+Aa-
    Zalo

    Chiến thắng Điện Biên Phủ: “Chấn động địa cầu”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Trận Điện Biên Phủ là chiến thắng quân sự lớn nhất, lừng lẫy nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp 1945-1954 của nhân dân Việt Nam.

    (ĐSPL) - Trận Điện Biên Phủ là chiến thắng quân sự lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp 1945-1954 của nhân dân Việt Nam.
    Sau 2 tháng bị vây hãm tấn công Quân đội Nhân dân Việt Nam đã buộc quân Pháp tại Điện Biên Phủ phải đầu hàng vào ngày 7/5/1954.  Quân Pháp đã mất tinh thần chiến đấu và phải rút khỏi Đông Dương, sau thảm bại lịch sử này.
    Chiến thắng Điện Biên Phủ:  “Chấn động địa cầu”

    Cờ chiến thắng tung bay trên nóc hầm chỉ huy của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954.

    Trên phương diện quốc tế, trận Điện Biên Phủ có một ý nghĩa rất lớn: lần đầu tiên quân đội của một nước thuộc địa Châu Á đánh thắng quân đội của một cường quốc Châu Âu.
    Chiến thắng Điện Biên Phủ đã cổ vũ các nước thuộc địa ở Châu Phi đồng loạt nổi dậy. Chỉ riêng trong năm 1960, 17 nước châu Phi đã giành được độc lập và đến năm 1967, Pháp đã buộc phải trao trả độc lập cho tất cả các nước vốn là thuộc địa trước đây. Qua đó, chiến thắng Điện Biên Phủ góp phần chấm dứt thời kỳ hơn 400 năm của chủ nghĩa thực dân cổ điển trên thế giới.
    Sau đây là những bối cảnh dẫn đến cuộc đọ sức chiến lược Điện Biên Phủ:
    Pháp đuối sức, Mỹ chuẩn bị can thiệp vào Đông Dương
    Đến cuối năm 1953, Chiến tranh Đông Dương đã kéo dài 9 năm và  quân Pháp lâm vào thế bị động trên chiến trường. Trong khi đó, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thiết lập được quyền kiểm soát vững chắc tại nhiều khu vực rộng lớn ở Tây Nguyên, Khu 5, các tỉnh Cao-Bắc-Lạng... và nhiều khu vực ở Đồng bằng Bắc Bộ. Nước Pháp hầu như không còn đủ sức chịu đựng gánh nặng chiến tranh Đông Dương và đã phải cầu viện sự trợ giúp của Mỹ.
    Kết quả là đến năm 1954, 78\% chiến phí của Pháp ở Đông Dương là do Mỹ chi trả. Tới năm 1953, viện trợ Mỹ cả kinh tế và quân sự đã lên tới 2,7 tỷ USD - trong đó viện trợ quân sự là 1,7 tỷ USD. Năm 1954, Mỹ viện trợ thêm 1,3 tỷ USD nữa. Tổng cộng Mỹ đã cung cấp cho Pháp trên 40 vạn tấn vũ khí - gồm 360 máy bay, 347 tàu thuyền các loại, 1.400 xe tăng và xe bọc thép, 16.000 xe vận tải, 17,5 vạn súng cá nhân.
    Người Mỹ có thể đến bất cứ nơi nào kiểm tra tình hình không cần sự chấp thuận của Tổng chỉ huy lực lượng viễn chinh Pháp. Sự phụ thuộc quá nhiều của Pháp vào Mỹ khiến tướng Henri Navarre than phiền trong hồi ký: "Địa vị của chúng ta đã chuyển thành địa vị của một kẻ đánh thuê đơn thuần cho Mỹ”.
    Chiến thắng Điện Biên Phủ:  “Chấn động địa cầu”

    Tướng Pháp Henri Navarre: "Chúng ta đã chuyển thành địa vị của một kẻ đánh thuê đơn thuần cho Mỹ”.

