(ĐSPL) - Trong lần về công tác tại TP. KonTum vừa qua, chúng tôi đã được tiếp xúc và trò chuyện với ông Vũ Hữu Như, 92 tuổi, cựu pháo thủ Điện Biên năm xưa, người chỉ huy nổ loạt pháo đầu tiên mở màn chiến dịch quyết chiến 56 ngày đêm lịch sử.
Những bước đi “chập chững” đầu tiên
Chiến thắng Điện Biên Phủ là sự kết tinh tuyệt vời của nghệ thuật quân sự Việt Nam, thể hiện bản lĩnh, ý chí, sức mạnh của toàn dân tộc. Làm nên chiến thắng có sự góp công cực kì quan trọng của lực lượng pháo binh, một binh chủng non trẻ của quân đội ta lúc bấy giờ.
Trước năm 1949, quân đội ta chỉ có Cục pháo binh, do đại tá Võ Hiển làm tư lệnh. Vũ khí chủ yếu chỉ lấy của địch để đánh địch. Khoảng giữa năm 1947, tôi là tiểu đội trưởng ở đại đội 77, trung đoàn 34, liên khu 3, do thiếu tướng Hoàng Sâm làm tư lệnh.
Bấy giờ quân Pháp vừa nhảy dù xuống Kim Sơn, Ninh Bình. Vừa mua chuộc vừa uy hiếp, chúng đã lôi kéo được một số giáo dân trong vùng đi theo và biến nhà thờ đá Phát - Diệm thành căn cứ. Đơn vị tôi được giao nhiệm vụ tiêu diệt địch bằng ba quả bom bay do giáo sư Trần Đại Nghĩa chế tạo.
Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng và huy hiệu chiến sỹ Điện Biên, hai kỷ vật mà ông Như hết sức trân quý. |
Đêm hôm sau, chúng tôi rút sang Nam Định tấn công trại lính khố đỏ gần ga. Lần này bắn ba phát, trúng hai, thiêu rụi doanh trại và một đoàn xe cam nhông đầy ắp lính địch. Chiến công này được bộ chỉ huy và nhân dân tuyên dương nhiệt liệt.
Năm 1949, tôi chuyển sang đại đoàn 351 pháo binh. Ngay ngày đầu thành lập toàn đơn vị đã nhận lệnh tập kết ở Cao Bằng để sang Trung Quốc huấn luyện. Chuyến đi cực kì gian khổ, phải chia nhóm lẻ, luồn rừng, lội suối để giữ bí mật vì hành lang biên giới Việt Trung lúc ấy chưa giải phóng hết, vẫn còn đồn bốt địch cùng với thổ phỉ.
Sang đến nơi, chúng tôi được đưa về Mông Tự, Vân Nam. Lúc ấy quân đội ta đã thành lập trường Lục Quân do thiếu tướng Lê Thiết Hùng làm hiệu trưởng. Chương trình có hạng mục pháo binh nên chúng tôi ghép thành phân ban theo học kỹ thuật nghiệp vụ tác chiến.
Sau khi sang Liên Xô học tiếp sáu tháng, đến giữa năm 1953, chúng tôi về nước cùng 24 khẩu pháo 105mm của bạn chi viện. Kèm theo mỗi khẩu là hai xe tải hạng nặng vừa kéo pháo, vừa chở 300 viên đạn cơ số.
Tập kết ở Phố Mới, Lào Cai sau đó, toàn bộ phương tiện khí tài được tháo dỡ chuyển bè xuôi sông vào ban đêm xuống đến Phố Lu, Lào Cai mới bàn giao đơn vị khác đưa tới Tuyên Quang chờ lệnh chiến đấu.
“Không chiến thắng không trở về với nông dân”
Cuối năm 1953 quân Pháp nhảy dù Sầm Nưa. Ta chuẩn bị đánh nhưng sau địch quyết định đổ quân ở Điện Biên Phủ. Lệnh hành quân đưa xuống. Ta áp dụng chiến thuật nghi binh, hàng tuần liền cho xe pháo nườm nượp đi về cung đường Bắc Mục, Tuyên Quang để đánh lạc hướng địch.
Kéo pháo vào trận địa (Hình tư liệu). |
Lúc này tôi là đại đội trưởng đại đội 4, tiểu đoàn 2, trung đoàn lựu pháo 45. Từ Sầm Nưa kéo quân lên đến cây số 42 Tuần Giáo là hết đường, phải đạp rừng mở lối vượt dốc đèo hiểm trở. 18 ngày gian khổ ghê gớm, đêm kéo pháo, ngày ngụy trang, bện dây rừng làm thừng mới đưa toàn bộ pháo vào ngã tư Điện Biên, Lai Châu.
Trận địa pháo bố trí cách đó khoảng 100m, anh em bộ binh đã đào sẵn hầm từ trước. Sau khi khảo sát, tôi lên gặp gặp đồng chí Nguyễn Hữu Mỹ, trung đoàn trưởng, đề xuất cho tháo dỡ toàn bộ nắp hầm để pháo dễ cơ động.
Giữa lúc trao đổi bỗng nhận được lệnh khẩn rút toàn bộ lực lượng ra cây số 42 Tuần Giáo chờ nhận nhiệm vụ mới. Chúng tôi rất hoang mang. Anh em chiến sỹ mất bao mồ hôi xương máu mới đưa pháo vào trận địa, vừa đến nơi lại có lệnh rút ra không hiểu tại sao.
