+Aa-
    Zalo

    Sức khỏe tài chính MSB ra sao trước thông tin có thể sáp nhập thêm PG Bank?

    (ĐS&PL) - Lãnh đạo ngân hàng MSB xác nhận không loại trừ khả năng sáp nhập thêm ngân hàng khác và PG Bank là một trong số các ngân hàng đang được quan tâm.

    Theo Diễn đàn doanh nghiệp, lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (HoSE: MSB) cho biết, ngân hàng này đang chuẩn bị phương án sáp nhập thêm một ngân hàng để trình Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thông qua và Ngân hàng Nhà nước phê duyệt theo gợi ý của cơ quan này, có thể là PG Bank.

    “Chúng tôi đang cân nhắc, lựa chọn một ngân hàng phù hợp với định hướng phát triển để thực hiện việc sáp nhập, giúp MSB tăng quy mô nhanh hơn. PG Bank là một trong số các ngân hàng mà chúng tôi đang quan tâm”, Diễn đàn doanh nghiệp dẫn lời đại diện MSB.

    msb 20
    Sức khỏe tài chính MSB ra sao trước thông tin có thể sáp nhập thêm PG Bank?

    Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh chỉ cách đây vài hôm, Petrolimex Petrolimex thông báo sẽ thực hiện thoái vốn theo hình thức đấu giá công khai 120 triệu cổ phiếu (tương đương 40% cổ phần) PG Bank qua Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.

    Trên thị trường, hồi đầu năm 2021 cũng xuất hiện đồn đoán MSB và PG Bank sẽ “về chung nhà” khi nhiều nhân sự từng giữ các vị trí quan trọng tại MSB lần lượt gia nhập PG Bank. Tuy nhiên khi đó lãnh đạo MSB khẳng định không có chuyện ngân hàng này nhận sáp nhập PG Bank.

    Theo đó, tháng 4/2021, Ông Nilesh Banglorewala, cựu Giám đốc Tài chính kiêm Kế toán trưởng của MSB cũng được bổ nhiệm là Thành viên Hội đồng Quản trị của PG Bank. Ông Oliver Schwarzhaupt, cựu Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối Quản lý Rủi ro của MSB cũng được bổ nhiệm là Thành viên Hội đồng quản trị của PG Bank từ ngày 26/4/2022.

    Ông Đỗ Thành Công, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối Tái thẩm định và Phê duyệt, người vừa gia nhập PG Bank ngày 01/02/2023 cùng từng nắm giữ nhiều vai trò quan trọng của MSB như: Thành viên Hội đồng tín dụng và đầu tư; Thành viên Ủy ban Quản lý rủi ro; Thành viên Hội đồng xử lý rủi ro...

    Nhìn vào Báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2022 của MSB, có thể thấy kết quả kinh doanh có sự tăng trưởng tích cực, tuy nhiên nhà băng này đang gặp vấn đề về chất lượng tín dụng khi nợ có khả năng mất vốn chiếm tỷ trọng lớn.

    Thu nhập lãi thuần tăng mạnh

    Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán, kết thúc năm 2022, MSB ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế đạt 5.787 tỷ đồng, tăng 13,7% so với năm 2021 và đạt 85% kế hoạch năm.

    Kết quả này đến một phần từ việc MSB đã cắt giảm hơn 1.000 tỷ đồng, tương đương gần 70% chi phí dự phòng rủi ro. Dù báo lãi nhưng một số mảng kinh doanh của MSB ghi nhận thua lỗ, như lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 61% so với năm trước, lãi thuần từ hoạt động khác lỗ 423 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 662 tỷ đồng,

    Ngoài ra, chứng khoán kinh doanh ghi nhận lỗ 2 tỷ đồng, thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần giảm 99% mang về chỉ vỏn vẹn 880 triệu đồng, trong khi năm trước lãi 101 tỷ đồng.

    Ở chiều ngược lại, thu nhập lãi thuần của ngân hàng trong năm 2022 tăng gần 34%, đạt 8.321 tỷ đồng. Các mảng kinh doanh ngoại hối, chứng khoán đầu tư lần lượt tăng 161% và gấp đôi so với năm nước, đem về cho MSB tương ứng 1.000 tỷ đồng và 683 tỷ đồng.

    Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản MSB đạt 213.393 tỷ đồng, tăng 4,8% so với cuối năm 2021. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 18,8% đạt hơn 120.643 tỷ đồng. Số dư tiền gửi khách hàng tăng 23,8% đạt 117.120 tỷ đồng.

    Nợ nhóm 5, cho vay bất động sản gia tăng

    Báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2022 cũng thể hiện MSB đang có 2.067 tỷ đồng nợ xấu, tăng khoảng 300 tỷ đồng so với năm 2021. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) chiếm tỷ trọng lớn với 1.009 tỷ đồng. Nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) là 616 tỷ đồng, tăng 1,8 lần so với năm 2021 (345 tỷ đồng).

    msb
    Chất lượng nợ cho vay của MSB gia tăng nợ nhóm 5.

    Đến hết năm 2022, ngân hàng đang cho vay kinh doanh bất động sản với giá trị hơn 10.386 tỷ đồng (chiếm 8,6% tổng dư nợ).

    Hạng mục chứng khoán nợ của các tổ chức kinh tế trong nước ghi nhận 2.579 tỷ đồng. Theo thuyết minh, đây là các trái phiếu có kỳ hạn từ 1 đến 10 năm, được hưởng lãi suất từ 8,5%/năm đến 13,25%/năm.

    Theo dữ liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, từ tháng 5/2021 đến tháng 7/2022, ngân hàng MSB đã phát hành 9 lô trái phiếu có tổng giá trị 8.400 tỷ đồng. Nên biết, “cuộc chơi” của MSB tại thị trường trái phiếu còn được thể hiện qua những dấu ấn của nhà băng này trong việc sắp xếp dòng tiền cho nhóm TNG Holdings – nhóm doanh nghiệp đã huy động hàng chục nghìn tỷ đồng từ kênh trái phiếu trong những năm qua.

    Vân Anh(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/suc-khoe-tai-chinh-msb-ra-sao-truoc-thong-tin-co-the-sap-nhap-them-pg-bank-a570492.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan