Khu xưởng chính của cơ sở hạt nhân Natanz được xây ngầm dưới 7,6 m bê tông để tránh tổn hại trong các trận không kích.
Vệ tinh chụp nơi được cho là cơ sở hạt nhân dưới lòng đất. Ảnh: Planet Labs |
Sputnik dẫn lời chuyên gia Jeffrey Lewis thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury nhận định, chính quyền Iran đang có một số hoạt động dưới lòng đất gần tổ hợp hạt nhân Natanz.
“Những bức ảnh được vệ tinh của Planet Labs chụp cho thấy có các lối đi vào công trình nằm dưới lòng đất gần tổ hợp Natanz tại Iran”, ông Lewis nói.
Ông Lewis chỉ ra rằng, có hai điểm nằm ở sườn ngọn núi trông giống như lối đi kết nối với những đường hầm thông tới cơ sở hạt nhân cũ. Và tổ hợp hạt nhân mới nằm ở dưới lòng đất có quy mô lớn ngang với cơ sở cũ.
Trước đó, ngày 27/10, ông Rafael Grossi, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Hạt nhân Quốc tế (IAEA) của Liên Hợp Quốc, đã nói các thanh sát viên của cơ quan này đã biết về hoạt động xây dựng tại cơ sở hạt nhân Natanz.
"Iran đã thông báo cho các thanh sát viên IAEA về hoạt động xây dựng này. Họ bắt đầu công trình nhưng nó chưa hoàn thành. Đó là một quá trình dài", ông Grossi nói.
Khu xưởng chính của cơ sở hạt nhân Natanz được xây ngầm dưới 7,6m bê tông để tránh tổn hại trong các trận không kích. Iran bố trí nhiều trận địa phòng không xung quanh cơ sở này.
Dù là một trong những nơi được bảo vệ nghiêm ngặt nhất ở Iran, cơ sở hạt nhân Natanz vẫn xảy ra cháy nổ hồi tháng 7, khiến xưởng lắp ráp máy ly tâm tiên tiến tại đây bị phá hủy. Giới chức Iran gọi đây là "hành vi phá hoại" và cáo buộc Israel đứng sau hành động này.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cũng từng nêu trong một báo cáo bí mật mà Reuters được tiếp cận rằng Iran đang có kế hoạch lắp đặt ba cụm máy ly tâm IR-2m rất tiên tiến trong cơ sở Natanz, được xây dựng kiên cố dưới lòng đất.
Hồi tháng 9, ông Ali Akbar Salehi, người đứng đầu cơ quan phát triển hạt nhân của Iran, phát biểu trên đài truyền hình nhà nước rằng, cơ sở hạt nhân trong lòng đất bị phá hủy sẽ được thay thế bằng một cơ sở khác ở khu vực đồi núi xung quanh Natanz”.
Natanz là cơ sở chế biến, làm giàu uranium chính của Iran, cách thủ đô Tehran khoảng 320km về phía nam. Cơ sở này được đưa vào diện giám sát của IAEA sau thỏa thuận giữa Iran và nhóm P5+1.
Theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015, Iran không được phép làm giàu uranium ở tỷ lệ cao hơn 3,67% và chỉ được sử dụng máy ly tâm IR-1 thế hệ cũ tại Natanz. Bên cạnh đó, Tehran bị giới hạn chỉ được sở hữu 300kg uranium làm giàu trước năm 2031.
Sau khi Mỹ rời khỏi thỏa thuận vào năm 2018 và áp đặt các biện pháp trừng phạt, Iran hối thúc châu Âu giúp nước này giảm thiểu thiệt hại từ các lệnh cấm vận, song châu Âu không có bước đi tương xứng kì vọng của Iran.
Tehran sau đó đáp trả bằng cách tăng cấp độ uranium làm giàu và sản lượng uranium dự trữ, khiến quốc tế lo ngại.
Mộc Miên