn khỏe nên còn chăm con được. Tôi sợ nếu như rời xa khỏi tay tôi, không ai chăm được con. Đợt này, tôi đi làm cũng đưa con đi theo chứ không để ở nhà nữa, vì nếu con vượt tường trèo ra thì không biết đi đâu mà tìm”.
Nói vậy chứ bà Hòa cũng lo sợ một ngày nào đó mình chẳng may qua đời, chẳng biết người con trai phải làm sao. Người con đầu đang làm thuê ở dưới TP.Vinh, thỉnh thoảng mới về đưa cho bà ít tiền. “Thằng đầu giờ nuôi thân nó chẳng xong nữa là nuôi em”, bà Hòa thở dài lần nữa.
Năm nay đã bước sang tuổi 58 nhưng tóc bà đã bạc đi rất nhiều. Đôi bàn tay gầy gò, run rẩy không thể làm được công việc nặng nữa. Bà biết thời gian của mình không còn nhiều nữa, nhưng vẫn không biết tương lai phía trước như thế nào. Nhìn vào người con trai đang cười ngây ngô, bà cúi đầu rồi ngẫm nghĩ đành sống ngày nào hay ngày đó.
Ông Lưu Văn Hòa – Chủ tịch xã Đại Đồng, huyện Thanh Chương cho biết: “Hoàn cảnh của gia đình bà Nguyễn Thị Hòa chúng tôi đều biết rất rõ. Chính quyền cũng rất quan tâm và có nhiều chính sách cho gia đình. Trong đó người con được hưởng chế độ người khuyết tật đặc biệt nặng, còn bà Hòa có chế độ người chăm sóc. Ngoài ra, gia đình này cũng nằm trong diện hộ nghèo nhiều năm nay”.
Trao đổi thêm về hướng hỗ trợ, vị Chủ tịch xã Đại Đồng cho rằng, hiện nay hai mẹ con đang chăm sóc lẫn nhau nên phía chính quyền sẽ cùng với cán bộ xóm quan tâm theo dõi. Đến khi nào gia đình có nguyện vọng riêng về cách thức chăm sóc anh Nguyễn Cảnh Tú, lúc đó chính quyền sẽ xem xét giải quyết.
“Mấy ngày trước, trên mạng xã hội đăng tải hình ảnh về việc người mẹ dùng dây xích trói con. Thực ra đây là việc bất đắc dĩ nhưng cũng không đúng, vì vậy chính quyền đã xuống nhà và hướng dẫn bà Hòa về việc xử lý các tình huống khi con lên cơn, không nên dùng xích như vậy”, ông Lưu Văn Hòa nói. |
Anh Ngọc
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 2 (203)