    Các nhà lãnh đạo Việt Minh nhận định việc Mỹ trực tiếp can thiệp vào chiến tranh Đông Dương chỉ còn là vấn đề thời gian. Nếu tình hình Triều Tiên tạm ổn định, Mỹ sẽ dồn nỗ lực “chống cộng” vào Đông Dương.
    Chiến cục Đông-Xuân 1953-1954
    Pháp bổ nhiệm Tổng chỉ huy Henri Navarre sang Đông Dương tìm kiếm một chiến thắng quân sự quyết định để làm cơ sở cho một cuộc thương lượng hòa bình trên thế mạnh.
    Kế hoạch của Bộ chỉ huy Pháp tại Đông Dương (còn được gọi là Kế hoạch Navarre) gồm hai bước:
    Bước thứ nhất: Thu Đông 1953 và Xuân 1954 giữ thế phòng ngự ở miền bắc, tập trung một lực lượng cơ động lớn ở Đồng bằng Bắc Bộ để đối phó với cuộc tiến công của Việt Minh; thực hiện tiến công chiến lược ở miền nam nhằm chiếm đóng 3 tỉnh ở đồng bằng Liên khu 5; đồng thời đẩy mạnh việc mở rộng Quân đội Quốc gia Việt Nam (QGVN) và xây dựng một đội quân cơ động lớn đủ sức đánh bại các đại đoàn chủ lực của Việt Minh.
    Bước thứ hai: Từ Thu Đông năm 1954, sau khi đã hoàn thành những mục tiêu trên, sẽ dồn toàn lực ra Bắc, chuyển sang tiến công chiến lược trên chiến trường chính giành thắng lợi lớn về quân sự, buộc Việt Minh phải chấp nhận điều đình theo những điều kiện của Pháp. Nếu khước từ, quân cơ động chiến lược của Pháp sẽ tập trung mọi nỗ lực loại trừ chủ lực Việt Minh.
    Trước mùa khô 1953-1954, so sánh lực lượng về quân số, Pháp đã vượt lên khá xa. Tổng quân số của Pháp là 445.000 người - gồm 146.000 quân Âu Phi (33\%) và 299.000 quân Việt (67\%). Tổng quân số của QĐNDVN là 252.000 người. Như vậy, quân Pháp đông hơn 193.000 người. Chỉ riêng lực lượng phụ lực quân bản xứ do các sĩ quan Pháp chỉ huy cũng đã đông hơn 47.000 người.
    Chiến thắng Điện Biên Phủ:  “Chấn động địa cầu”

    Tổng chỉ huy Henri Navarre (giữa) tìm kiếm một chiến thắng quyết định trên chiến trường Đông Dương.

    Tuy có ưu thế vượt trội về binh lực, nhưng thế trận chiến tranh nhân dân của QĐNDVN đã làm cho quân Pháp phải phân tán trên khắp các chiến trường. Không những Pháp không thể tập trung toàn bộ ưu thế đó vào một trận đánh quyết định, mà cũng chưa đủ lực lượng để mở một cuộc tiến công lớn vào các đại đoàn chủ lực QĐNDVN ở miền bắc Việt Nam. Trong tổng số 267 tiểu đoàn quân Pháp, có tới 185 tiểu đoàn phải trực tiếp làm nhiệm vụ chiếm đóng và chỉ còn 82 tiểu đoàn làm nhiệm vụ cơ động chiến thuật và chiến lược. Già nửa lực lượng cơ động Pháp, 44 tiểu đoàn, phải tập trung trên miền Bắc để đối phó với chủ lực QĐNDVN.
    Vào thời điểm này, nếu tính chung trên chiến trường Bắc Bộ, lực lượng QĐNDVN mới bằng 2/3 lực lượng Pháp (76 tiểu đoàn/112 tiểu đoàn), nhưng tính riêng lực lượng cơ động chiến lược, thì QĐNDVN đã vượt hơn về số tiểu đoàn (56/44).Cuối tháng 8 năm 1953, Bộ Tổng Tham mưu QĐNDVN đã đề ra kế hoạch tác chiến với 4 nhiệm vụ:
    - Đẩy mạnh chiến tranh du kích ở địch hậu phá tan âm mưu bình định của địch, phá kế hoạch mở rộng quân ngụy.
    - Bộ đội chủ lực dùng phương thức hoạt động thích hợp tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch, có thể tác chiến lớn trên chiến trường đồng bằng để rèn luyện quân.
    - Có kế hoạch bố trí lực lượng tiêu diệt địch khi chúng đánh ra vùng tự do.
    - Tăng cường hoạt động lên hướng Tây Bắc (Lai Châu), Thượng Lào và các chiến trường khác để phân tán chủ lực địch.
    Theo đó QĐNDVN sẽ mở một loạt chiến dịch tại nhiều vùng để phân tán binh lực địch, không cho quân Pháp co cụm tạo thành một lực lượng cơ động đủ mạnh để xoay chuyển tình thế.
    Mời độc giả xem tiếp kỳ sau “Điện Biên phủ: Tập đoàn cứ điểm”
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chien-thang-dien-bien-phu-chan-dong-dia-cau-a31552.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan