+Aa-
    Zalo

    Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ: "Bất khả chiến bại"?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được Pháp giao nhiệm vụ “hút” và “nghiền nát” quân chủ lực Việt Minh.

    (ĐSPL) - Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được Pháp giao nhiệm vụ “hút” và “nghiền nát” quân chủ lực Việt Minh và giúp Paris chiếm ưu thế trong hòa đàm sau này. 
    Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ án ngữ tây bắc Việt Nam, kiểm soát Thượng Lào và  để làm bẫy nhử, thách thức quân chủ lực Việt Minh tấn công. Theo kế hoạch của Pháp, quân chủ lực của Việt Minh sẽ bị “nghiền nát” tại Điện Biên Phủ.
    Quân Pháp nhảy dù đánh chiếm Điện Biên Phủ, thiếp lập căn cứ
    Ngày 2/11/1953, Tổng chỉ huy Navarre đã chỉ thị cho tướng Cogny chậm nhất đến ngày 1/12/1953  phải đánh chiếm Điện Biên Phủ để thiết lập một cứ điểm bảo vệ Thượng Lào. Cuộc hành binh đánh chiếm Điện Biên Phủ có bí danh “Cuộc hành quân Castor” do tướng Jean Gilles chỉ huy.
    Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ

    Ngày 20/11/1953, 63 chuyến bay C-47 Dakota thả 3.000 lính dù và chiến cụ xuống Điện Biên Phủ.

    Ngày 20/11/1953, 63 chuyến bay C-47 Dakota thả 3.000 lính dù và chiến cụ xuống Điện Biên Phủ. Hai ngày sau, quân Pháp liên tiếp đổ thêm 3 tiểu đoàn dù nữa cùng với một đại đội pháo binh xuống lòng chảo Điện Biên Phủ. Ngày 24/11, đường băng sân bay được sửa chữa xong và máy bay có thể đáp xuống. Như vậy, từ ngày 20 đến ngày 22/11/1953, Pháp đã ném xuống cánh đồng Mường Thanh 6 tiểu đoàn dù, khoảng 4.500 quân.
    Ngày 3/12/1953,  Navarre đã quyết định "chấp nhận chiến đấu ở Điện Biên Phủ". Đây là một sự chuyển hướng có tính chiến lược của Navarre, vì Điện Biên Phủ không nằm trong kế hoạch mùa khô 1953-1954.
    Ngày 7/12/1953, Đại tá Christian de Castries được Cogny và Navarre chỉ định làm chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
    Ngày 15/12/1953, lực lượng Pháp ở Điện Biên Phủ tiếp tục tăng lên 11 tiểu đoàn. Một tập đoàn cứ điểm đã xuất hiện, chạy suốt chiều dài cánh đồng Mường Thanh, hai bên bờ sông Nậm Rốm.
    Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ

    Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ gồm ba phân khu yểm hộ lẫn nhau.

    Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ gồm ba phân khu yểm hộ lẫn nhau. Mỗi cứ điểm đều có khả năng phòng ngự độc lập. Nhiều cứ điểm được tổ chức lại thành cụm cứ điểm, gọi là "trung tâm đề kháng theo kiểu phức hợp", có lực lượng cơ động, hỏa lực riêng, hệ thống công sự vững chắc, chung quanh là hào giao thông và hàng rào dây kẽm gai, khả năng phòng ngự khá mạnh. Mỗi một phân khu gồm nhiều trung tâm đề kháng kiên cố như vậy. Mỗi trung tâm đề kháng, cũng như toàn bộ tập đoàn cứ điểm, đều có hệ thống công sự nằm chìm dưới mặt đất, chịu được đạn pháo 105mm. Hệ thống công sự phụ (hàng rào, bãi dây thép gai, bãi mìn) dày đặc, hệ thống hỏa lực rất mạnh. Pháp đã căng hàng ngàn km dây kẽm gai, chôn hàng vạn các loại mìn: mìn phát sáng, mìn sát thương, mìn cóc nhảy, mìn chứa xăng khô napalm để thiêu cháy hàng loạt bộ binh... Phương tiện chống đạn khói, máy hồng ngoại tuyến bắn đêm, áo chống đạn, súng phóng lựu hiện đại nhất cũng được cung cấp.
    Lực lượng quân Pháp ở Điện Biên Phủ có 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh (trong quá trình chiến dịch được tăng viện 4 tiểu đoàn và 2 đại đội lính nhảy dù), 2 tiểu đoàn pháo binh 105 ly (24 khẩu - sau đợt 1 được tăng thêm 4 khẩu nguyên vẹn và cho đến ngày cuối cùng được thả xuống rất nhiều bộ phận thay thế khác), 1 đại đội pháo 155 ly (4 khẩu), 2 đại đội súng cối 120 ly (20 khẩu), 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng 18 tấn (10 chiếc M24 Chaffee của Mỹ), 1 đại đội xe vận tải 200 chiếc, 1 phi đội máy bay gồm 14 chiếc (7 máy bay khu trục, 6 máy bay liên lạc trinh sát, 1 máy bay lên thẳng).
    Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ

    Xe tăng M24 Chaffee.

