Là những thước phim sinh động và thực sự thuyết phục bởi phần hình ảnh, dù gắn mác “TVC quảng cáo” nhưng thực tế, nhiều tác phẩm quảng cáo hoàn toàn có thể đứng riêng như một thước phim văn hóa hoàn chỉnh.
“Vươn cao lên Việt Nam rạng rỡ nụ cười
Cho tương lai Việt Nam ngày mai tươi sáng
Ươm thêm bao mầm xanh từ dòng sữa ngọt lành
Để tuổi thơ lớn lên trong vòng tay Mẹ…” (trích Vươn cao Việt Nam)
Chỉ vài ngày sau khi ra mắt, tính đến chiều 9-8, clip Vươn cao Việt Nam lập tức gây sốt với hơn 12 triệu lượt xem (tính trên tất cả các kênh) bởi những thước phim lộng lẫy, phong phú, trải dài từ cột cờ Lũng Cú – Hà Giang đến cố đô Hoa Lư – Ninh Bình, Huế, TP HCM…
Hành trình xuyên Việt của Clip Vươn cao Việt Nam
Khán giả Nguyễn Lam Ngọc để lại bình luận trên trang Youtube của Vươn cao Việt Nam: “Tôi khóc khi xem clip này. Một sáng tác tuyệt vời và ý nghĩa”. Và nhận xét của chị Ngọc không phải là cá biệt trong vô số lời khen tặng dành cho video có độ dài chỉ vỏn vẹn 3 phút này.
Một Việt Nam thật bình dị và đầy ước vọng đã hiện lên rõ nét trong từng khuôn hình được chăm chút kĩ lưỡng: những con thuyền chở các em nhỏ tẽ sóng lướt êm trên cánh đồng lúa chín tại Tam Cốc – Bích Động (Ninh Bình), sự tự hào và rạng ngời không thể che giấu khi các em cùng đứng trên đỉnh cột cờ Lũng Cú, máy quay fly-cam bay từ khoảng cách 2-3km, tiến gần đến các em rồi vút lên cao để thấy toàn cảnh cột cờ và thiên nhiên núi rừng hung vĩ xung quanh. Sự xúc động của người xem đã đến thật tự nhiên khi nhìn vào những hình ảnh đó: một thế hệ trẻ mang trong mình sự hi vọng và lòng tự hào dân tộc.
Viết chú thích ảnh ở đây. |
Không chỉ ấn tượng bởi hình ảnh và khung cảnh thiên nhiên đẹp đến “nín thở”, ca khúc chủ đề với tên gọi Vươn cao Việt Nam – một sáng tác của Lưu Hà An, do nhạc sĩ Quốc Trung giữ vai trò là nhà sản xuất còn thực sự thuyết phục bởi người nghe.
Với giai điệu vừa trong sáng, vừa hồn hậu, được thể hiện bằng tất cả niềm tự hào và ước vọng dựng xây đất nước của một thế hệ thanh thiếu niên trẻ - những chủ nhân tương lai, clip này đã làm lay động trái tim người xem. Chia sẻ về mạch cảm xúc khi là nhà sản xuất của Vươn cao Việt Nam, nhạc sĩ Quốc Trung tâm sự: “Với dự án này, chúng tôi đã làm việc với rất nhiều cảm hứng. Có một chút gì đó là tình thần dân tộc, là tương lại đất nước, là sức khoẻ cộng đồng. Tìm được ý tưởng cho bài hát là khó nhất, làm sao để ca khúc mang ý nghĩa cho mọi người chứ không chỉ đơn thuần là một bài hát đặt hàng lại càng khó hơn. Tôi đưa ý tưởng và Lưu Hà An đã làm việc thật tuyệt. Việc sản xuất và thu âm cũng phải làm nhiều lần với các cháu bé, rồi lại chỉnh sửa để có tác phẩm hoàn chỉnh…Nhưng đó là việc bình thường, quan trọng là khi hoàn chỉnh nó đã mang đến cảm xúc tới người nghe. Được mọi người đánh giá, quan tâm tôi và An rất vui".
Viết chú thích ảnh ở đây. |
“Đời sống hóa” quảng cáo
Trong thực tế, dù là ca khúc được trình diễn gắn liền với chiến dịch quảng cáo của một nhãn hàng, nhưng không ít sáng tác đã thực sự có một đời sống riêng, được khán giả yêu thích và thậm chí trở thành bản “hit” để đời của nghệ sĩ thể hiện.
