Theo thông tin từ báo Vietnamnet, thời gian gần đây, tình trạng sụt lún, sạt trượt nghiêm trọng, nứt gãy trên mặt đất liên tục xảy ra ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên gây thiệt hại về người và tài sản.
Tại Lâm Đồng, theo báo cáo, ngày 30/7, sau trận mưa kéo dài, nhiều vị trí trên đèo Bảo Lộc bị sạt lở, 3 CSGT thuộc trạm CSGT Madagui cùng 1 người dân di chuyển tài sản, đồ đạc đã bị đất đá vùi lấp. Đến 12h ngày 31/7, thi thể 3 CSGT và 1 người dân được tìm thấy.
Sau đó khu vực dự án hồ chứa nước Đông Thanh, xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà xuất hiện vết nứt lớn, mở rộng và xảy ra tình trạng sạt trượt, sụt lún.
Hậu quả của vụ sạt lở này đã làm 4 nhà dân hư hỏng nghiêm trọng, buộc phải di dời đến nơi ở an toàn.
Tại Đắk Nông, vào khoảng 23h ngày 31/7 và 1h ngày 1/8, người dân tại bon BuKrắk, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức nghe thấy tiếng nổ lớn. Sau đó, người dân phát hiện một vết nứt dài khoảng 200m trong khu vực dân cư. UBND huyện Tuy Đức buộc phải di dời hàng chục hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Sáng 2/8, trên quốc lộ 14 đoạn qua trung tâm TP. Gia Nghĩa xuất hiện nhiều vết nứt dài. Vị trí nứt rộng khoảng 20-40cm, dài hơn 10m. Nhà cửa nhiều hộ dân sống gần đó cũng bị ảnh hưởng.
Ngày 2/8, tại huyện Đắk Song ghi nhận vết nứt mặt đất ở thôn 8, xã Trường Xuân với chiều dài chứng 300m, độ sâu từ 20cm đến 2m. Tại thôn 11, xã Nam Bình, người dân phát hiện vết nứt kéo dài khoảng 300m, độ sâu từ 20cm đến 2m trong khu vực rẫy của các hộ dân.
Tại Đắk Lắk, ngày 2/8, tuyến đường tránh trung tâm thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H’leo bị nứt toác một đoạn dài khoảng 25m.
Liên quan đến sự việc, theo báo VnExpress, PGS.TS Trần Tân Văn, Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản, lý giải hiện tượng nứt đất, sụt lún do mưa lớn dài ngày khiến đất trở nên nặng, sức bền giảm, dẫn tới nguy cơ sạt lở.
"Vết nứt là một trong những dấu hiệu đầu tiên của một vụ sạt lở. Vết nứt xuất hiện sẽ gây ra tiếng động, mà mọi người cho rằng đó là tiếng nổ", ông Văn nói.
Theo ông Văn, vết nứt thường bắt đầu từ trên đỉnh của khối trượt. Theo diễn biến này, nếu vết nứt rộng thêm, khả năng trượt sẽ càng cao. Trong vài ngày, nếu vết nứt phát triển từ 200 m đến hàng km, có nghĩa khối trượt đang dịch chuyển và nguy cơ sạt lở lớn có thể xảy ra. Hiện tượng trượt lở này có thể dự báo được và cơ quan chức năng về lâu dài cần xây dựng bản đồ dự báo cảnh báo sớm.
Trong khi đó, TS Vũ Ngọc Long, nguyên viện trưởng Viện sinh thái học miền Nam cho rằng tình trạng sạt lở, sụt lún xảy ra vừa qua ở Tây Nguyên đều liên quan đến việc sử dụng đất, canh tác, khai thác nước ngầm, dùng chất hóa học để làm sạch bề mặt... khiến hệ sinh thái tự nhiên mất đi thảm thực vật.
Về giải pháp, TS Vũ Ngọc Long cho rằng cơ quan chức năng cần phải đánh giá việc sử dụng đất và phải đặt vai trò của rừng trong việc chống biến đổi khí hậu lên hàng đầu. Kể cả rừng nghèo kiệt cũng không được cải tạo, trồng cao su hay sầu riêng vì nó còn thảm thực vật bên dưới sẽ đóng vai trò chống xói mòn, sạt lở, sụt lún.
Mỹ Hạnh(T/h)