Thông tin Iran có thể đã mua tới 32 chiến đấu cơ Su-35 của Nga đã được trang Avia dẫn lại. Theo đó, có 32 phi công cùng một số chuyên gia được Tehran gửi sang Nga đào tạo, việc tiếp nhận có thể diễn ra vào tháng 1 hoặc tháng 2 năm nay.
Nếu đây là thông tin thực thì ưu thế của không quân Israel trong cuộc xung đột với Iran sẽ không còn do có sự xuất hiện của "chiến thần" Su-35.
“Tehran dự kiến mua máy bay chiến đấu Su-35 của Nga. Sự nghiêm túc trong ý định của Iran được chứng minh bằng việc Không quân Iran đã chọn ba chục phi công để học lái Su-35S. Các chuyên gia cho biết, nếu Moscow và Tehran đi đến một thỏa thuận vào tháng 01/2022, công việc chuyển giao sẽ được tiến hành ngay lập tức. Ngoài ra Nga cũng sẽ hiện đại hóa chiến đấu cơ MiG-29 và Su-24 cho Iran", kênh TRT TV đưa tin.
Hồi tháng 10/2021, Nga được cho đã triển khai bốn chiếc Su-35 tới Syria với mục đích hỗ trợ chính phủ Tổng thống Syria Bashar al Assad nhằm giành lại thêm lãnh thổ từ lực lượng nổi dậy.
Đầu tháng 1, Ai Cập đã quyết định dừng hợp đồng mua 30 tiêm kích Su-35 cho tới khi Nga giải quyết được vấn đề liên quan đến linh kiện nhập khẩu, dù khoảng một chục chiếc đã xuất xưởng. Algeria cũng từ bỏ thương vụ Su-35, tập trung ngân sách vào hiện đại hóa các tiêm kích Su-30SM cũ hơn do Nga cung cấp.
Nguồn tin quân sự cho biết, các quyết định hủy đơn hàng được đưa ra dù Nga trước đó đề nghị các đối tác tiềm năng gia hạn thêm thời gian để giải quyết các vấn đề liên quan đến kỹ thuật và chính trị đối với biến thể xuất khẩu của Su-35.
Rosoboronexport, hãng xuất khẩu vũ khí chính của Nga, từ chối bình luận về thông tin
Indonesia hồi tháng 12/2021 thông báo bỏ thương vụ tiêm kích Su-35S trị giá hơn 1,1 tỷ USD để chuyển sang mua tiêm kích F-15EX của Mỹ hoặc Rafale của Pháp. "Chúng tôi từ bỏ tiêm kích Su-35 với trái tim nặng trĩu. Chúng tôi không thể tiếp tục bàn về tiêm kích này", Fadjar Prasetyo, tư lệnh không quân Indonesia, cho biết.
Indonesia không công bố nguyên nhân đưa ra quyết định từ bỏ tiêm kích Nga. Tuy nhiên, giới chức Mỹ từng nhiều lần cảnh báo Indonesia sẽ phải đối mặt với nhiều biện pháp trừng phạt nếu mua vũ khí Nga.
Tiêm kích Su-35 được coi là thế hệ tiêm kích 4++, nó có một số tính năng của tiêm kích thế hệ thứ 5. Việc đưa tiêm kích Su-35 vào biên chế chính thức đã nâng cao đáng kể sức chiến đấu của không quân Nga trước khi tiêm kích thế hệ thứ 5 Su- 57 vào sản xuất hàng loạt.
Tuy thua kém về khả năng tàng hình cũng như hệ thống điện tử, song Su-35 lại có sự siêu cơ động. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không chiến trong tầm gần rất có thể F-22 Raptor của Mỹ sẽ thất thế bởi Su-35. Hiện, Nga tiếp tục nâng cấp dòng tiêm kích này và định danh là Su-35S.
Mộc Miên (T/h)