Chắc hẳn nhiều khán giả đã rất quen thuộc với đoạn điệp khúc “Từ bao lâu tôi đã yêu nụ cười của bạn. Từ bao lâu tôi đã yêu quê hương Việt Nam. Những con đường nên thơ và những dòng sông ước mơ. Từ trái tim xin một lời Tôi yêu Việt nam” trong ca khúc Tôi yêu Việt Nam được ca sĩ Mỹ Tâm thể hiện rất thành công. Ca khúc này vốn là một sáng tác của nhạc sĩ Vy Nhật Tảo cho một nhãn hiệu, nhưng sự ngọt ngào và truyền cảm của ca từ đã giúp Tôi yêu Việt Nam theo Mỹ Tâm từ liveshow này đến chương trình khác, trở thành ca khúc hit được hàng triệu fan của nữ ca sĩ “tóc nâu môi trầm” yêu thích. Tình yêu chắp cánh (ca sĩ Phương Vy), Phút yêu đầu (Thu Minh), Là con gái thật tuyệt (Lê Cát Trọng Lý)…cũng đều trở thành những ca khúc đi cùng với tên tuổi của nghệ sĩ, thậm chí không còn mấy người nhớ về mục đích thương mại ban đầu của nó nữa.
Đến thời điểm hiện tại, dù là “tiếng nói riêng” của một nhãn hàng, nhưng quảng cáo ngày càng phát triển theo hướng cộng đồng. Không đơn giản là những clip “sáng mặt ăn tiền” theo cách làm truyền thống. Giờ đây, những quảng cáo gây chú ý đều là những clip đã gần như thoát khỏi sự hạn hẹp của thương hiệu và nhanh chóng tạo được sức lan tỏa nhờ chú trọng vào cảm xúc của người xem, bằng những câu chuyện đáng suy ngẫm, giàu tính nhân văn, và tất nhiên được “bảo chứng” bởi những tên tuổi có uy tín trong giới văn hóa. Đạo diễn Phan Xi Nê với phim ngắn Niềm vui của ba (15 phút) ra mắt vào tháng 4 vừa qua khiến những đứa con bận rộn sững lại bởi câu hỏi: Bao lâu rồi ta chưa ngồi xuống ăn với bố mẹ một bữa cơm gia đình? Ta còn cả một tuổi trẻ để phấn đấu cho sự nghiệp, nhưng liệu bố mẹ có còn nhiều thời gian để bên cạnh ta nữa không?
Hay đạo diễn Tạ Nguyên Hiệp từng chia sẻ anh đã có những ngày làm phim thật tuyệt vời khi được ăn, ở, ngủ và cùng theo chân những “nhà làm phim” nông dân chính hiệu đi quay phim, kể những câu chuyện về ruộng đồng, đất đai, một cái quần bị rách, một đôi dép bị mất trong một dự án làm phim dành cho đối tượng là những người nông dân của một nhãn hàng.
Đây cũng được xem là xu hướng chung của thế giới, trong đó Thái Lan, Hàn Quốc là những quốc gia đi đầu ở khu vực châu Á với những quảng cáo chất lượng, được đầu tư kĩ lưỡng về nội dung, hình thức, như một sản phẩm văn hóa thực thụ đi vào đời sống cộng động.
Theo tìm hiểu, Clip Vươn cao Việt Nam là của Vinamilk nhân kỉ niệm 40 thành lập. Hành trình để đưa Vươn cao Việt Nam ra mắt khán giả cũng khá gian nan khi ekip thực hiện đã mất 8 tháng ròng để chuẩn bị và lên ý tưởng. Một điều thú vị là những em học sinh xuất hiện trong Clip Vươn cao Việt Nam đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau trong cả nước để gửi trọn được tinh thần “vươn cao” dù bạn là ai, đến từ đâu. Số lượng diễn viên nhí tham gia trong clip cũng giữ con số kỉ lục khi có đến gần 200 em cùng ghi hình tại 11 địa điểm khác nhau ở 9 tỉnh thành dọc đất nước trong suốt quá trình thực hiện Vươn cao Việt Nam. |
MINH TRANG