Những ngày qua, câu chuyện hàng trăm phụ vây kín trường Tiểu học Tây Mỗ 3 (Nam Từ Liêm, Hà Nội) để tìm chỗ học cho con lại một lần nữa làm dấy lên hồi chuông về việc thiếu trường học trong các khu đô thị.
Cũng vào thời điểm sắp bước vào năm học mới cách đây 2 năm, cảnh hàng trăm phụ phụ huynh bốc thăm để con có suất vào Trường mầm non Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) trong năm học 2022-2023 cũng gây nên nhiều ý kiến tranh luận.
Là những nơi tập trung nhiều khu dân cư mới, trước sức ép của dân số đông, việc các địa bàn này trở thành "điểm nóng" thiếu trường công là điều không khó hiểu.
Theo đó, quận Nam Từ Liêm được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Mễ Trì, Mỹ Đình, Trung Văn, Tây Mỗ, Đại Mỗ; một phần diện tích và dân số xã Xuân Phương và một phần diện tích và dân số thị trấn Cầu Diễn.
Theo quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2050, quận Nam Từ Liêm là một trong những đô thị lõi, là trung tâm hành chính, dịch vụ, thương mại của Thủ đô Hà Nội. Chính việc nằm tại vị trí đắc địa của mình khiến cho nơi đây thu hút rất nhiều doanh nghiệp bất động sản tìm về và khai thác xây dựng các khu đô thị.
Sau 10 năm phát triển, chúng ta dễ dàng tìm thấy sự "góp mặt" của các đại đô thị, chung cư lớn trên địa bàn như: Vinhomes Smart City, Lumi Hà Nội, Masteri Smart City Tây Mỗ, Sun Square, Iris Garden, Xuân Phương Viglacera, FLC Premier Park Đại Mỗ…
Thế nhưng bên cạnh việc tập trung xây dựng các khu đô thị mới khang trang, hiện đại, làm nhộn nhịp cả một vùng đất nằm ở phía Tây trung tâm thành phố Hà Nội, thì dường như chủ đầu tư của các khu đô thị nơi đây cũng như các cơ quan quản lý lại bỏ quên trách nhiệm hoàn thiện công trình trường học, đảm bảo tỉ lệ đất và xây dựng công trình giáo dục phù hợp với quy chuẩn.
Hiện còn một số dự án khu đô thị, nhà ở tại quận Nam Từ Liêm như Khu đô thị mới Phùng Khoang, khu nhà ở Đài phát sóng phát thanh Mễ Trì, dự án chức năng đô thị Xuân Phương... vẫn còn các ô đất quy hoạch mà chủ đầu tư chưa xây trường học dẫn đến quá tải cho các trường công lập khu vực lân cận.
Hiện trên địa bàn quận ghi nhận dân số tính đến năm 2020 là 269.076 người với mật độ dân số đạt 8.364 người/km².
Chỉ tính riêng khối tiểu học, toàn địa bàn có 14 trường công lập và 12 trường ngoài công lập. Theo kế hoạch tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2024-2025 trên địa bàn quận Nam Từ Liêm khu vực này thiếu khoảng 966 chỗ học cho học sinh lớp 1. Nếu tính trung bình mỗi trường tiểu học có 7 lớp 1 với mỗi lớp 35 học sinh, như vậy quận này đang thiếu ít nhất là 4 trường tiểu học. Chưa kể đến các khối lớp khác cũng đang quá tải về số lượng học sinh mỗi lớp.
Theo thông tin từ UBND quận Nam Từ Liêm, tại phường Tây Mỗ có tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số trên địa bàn khoảng 70.000 dân.
Chủ đầu tư có lỗi, nhà quản lý cũng có tội
Trao đổi với Đời sống & Pháp luật về vấn đề trên, GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, tình trạng thiếu trường học trong các khu đô thị đã diễn ra nhiều năm nay, dù thường xuyên bị người dân phản ánh nhưng vẫn không được giải quyết triệt để.
