Đội bay 100 tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ-Nhật-Hàn sẽ tạo nên thế trận vòng cung bao vây Triều Tiên trong gọng kìm nghẹt thở.
"Một rừng máy bay" trên không
Máy bay tàng hình thế hệ mới nhất của Mỹ - F-35 được điều đến châu Á với số lượng ngày càng tăng, giữa bối cảnh căng thẳng Triều Tiên và Mỹ leo thang.
Theo một số chuyên gia phân tích, thứ vũ khí này sẽ là lý do khiến chính quyền Kim Jong-un phải lo lắng.
F-35 đang được triển khai số lượng lớn đến bán đảo Triều Tiên. |
“Chúng tôi đã trải qua hơn 100.000 giờ bay huấn luyện. Giờ đây binh sĩ đã sẵn sàng đi vào chiến đấu thực tế”, Heather Wilson, quan chức đứng đầu lực lượng không quân Mỹ nói trong một cuộc họp báo cuối tháng 8.
Theo Asia Times, đã có một phi đội hiện đang đồn trú tại Nhật Bản và có thêm hàng chục chiếc F-35 khác đang trên đường đến căn cứ Mỹ tại Nhật Bản và Hàn Quốc.
Phi đội đầu tiên gồm 16 chiến đấu cơ đã đến căn cứ không quân Iwakuni Marine của Nhật Bản hồi tháng 1.
Máy bay Mỹ đã tham gia vào cuộc tập trận quân sự “Đại bàng non” với Hàn Quốc trước đó với các bài tập mô phỏng ném bom đánh phá căn cứ tên lửa của Triều Tiên.
Theo bình luận viên Todd Crowell, chính quyền Kim Jong-un đang thực sự lo lắng bởi máy bay ném bom tầm xa B-1 của Mỹ đồn trú trên đảo Guam.
Đội bay này của Mỹ vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ dọc theo khu phi quân sự liên Triều trong vài tháng qua. Đặc biệt hoạt động được tăng cường trong tuần này, sau khi Bình Nhưỡng bắn tên lửa qua Nhật Bản và đe dọa tấn công đảo Guam.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể sẽ cảm thấy lo ngại nhiều hơn đến từ sự đe dọa của tiêm kích tàng hình F-35 từ các căn cứ ở Hàn Quốc và Nhật Bản, nếu một cuộc xung đột quân sự nổ ra trên bán đảo Triều Tiên.
Sức mạnh "Thần sấm", qua mắt mọi radar
F-35 là thế hệ tiêm kích tàng hình tiên tiến nhất của Mỹ. |
F-35 “Thần sấm” là máy bay chiến đấu tiên tiến nhất đang biên chế trong kho vũ khí Mỹ. Nó được phân thành ba phiên bản, F-35A cho không quân; F-35B cho thủy quân lục chiến và phiên bản hải quân F-35C.
Máy bay F-35 có thể đạt tốc độ lên tới Mach 1.6, tương đương gần gấp đôi so với tốc độ âm thanh. Chiến đấu cơ này được thiết kế để qua mặt được gần như mọi radar tân tiến hiện tại khiến cho nó trở nên vô hình trong không trung.
Với việc triển khai đến bán đảo Triều Tiên, F-35 là thế hệ máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 đầu tiên xuất hiện trong khu vực.
Theo Aviation Week, ba lực lượng không quân đối mặt với Triều Tiên sẽ vận động khoảng 100 máy bay chiến đấu vào năm 2020, tạo nên thế trận vòng cung từ căn cứ không quân Kunsan của Hàn Quốc đến căn cứ không quân Misawa của Nhật Bản ở miền bắc Honshu.
Về mặt lý thuyết, chiếc F-35 có thể dễ dàng loại bỏ hệ thống phòng không khá cũ kỹ của Triều Tiên khi một cuộc tấn công phủ đầu nổ ra.
Trong khi đó, chiến đấu cơ có năng lực nhất của Triều Tiên chỉ là một số ít Sukoi-15 và MiG-29, vốn đã hoạt động từ thời Chiến tranh Lạnh.
Cứu cánh cho Tokyo
Hàn Quốc đang hoàn tất hợp đồng mua 40 máy bay vào cuối năm tới. Nhật Bản đã mua 42 chiếc mà 4 trong số đó đang chuẩn bị lăn bánh ra khỏi dây chuyền lắp ráp Lockheed Martin ở Texas. 38 máy bay còn lại sẽ được lắp ráp bởi Mitsubishi Heavy Industries tại Nhật Bản.
Mua sắm F-35 sẽ cung cấp cho Nhật Bản một sức mạnh mà nước này xưa nay luôn luôn thiếu: đó là khả năng phản công các căn cứ của Triều Tiên một khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa vào Nhật Bản hoặc thậm chí để tấn công phủ đầu trước.
Một triển vọng như vậy càng khiến Tokyo mong chờ hơn sau khi Triều Tiên phóng một tên lửa tầm trung bay qua Hokkaido hồi đầu tuần này.
Các chiến hạm của Nhật Bản sẽ phải cải tạo để thích ứng với F-35. |
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho biết, Tokyo đã không cố gắng bắn hạ tên lửa Triều Tiên bởi một phần nó không gây ra nguy hiểm.
Tuy nhiên, ông Onodera cũng lập luận rằng Hiến pháp sẽ cho phép Nhật Bản tấn công bất kỳ căn cứ nào phóng tên lửa đe dọa Nhật Bản, dẫu vậy nước này thiếu đi phương tiện có khả năng làm được điều này.
Phiên bản hải quân của F-35 với khả năng cất cánh và hạ cánh thẳng đứng (VTOL) được cho là sự lựa chọn hợp lý dành cho Tokyo.
Phiên bản VTOL sẽ tăng cường khả năng tấn công linh hoạt từ tàu chiến và phục vụ cho các tàu tấn công USS Wasp được đặt tại căn cứ Sasebo ở Nhật Bản.
Trong khi đó, thế hệ tàu chiến mới nhất của Mỹ USS America đã được thiết kế để vận hành đầy đủ các tính năng của F-35B.
USS America vốn thường xuyên hoạt động tại San Diego, nhưng nó gần đây mới được triển khai đến vùng biển châu Á như một sự thay thế xứng đáng cho tàu USS John McCain đang gặp sự cố hỏng hóc.
Một câu hỏi được đặt ra là liệu “tàu khu trục máy bay trực thăng” của Nhật Bản như Izumo hay tàu Kaga có được chuyển đổi thành các dạng tàu sân bay cỡ nhỏ, có khả năng vận hành F-35 cho các chiến dịch tấn công hay không.
Theo các chuyên gia phân tích, điều này sẽ khiến Nhật Bản mất khá nhiều công sức lẫn chi phí, cải tạo nâng cấp đội tàu cũ của mình. Ví dụ, boong tàu bay sẽ phải được bọc bằng một lớp chống cháy, nếu không ma sát từ máy bay sẽ đốt cháy một lỗ trên boong cất cánh.
QUỐC VINH