Tên lửa Iskander - được NATO đặt tên là Spider-B còn Mỹ gọi là SS-26- là hệ tên lửa đất-đất chiến dịch-chiến thuật của Nga do Viện thiết kế chế tạo cơ khí Kolumna phát triển nhằm thay thế cho các hệ thống tên lửa như Scud, SS-20 và Zoka đã lạc hậu. Những khẩu đội Iskander đầu tiên được đưa vào sử dụng vào năm 2006.
Hệ thống tên lửa Iskander gồm: tên lửa, xe vận chuyển-nạp đạn, xe chỉ huy, xe xử lý tình báo, xe bảo dưỡng kĩ thuật, trang bị đồng bộ và khí tài huấn luyện mô hình. Mỗi xe vận chuyển mang 2 quả đạn, dự trữ 2 quả với khả năng bắn hết 2 đạn chỉ trong 1 phút vào 2 mục tiêu khác nhau, bán kính sai số 5-7m.
Tên lửa Iskander có 3 phiên bản: phiên bản Iskander-E cho xuất khẩu, phiên bản Iskander-M đang được quân đội Nga sử dụng và phiên bản Iskander-K đang thử nghiệm. Phiên bản Iskander-M dài 7,2m, đường kính thân đoạn lớn nhất 0,95m, trọng lượng bay 3,8 tấn, đầu đạn 380kg, có thể bay trên độ cao 50km, tầm bắn từ 50-500km.
Mỗi bệ phóng của tổ hợp tên lửa Iskander có thể mang theo 2 tên lửa hoặc nhiều loại đầu đạn quy ước và hạt nhân, từ loại phá boong ke, loại phân mảnh nổ trên không, cho đến loại đầu đạn phân mảnh công phá cao và đầu đạn xung điện từ.
Mỗi đầu đạn thông thường nặng từ 480 đến 700 kg. Iskander có thể mang bắn đầu đạn hạt nhân đương lượng lên đến 50 kiloton. Iskander cũng có một biến thể tên lửa hành trình có tên gọi là Iskander-K.
Trong một thông báo về kế hoạch chuyển giao hệ thống tên lửa Iskander của Nga cho Belarus hồi năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã xác nhận rằng các hệ thống Iskander mà Nga chuyển đến Belarus có khả năng bắn "cả tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình" bên cạnh đạn thông thường và đạn hạt nhân.
Theo các thông số được công bố, kể từ khi được bắn khỏi bệ phóng, quá trình bay của Iskander có thể đạt đến tốc độ Mach 7, tức là 2,6km/giây ở độ cao từ 6 đến 50km trên không.
Do Iskander sử dụng động cơ đẩy rocket nhiên liệu rắn, quỹ đạo bay thay đổi linh hoạt nên rất khó phán đoán. Giai đoạn đầu, tên lửa được điều khiển bằng véc-tơ luồng phụt, sau khi tăng tốc chuyển sang chế độ điều khiển khí lái cánh động.
Hệ thống tên lửa Iskander có thể sử dụng nhiều loại đầu chiến đấu khác nhau: đầu chiến đấu kiểu mẹ-con, đầu chiến đấu xuyên sâu và đầu chiến đấu nổ-phá sát thương, ngoài ra, còn có thể phối ghép với các loại đầu nổ khác.
Theo nhà quan sát quân sự Litovkin, khi nói về các tên lửa đạn đạo của hệ thống này, chúng có một số đặc điểm khác thường.
"Bên cạnh thực tế là tên lửa Iskander M là một tên lửa đạn đạo thì nó cũng có thể được gọi là bán đạn đạo. Tên lửa Iskander-M có thể bay dọc theo đường cong đạn đạo và sau đó thay đổi hướng bay sang phải, trái, trên, dưới với tốc độ siêu âm và tấn công mục tiêu được chỉ định", chuyên gia quân sự này cho hay.
"Ngoài ra, tên lửa có thể được cung cấp hình ảnh mục tiêu. Đó là hình ảnh mục tiêu được tải lên hệ thống kỹ thuật số trên hệ thống. Sau khi bức ảnh mục tiêu được tải lên, tên lửa sẽ bay chính xác tới mục tiêu đó. Mặc dù có thể có một số vật thể khác ở bên trái hay phải nhưng nó sẽ chỉ nhắm vào mục tiêu chỉ định".
Ông Litovkin nhấn mạnh, 18 lữ đoàn được trang bị hệ thống Iskander-M đã được triển khai dọc biên giới của Nga. Theo chuyên gia quân sự này, các hệ thống tên lửa Iskander đã đóng vai trò quan trọng kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine được tiến hành.
"Các tên lửa Iskander đã tấn công các mục tiêu quan trọng nhất của Ukraine: các nhà máy nhiệt điện, những nơi tập trung các phương tiện quân sự, binh lính, bao gồm cả lính đánh thuê từ các nước NATO và gần đây nhất, nó đã phá hủy một nhà máy sản xuất UAV hạng nặng của nước này", ông Litovkin cho biết.
Sau quyết định của Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF vào năm 2019, Nga có thể sẽ bỏ các hạn chế tự đặt ra về tầm bắn của Iskander và cũng phát triển các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình mới có thể đạt tới tầm bắn hàng trăm thậm chí hàng nghìn km.
Tên lửa Iskander-M tập kích nhằm vào hệ thống M270 Ukraine. Video: Bộ Quốc phòng Nga