Nhiều chủ đầu tư khi triển khai xây dựng các dự án nhà ở, khu đô thị chỉ chú trọng đến việc xây dựng căn hộ với mục đích kinh doanh, sinh lời mà có sự vô tình hoặc cố ý quên việc mình phải có trách nhiệm xây dựng công trình công cộng.
Để xảy ra tình trạng trên, ông Võ phân tích trách nhiệm thuộc về các nhà quản lý khi không giám sát chặt chẽ việc chủ đầu tư có thực hiện đúng theo quy hoạch hay không, đã xây dựng đủ theo hạ tầng cam kết ban đầu hay chưa.
"Người quản lý trách nhiệm cao hơn người thực hiện, người quản lý mà mạch lạc, làm theo đúng quy tắc, quy chuẩn kỹ thuật thì nhà đầu tư không thể trốn tránh trách nhiệm. Nếu nhà đầu tư trốn tránh được, có nghĩa là nhà quản lý phải cho phép hoặc ít nhất là "bật đèn xanh" cho họ làm thiếu, làm sai", ông Võ nói.
Vị chuyên gia cho biết, thậm chí còn xảy ra tình trạng cơ quan quản lý chấp thuận điều chỉnh quy hoạch theo mong muốn của chủ đầu tư dự án, neo theo những yêu cầu, nguyện vọng của chủ đầu tư.
Từ đó dẫn đến việc quy hoạch ban đầu bị đi lệch so với định hướng cũ, các hạng mục bị cắt xén, thay đổi chỉ để phục vụ cho nhu cầu sinh lời của chủ đầu tư.
Đánh giá về thực trạng gây nhức nhối này, KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam chia sẻ ban đầu trong quy hoạch Thành phố Hà Nội đã có sự tính toán đầy đủ đến số lượng học sinh, số trường học và những quy chuẩn để thực hiện các chỉ tiêu đó.
Yêu cầu có đầy đủ, hợp lý về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội như trường học, cơ sở y tế, chợ dân sinh… là một trong những tiêu chí để phê duyệt quy hoạch.
Tuy nhiên, do số lượng dân số tăng nhanh và mạnh vượt quá giới hạn quy hoạch, đồng thời với đặc điểm là Thủ đô, mỗi năm Hà Nội đón nhân số dân tăng tự do, tạm trú diện toàn gia đình lớn khiến việc quản lý trở nên khó khăn.
Chính từ việc không thể kiểm soát và dự báo được tốc độ gia tăng dân số đột biến đó khiến các cơ quan xây dựng, soạn thảo quy hoạch vào tình thế bị động, số lượng trường học và cả những công trình công cộng phục vụ dân sinh vì thế cũng rơi vào cảnh thiếu hụt.
Bên cạnh đó, một lý do khiến tình trạng nhiều khu đô thị rơi vào hoàn cảnh thiếu trường học mà ông Nghiêm đưa ra là việc xây dựng phát triển dự án chưa được giám sát chặt chẽ, nhiều dự án được căn chỉnh cơi nới xây thêm tầng, tương ứng theo đó là tăng lượng dân cư đến sinh sống.
Trong khi đó quỹ đất xây trường ban đầu có hạn, không thể đáp ứng được hết cho số người dân phát sinh thêm kể trên.
Đó là trong trường hợp chủ đầu tư có thực hiện việc xây trường học theo đúng quy định, hiện nay còn tồn tại việc chủ đầu tư không thực hiện xây dựng đúng theo cam kết do không bị đốc thúc, cũng chưa có chế tài xử lý đủ tính răn đe.
Thiếu trường là kết quả của việc không có tầm nhìn dài hạn
Trao đổi với Đời sống & Pháp luật, GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch thường trực Hội Khuyến học Việt Nam đánh giá việc thiếu trường học tại địa bàn quá đông dân cư như Hà Nội là điều rất dễ xảy ra, khi các cơ quan quản lý thiếu tầm nhìn dài hạn.
"Quản lý Nhà nước nói chung và quan hệ giữa các cơ quan Nhà nước nói riêng còn yếu, điều này khiến cho các bộ ngành chỉ gặp việc nào làm việc đấy, không tính đến việc khác.
Ngành giáo dục chỉ nghĩ đến làm giáo dục, doanh nghiệp thì chỉ biết xây chung cư, không có sự ăn nhập, mạnh ai nấy làm. Thiếu sự tính toán lâu dài về nhu cầu của xã hội", ông Phạm Tất Dong bày tỏ.
Theo chuyên gia, nếu không có sự tham gia của ngành giáo dục và lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp rất khó để biết được bao nhiêu dân thì phải xây trường học. Họ chỉ biết xây rồi mới "ngã ngửa" là thiếu trường, thiếu lớp.
Cùng với đó, việc dân cư đổ về Hà Nội làm việc và sinh sống gia tăng quá nhanh, việc xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hoá cũng khó lòng theo kịp.
Chưa kể đến nhu cầu thì lớn nhưng ngân sách lại hạn hẹp. Nếu tình trạng này kéo dài, GS.TS Phạm Tất Dong cho rằng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thế hệ trẻ bởi các em có quyền được học tập và thụ hưởng một môi trường phát triển tốt nhất.
Cần có chế tài xử lý triệt để, dứt khoát
Nhìn vào bức tranh tổng thể, hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận việc thiếu trường học diễn ra trên nhiều quận, huyện chứ không phải câu chuyện riêng của quận Nam Từ Liêm.
Trước tình cảnh trên, GS.TS Phạm Tất Dong cho rằng ngành giáo dục cần có sự phối hợp với lãnh đạo thành phố trong việc phát triển hạ tầng, dự báo được tốc độ gia tăng dân số trong các khu đô thị… để có kế hoạch xây dựng mạng lưới trường học cho phù hợp.
Kiến nghị phương án để giải quyết dứt điểm tình trạng trên, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng cần quản lý sát sao tốc độ gia tăng dân số. Khi dân số tăng cần ngay lập tức tăng số lượng các công trình hạ tầng xã hội chứ không chỉ chú tâm vào việc đảm bảo chỗ ở mà bỏ quên các công trình như trường học, bệnh viện…
Giải pháp lâu dài là cần rà soát lại thật kỹ, giám sát mạnh mẽ, kiên quyết thực hiện theo quy hoạch, tăng cường xử lý vi phạm các cá nhân, tổ chức có hành vi phá vỡ quy hoạch của thành phố đề ra.
Bên cạnh đó, KTS Đào Ngọc Nghiêm cũng kiến nghị nên áp dụng quy chế mới với chủ đầu tư. Chỉ khi đảm bảo số lượng các công trình công cộng thì mới cho phép bàn giao sản phẩm, cho cư dân vào ở… sẽ bắt buộc chủ đầu tư phải hoàn thiện trách nhiệm xây dựng trường học của mình.
Bổ sung thêm, ông Đặng Hùng Võ cho rằng cần rà soát lại các khu đô thị, những nơi nào thiếu hoặc chưa xây trường học thì chủ đầu tư cần phải xây dựng bổ sung.
Trong trường hợp chủ đầu tư không nghiêm túc thực hiện cần có chế tài xử lý dứt khoát, không khoan nhượng.
Ngoài ra, ông Võ nhấn mạnh cả chủ đầu tư cùng cơ quan quản lý nên nhận biết rõ, trường học không nên được coi là sản phẩm kinh doanh mà là sản phẩm phục vụ cho vấn đề an sinh xã hội.
Từ đó có sự quan tâm đặc biệt đến việc đảm bảo đủ trường học phục vụ nhu cầu của người dân, không đặt nặng vấn đề sinh lời trong việc triển khai xây trường học trong các khu đô thị.
Theo quy định, tối thiểu mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 1 trường THCS và 3-5 vạn dân có 1 trường THPT. Tuy nhiên, tình trạng một số phường thuộc các quận nội thành tại các Thành phố lớn thiếu trường học vẫn đang diễn ra.
Theo thống kê, Hà Nội có khoảng 174 dự án khu đô thị, khu nhà ở có quy mô từ 2 ha trở lên; trong đó, 119 dự án có quy hoạch 339 trường học, nhưng đến nay, mới hoàn thành hoặc đang triển khai xây dựng 117 trường học, chưa triển khai xây dựng 269 trường.