Nhưng mệnh lệnh là mệnh lệnh. Bộ binh, dân công ùn ùn đạp rừng kéo ra, riêng cánh pháo binh chúng tôi ngao ngán nhìn dốc núi cao 45 độ sừng sững trứơc mặt.
Cuối cùng, nhờ sự phối hợp đầy hiệu quả của đại đoàn 312 do đại tá Đàm Quang Trung chỉ huy, toàn bộ pháo được kéo vượt dốc đến nơi an toàn. Sau đó ít hôm, một cuộc họp đặc biệt được tổ chức giữa rừng Tuần Giáo.
Gọi là đặc biệt vì có các đồng chí Trường Chinh (Tổng bí thư Trung ương Đảng), đồng chí Hoàng Quốc Việt (Ủy viên Bộ Chính trị), Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam), thiếu tướng Lê Thiết Hùng (Tư lệnh đại đoàn 351) xuống tham dự, động viên cán bộ chiến sỹ.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng thảo luận kế hoạch đánh địch (Hình tư liệu). |
Những lời động viên, phân tích của các đồng chí lãnh đạo đã tiếp cho chúng tôi nguồn sức mạnh mới. Giữa tháng Hai nhận lệnh điều quân, chỉ trong vòng một ngày đêm, chúng tôi đã kéo pháo vào chiếm lĩnh trận địa, 24 khẩu pháo của trung đoàn 45 được bố trí trải dài từ đông bắc Hồng Cúm đến tây bắc Bản Kéo tạo thành vòng cung hơn 30 cây số ôm lấy lòng chảo Điện Biên. Hầm pháo tựa lưng vào vách núi, trên đắp đất dày đến bốn, năm mét.
Vang vọng khúc tráng ca Điện Biên
1h chiều ngày 13/3, chúng tôi nhận lệnh chuẩn bị tiêu diệt cứ điểm Him Lam. Chúng tôi kiểm tra lại toàn bộ súng ống đạn dược trong tâm trạng bồi hồi xúc động. 1h15, đại đội chúng tôi được giao nhiệm vụ bắn loạt pháo đầu tiên lấy điểm cho toàn đơn vị.
Tôi chọn khẩu đội đầu đàn do đồng chí Nguyễn Văn Lân, quê Vĩnh Phúc làm khẩu đội trưởng để bắn phát đầu tiên. Đích thân thiếu tướng Hoàng Văn Thái tham mưu trưởng mặt trận cầm tổ hợp phát lệnh: "Bắn". Nòng pháo rung lên cùng tiếng nổ như sét.
Quả đạn đầu tiên rơi chệch mục tiêu hàng chục mét. Trên đài chỉ huy, tôi bảo Lân chỉnh lại ly, giác và bắn tiếp quả thứ hai. "Trúng rồi". Từ tiền tiêu, tiếng báo vụ reo oà trong ống nghe. Thế là bốn khẩu pháo đồng loạt gầm lên.
Hết loạt đạn đầu, chúng tôi ngưng để toàn đơn vị chỉnh pháo. 4h30, trận bão lửa cấp tập dội xuống Him Lam kéo dài gần 30 phút với cường độ bắn năm phát trên phút. 17h, bộ binh ta xông lên. Địch tê liệt sức kháng cự, co vào cố thủ.
Pháo binh Việt Nam anh hùng (Hình tư liệu). |
Đêm 15/3, quân ta tiếp tục tiến công cứ điểm đồi Độc Lập, mở đầu bằng một trận mưa pháo. Ngày hôm sau, cứ điểm Độc Lập thất thủ. Chỉ trong năm ngày địch bị mất hai cứ điểm quan trọng.
Trung tá Pirôt chỉ huy pháo binh Pháp ở Điện Biên Phủ đành phải tự sát sau hai trận đối pháo dữ dội với quân ta nhưng rốt cuộc phải chịu thất bại thảm hại. Những ngày sau, chúng tôi tiếp tục trút lửa xuống các phân khu trung tâm, sân bay, trận địa pháo, kho tàng của địch.
Trận nào có pháo binh yểm trợ hầu hết các mục tiêu đều bị tiêu diệt gọn, ít thương vong. Trường hợp không thể sử dụng pháo phối hợp như ở đồi A1-C2, quân ta phải chịu tổn thất, hy sinh vì phải đối đầu với xe tăng địch. Lúc ấy chúng tôi không sợ gian khổ hy sinh, chỉ sợ hết đạn vì thực tế đã có lúc phải dùng đạn xuyên thay cho đạn nổ.
Ngày 7/5/1954, quân ta đánh thẳng vào sở chỉ huy. Tướng Đờ Cát bị bắt sống cùng bộ tư lệnh vào lúc 17h. Khắp cánh đồng Mường Thanh, cờ trắng mọc lên như nấm. Tuy vậy vẫn còn vài căn cứ ngoan cố kháng cự. Chúng tôi được lệnh bắn uy hiếp và sau những loạt pháo cấp tập, bọn chúng mới chịu hạ vũ khí lúc 22h. Đó là những loạt pháo cuối cùng kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ.
Cờ Tổ quốc tung bay trên nóc hầm Đờ-Cát (Hình tư liệu). |
Từ một tiểu đội trưởng lên đến Chính uỷ trung đoàn với quân hàm Thượng tá, hiện ông đang an hưởng tuổi già cạnh con cháu tại phường Duy Tân, TP. Kon Tum. ông vinh dự được là khách mời dự lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Hà Nội.