    Các tướng lĩnh chỉ huy Pháp tin rằng lợi thế công nghệ vượt trội và sự trợ giúp của Mỹ sẽ giúp họ đánh bại được QĐNDVN vốn có trang bị thô sơ. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ có nhiệm vụ thu hút chủ lực QĐNDVN. Tại đó Pháp sẽ dùng ưu thế hỏa lực vượt trội để tiêu diệt.
    Yểm trợ không quân
    Hỗ trợ cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là lực lượng không quân Pháp và không quân dân sự Mỹ. Tổng cộng Pháp huy động 100 máy bay C-47 Dakota, cộng thêm 16 máy bay C-119 của Mỹ. Máy bay ném bom gồm 48 chiếc B-26 Invader, 8 oanh tạc cơ Privater. Máy bay cường kích gồm 227 chiếc F6F Hellcat, F8F Bearcat và F4U Corsair.
    Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ

    Máy bay ném bom B-26 Invader.

     
    Điện Biên Phủ có hai sân bay. Sân bay chính ở Mường Thanh và sân bay dự bị ở Hồng Cúm, nối liền với Hà Nội, Hải Phòng bằng một cầu hàng không, trung bình mỗi ngày có gần 100 lần chuyến bay vận tải tiếp tế khoảng 200-300 tấn hàng và thả dù khoảng 100-150 tấn.
    Ngày 22/3/1954, Tổng thống Mỹ Eisenhower chỉ thị cho Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân phải giải quyết cấp tốc các yêu cầu của Navarre. Một cầu hàng không được Mỹ thiết lập từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines đến Bắc Bộ. Rồi từ các sân bay Cát Bi, Gia Lâm lên Điện Biên Phủ nhằm đáp ứng nhanh chóng những thứ quân Pháp cần, thậm chí cả những chiếc dù để thả hàng.
    Việc tiếp tế bằng đường hàng không của Mỹ cho Điện Biên Phủ đã tiêu thụ 82.296 chiếc dù. Mỹ còn viện trợ cho Pháp loại bom mới Henlipholit, trong chứa hàng ngàn mảnh câu sắc nhằm sát thương hàng loạt bộ binh đối phương.
    Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ
    Đích thân Phó tổng thống Mỹ Richard Nixon đã lên thị sát việc xây dựng cụm cứ điểm Điện Biên Phủ.
    Đặc biệt, trước khi trận đánh diễn ra, đích thân Phó tổng thống Mỹ Richard Nixon đã lên thị sát việc xây dựng cụm cứ điểm để "đảm bảo rằng đầu tư của Mỹ ở Đông Dương được sử dụng hiệu quả".
    Khi thiết lập tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, các tướng lĩnh Pháp và Mỹ đều tự tin cho rằng Điện Biên Phủ là "pháo đài bất khả chiến bại", là "cái bẫy để nghiền nát chủ lực Việt Minh". Nếu liều lĩnh tấn công, QĐNDVN sẽ chỉ chuốc lấy thảm bại.
    Nhưng thực ra, Navarre đã bị cuốn theo các hoạt động trong Chiến cục Đông-Xuân 1953-1954 của QĐNDVN mà ông ta không hề biết. Trận Điện Biên Phủ xảy ra không hề bất ngờ mà đã nằm trong dự tính của QĐNDVN về một thắng lợi quyết định để kết thúc chiến tranh.
    Bộ Tổng Tư lệnh QĐNDVN nhìn nhận trận Điện Biên Phủ là cơ hội đánh tiêu diệt lớn, tạo chiến thắng vang dội để từ đó chấm dứt chiến tranh. Đây là trận quyết chiến chiến lược của QĐNDVN. Trung ương Đảng đã hạ quyết tâm: "Tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để tạo nên một bước ngoặt mới trong chiến tranh, trước khi đế quốc Mỹ can thiệp sâu hơn vào Đông Dương”.
    Xem tiếp "Điện Biên Phủ: Cơ hội đánh tiêu diệt lớn"
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tap-doan-cu-diem-dien-bien-phu-bat-kha-chien-bai-a31589.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan