(ĐSPL) - Trong khi đại diện người lao động yêu cầu tăng 16,8\%, thì phía đại diện doanh nghiệp chỉ đồng ý tăng ở mức 10\%.
Báo VOV thông tin, cuộc họp bàn về mức tăng lương tối thiểu vùng 2016 giữa 3 bên, gồm Hội đồng tiền lương Quốc gia, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam diễn ra hơn nửa tháng trước đây đã không thành công, do chưa tìm được “tiếng nói chung”.
Trong khi đại diện người lao động yêu cầu tăng 16,8\%, thì phía đại diện doanh nghiệp chỉ đồng ý tăng ở mức 10\%. Vậy, tăng lương tối thiểu vùng bao nhiêu là hợp lý để vừa có lợi cho người lao động, vừa đảm bảo sự phát triển của các doanh nghiệp?
Bất đồng giữa doanh nghiệp và người lao động về mức tăng lương tối thiểu. |
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch tập đoàn dệt may Hưng Yên, cho rằng, tăng lương cơ bản cho người lao động để sau này họ được hưởng bảo hiểm xã hội, hưởng lương hưu là cần thiết, nhưng mức tăng là bao nhiêu thì phải tùy thuộc vào sự phát triển và năng suất lao động của các doanh nghiệp hiện nay.
Trong những năm vừa qua, Nhà nước liên tục tăng lương cơ bản, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Nếu doanh nghiệp không phát triển, nguy cơ người lao động mất việc làm, đẩy tỉ lệ lao động trong khu vực có quan hệ lao động sang khu vực phi chính thức tăng.
Điều này có thể gây hệ lụy xấu, tăng số lao động không được hưởng các chính sách sẽ hỗ trợ an sinh. Lương tối thiểu có quan hệ mật thiết với tăng năng suất lao động và lợi nhuận của doanh nghiệp. Khi lương tối thiểu tăng, sẽ đồng thời với mức tăng khoản đóng bảo hiểm xã hội từ 1/1/2016, sẽ làm tăng chi phí doanh nghiệp, dẫn đến khả năng doanh nghiệp khó chịu đựng được.
Theo tính toán của ông Nguyễn Xuân Dương, Tập đoàn dệt may Hưng Yên có 13.000 lao động, số tiền nộp bảo hiểm xã hội năm 2014 là 80 tỷ đồng. Nếu năm nay tăng lương thêm khoảng 15\%, thì tập đoàn sẽ phải nộp thêm hơn 10 tỷ đồng nữa.
Đây là con số không nhỏ. Vì vậy, tăng lương tối thiểu như thế nào để vừa đảm bảo cho doanh nghiệp có thể tồn tại, phát triển bền vững, vừa tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động là vấn đề cần được cân nhắc kỹ.
Đánh giá về đề xuất của 2 bên, Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân, cho rằng, khoảng cách chênh lệch giữa 2 bên còn quá xa. Phía VCCI đồng ý tăng 10 \%, còn phía Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam vẫn giữ đề xuất mức tăng khoảng 16\% . Do không thống nhất được mức tăng nên Chủ tịch Hội đồng tiền lương đã dừng cuộc họp.
Trước đó, báo Vnmedia thông tin, Ngày 5/8 vừa qua, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã tổ chức phiên họp đầu tiên để trao đổi về phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2016.
Tại cuộc họp này, phía VCCI - Tổ chức đại diện Người sử dụng Lao động ban đầu đưa ra mức tăng khoảng từ 6 - 7\%. Tuy nhiên, trong quá trình thương thảo các thành viên của tổ chức đại diện Người sử dụng Lao động đã thảo luận và đưa ra mức điều chỉnh mức tăng lên 10\%.
Trước đề xuất này, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đã không đồng tình và cho rằng mức tăng ít nhất cũng phải 16\% với đảm bảo được đời sống của người lao động.
Sau cuộc họp kín cả ngày, Hội đồng tiền lương Quốc gia phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 vẫn chưa được chốt, do các bên vẫn chưa thống nhất được mức đề xuất.
Đưa ra những lập luận sau cuộc họp Hội đồng lương Quốc gia ngày 5/8 vừa qua, Tổ chức đại diện Người sử dụng Lao động -VCCI chia sẻ, mức kiến nghị tăng lương tối thiểu lên 10\% là phù hợp để doanh nghiệp có thể đảm bảo tồn tại, chiếm lĩnh thị trường và phát triển bền vững.
PV(Tổng hợp)
[mecloud]IgxM7QYoY5[/mecloud]