+Aa-
    Zalo

    Sẽ bỏ quy định cấm giáo viên tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường?

    (ĐS&PL) - Bộ GD-ĐT vừa giới thiệu dự thảo thông tư về dạy thêm, học thêm, trong đó có việc bỏ quy định cấm giáo viên trường công lập tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường.

    Giáo viên trường công lập sẽ được tổ chức dạy thêm?

    Theo báo VietNamNet, hiện nay, Thông tư 17 về quản lý dạy thêm, học thêm có Điều 4 nêu rõ các trường hợp không được dạy thêm. Trong đó, quy định giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, đồng thời không được dạy thêm bên ngoài đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan.

    Song, dự thảo thông tư mà Bộ GD-ĐT vừa công bố và đang lấy ý kiến dư luận (nếu được thông qua sẽ thay thế cho Thông tư 17) không còn điều khoản nêu trên.

    Trong 5 nguyên tắc về dạy thêm, học thêm, dự thảo này chỉ giữ lại một trường hợp không dạy thêm ở quy định hiện hành, là: Không tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường đối với các trường đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

    Tuy nhiên, dự thảo cũng nêu rõ dạy thêm, học thêm chỉ được tổ chức khi học sinh có nhu cầu, tự nguyện và được cha mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm.

    Không cắt giảm nội dung chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường để đưa vào dạy thêm, học thêm; không dạy thêm trước các nội dung so với phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường; không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm, học thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh.

    Dự thảo thông tư mới về dạy thêm học thêm bãi bỏ quy định cấm giáo viên công lập dạy thêm ngoài nhà trường. Ảnh: Báo Thanh Niên

    Dự thảo thông tư mới về dạy thêm học thêm bãi bỏ quy định cấm giáo viên công lập dạy thêm ngoài nhà trường. Ảnh: Báo Thanh Niên

    Dạy thêm, học thêm trong nhà trường

    Theo dự thảo, với hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường, tổ chuyên môn sẽ tổ chức họp để thống nhất đề xuất với người đứng đầu nhà trường việc dạy thêm, học thêm đối với các môn học do tổ chuyên môn đảm nhận. Đối với các môn học có đề xuất việc dạy thêm, học thêm, phải trình bày rõ lý do, mục tiêu, nội dung, thời lượng đề và danh sách giáo viên đăng ký dạy thêm theo môn học ở mỗi khối lớp.

    Hiệu trưởng sẽ căn cứ đề xuất của các tổ chuyên môn tổ chức cuộc họp với thành phần gồm lãnh đạo nhà trường, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh để thống nhất việc tổ chức dạy thêm, học thêm môn học nào, ở khối lớp nào, bảo đảm thiết thực, công bằng, minh bạch, vì quyền lợi học sinh. 

    Tổng thời lượng dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục theo kế hoạch giáo dục của nhà trường và dạy thêm, học thêm không quá 35 tiết/tuần đối với cấp tiểu học, không quá 42 tiết/tuần đối với cấp THCS, không quá 48 tiết/tuần đối với cấp THPT.

    Nhà trường phải công khai việc tổ chức dạy thêm, học thêm về mục tiêu, nội dung, thời lượng, mức thu tiền học thêm và danh sách giáo viên dạy thêm theo môn học, ở mỗi khối lớp để học sinh có nguyện vọng tự nguyện đăng ký học thêm.

    Không được ép học sinh học thêm

    Dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm nêu rõ: Việc dạy thêm, học thêm chỉ được tổ chức khi học sinh có nhu cầu, tự nguyện học thêm và được cha mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh.

    Nội dung dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; không trái với quy định của pháp luật Việt Nam, không mang định kiến về sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, địa vị xã hội, thuần phong mỹ tục và truyền thống của Việt Nam.

    Thời lượng, thời gian và địa điểm dạy thêm, học thêm phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, bảo đảm sức khoẻ của học sinh, tuân thủ quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường tại khu vực có lớp dạy thêm, học thêm.

    Không cắt giảm nội dung chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường để đưa vào dạy thêm, học thêm. Không dạy thêm trước các nội dung so với phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường; không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm, học thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh, báo Pháp luật TP.HCM thông tin.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/se-bo-quy-inh-cam-giao-vien-to-chuc-day-them-ngoai-nha-truong-a459020.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan