Nhận được thông tin Đại tá Đỗ Hoài Nam (88 tuổi) nguyên Trưởng Khoa nhi, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nhà ở Khu tập thể Thành Công, phường Thành Công, quận Ba Đình (Hà Nội) đã ủng hộ "Quỹ vì Trường Sa thân yêu" 50 triệu đồng bằng tiền lương hưu tích cóp, tiết kiệm bấy lâu, chúng tôi đến gia đình tìm hiểu và thật bất ngờ trước tình cảm mà ông dành cho bộ đội Trường Sa.
Tình yêu biển, đảo và ước nguyện bấy lâu
Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi bước vào căn nhà chỉ vỏn vẹn 20m2, ở số 302, nhà E4, Khu tập thể Thành Công, của Đại tá Đỗ Hoài Nam, đó là bức ảnh Bác Hồ với Bộ đội Hải quân được phóng to đặt trang trọng trên tường chính diện cửa ra vào. Trước sự ngạc nhiên của chúng tôi, Đại tá Đỗ Hoài Nam đã kể vắn tắt sự ra đời và lý do ông treo bức ảnh này.
Đại tá Đỗ Hoài Nam trao tặng "Quỹ vì Trường Sa thân yêu" số tiền 50 triệu đồng. |
Chuyện là, ông đã có gần 40 năm công tác trong quân đội, nhưng chưa một lần được ra Trường Sa, nay tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút, cơ hội ra đó sẽ rất khó, nên ông đã tìm và phóng to bức ảnh Bác Hồ với Bộ đội Hải quân, để nhắc nhở bản thân và con cháu phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc.
Trong kho tư liệu của ông có rất nhiều bức ảnh Bác Hồ với Bộ đội Hải quân, nhưng ông chọn bức ảnh Bác thăm Bộ đội Hải quân năm 1961 vì theo ông, trong chuyến thăm đó, Bác Hồ đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ bảo vệ vùng biển: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Lời căn dặn của Bác đã khái quát rất ngắn gọn và dễ hiểu về lịch sử truyền thống của Tổ quốc, về tiềm năng của biển, đảo nước ta và trách nhiệm không của riêng cán bộ, chiến sĩ hải quân, mà của mọi thế hệ người Việt Nam phải biết khai thác, quản lý và bảo vệ biển, đảo.
Câu chuyện đang sôi nổi, chợt giọng ông trầm xuống. Ông nói với chúng tôi mà nước mắt chảy dài trên gò má đã hằn những vết nhăn của thời gian. Đại ý là, ông muốn giúp bộ đội Trường Sa lâu rồi, nhưng từ khi nhập ngũ năm 1951, trong đội hình Đại đoàn 308 (nay là Sư đoàn 308) tham gia chiến đấu ở nhiều chiến trường, rồi đi học tại Trường Đại học Y Hà Nội, kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào bố mẹ.
Đến khi trở thành bác sĩ quân đội cho tới lúc nghỉ hưu năm 1990, ông là trụ cột của gia đình, nên phải dành dụm tiền lo cho các em, các con, cháu, bởi vậy không có tiền tích lũy. Đến năm 2002 khi con, cháu của ông đã phương trưởng, có việc làm, thu nhập ổn định, ông đã lập kế hoạch chi tiêu hằng tháng rất cụ thể để tiết kiệm tiền gửi tặng bộ đội Trường Sa. Có tháng ông để dành được gần 1 triệu đồng, có tháng được 2 đến 3 triệu đồng, số tiền đó ông gửi ngân hàng.
Đến cuối năm 2013, ông có 2 sổ tiết kiệm (một sổ 200 triệu đồng và một sổ 50 triệu đồng), ông quyết định rút 200 triệu đồng gửi tặng bộ đội Trường Sa, nhưng không may trên đường từ ngân hàng về nhà, ông đã bị một đối tượng lái xe ôm lừa lấy mất túi tiền. Ông dằn vặt và tự trách mình không cẩn thận, nên đã kích thích lòng tham của con người đó. Sau mấy ngày tiếc của, khi tinh thần ổn định, ông quyết định rút trước kỳ hạn sổ tiết kiệm thứ hai gửi tặng "Quỹ vì Trường Sa thân yêu" 50 triệu đồng.
Tiếp nhận số tiền đó, Đại tá Hoàng Ngọc Dương, Trưởng phòng Dân vận, Cục Chính trị, Bộ tư lệnh Hải quân cảm ơn tấm lòng của ông và hứa sẽ chuyển số tiền đó sớm nhất tới "Quỹ vì Trường Sa thân yêu" để sử dụng đúng mục đích.
Mãi góp sức vì bộ đội Trường Sa
Trong câu chuyện với chúng tôi, Đại tá Đỗ Hoài Nam chia sẻ: “Bộ đội Trường Sa sống giữa mênh mông biển nước, điều kiện ăn ở, sinh hoạt dù đã khá hơn so với trước nhiều, nhưng vẫn còn thiếu thốn về vật chất và tình cảm. Mặc dù vậy, cán bộ, chiến sĩ vẫn lạc quan, yêu đời, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ, dù phải trả giá bằng tính mạng của mình”.
Ông nêu ví dụ, như trường hợp Trung úy Phan Văn Hạnh, quê ở Nghệ An, công tác ở Lữ đoàn 146, hy sinh ngày 18/1/2014 khi anh cùng đồng đội làm nhiệm vụ tuần tra bảo vệ đảo Tốc Tan C (thuộc quần đảo Trường Sa). Chiếc xuồng đang chạy quanh đảo thực hiện nhiệm vụ thì bất ngờ sóng lớn ập đến, tạo dòng nước xoáy lật úp xuồng… Rồi chuyện ông đến xem Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử" do UBND thành phố Hà Nội tổ chức ngày 15/12/2013, ở đó ông đã thấy nhiều bức ảnh hoạt động rất ý nghĩa của quân, dân trên đảo, mà xúc động không cầm được nước mắt.
Đại tá Đỗ Hoài Nam kiểm tra kỳ hạn rút tiền sổ tiết kiệm mà ông gửi ngân hàng thời gian gần đây. |
Dẫn chứng điều này, ông mở tủ lấy cho chúng tôi xem những bài viết về Trường Sa được đăng trên Báo Quân đội nhân dân, Báo Hà Nội mới. Ông cho biết: “Tôi đặt báo thường xuyên, những bài viết về Trường Sa là tôi lưu lại cho con cháu đọc, để chúng biết những cố gắng phi thường của người lính biển, từ đó xác định trách nhiệm của mình với việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo rõ ràng hơn”.
Ông còn tiết lộ với chúng tôi, trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, ông được các con, cháu chúc Tết, mừng thọ, tổng cộng được 6 triệu đồng và tặng ông một sổ tiết kiệm 10 triệu đồng. Ông sẽ dành dụm, tích cóp khi nào đủ 50 triệu đồng, sẽ lại ủng hộ "Quỹ vì Trường Sa thân yêu" để góp phần nhỏ bé của mình giúp cán bộ, chiến sĩ mua sắm trang bị phục vụ cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo; giúp ngư dân vươn khơi, bám biển, bám ngư trường, đồng thời góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Khi chúng tôi chào tạm biệt, Đại tá, cựu chiến binh Đỗ Hoài Nam vẫn luôn đau đáu nghĩ về Trường Sa. Ông bắt chặt tay từng người, mắt ngấn lệ: “Đến khi nào về với thế giới người hiền, tôi mới dừng việc tiết kiệm tiền để gửi tặng bộ đội Trường Sa”. Và ông cũng mong muốn, sẽ có nhiều người như ông để góp phần giúp Trường Sa thêm mạnh giàu, thêm gần với đất liền hơn.
H.T(theo QĐND)