(ĐSPL) - Nghị định 50/2016/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/7/2016 và thay thế Nghị định số 155/2013/NĐ-CP ngày 11/112013 của Chính phủ.
Ngày 1/6, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 50/2016/NĐ-CP về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/7/2016 và thay thế Nghị định số 155/2013/NĐ-CP ngày 11/112013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
Theo Nghị định, hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư bao gồm các hành vi sau: vi phạm quy định trong lĩnh vực quản lý và sử đụng vốn đầu tư công; vi phạm quy định trong hoạt động đầu tư tại Việt Nam và hoạt động đầu tư ra nước ngoài; vi phạm quy định trong lĩnh vực quản lý đấu thầu; lĩnh vực đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Các hành vi vi phạm hành chính khác liên quan đến lĩnh vực kế hoạch và đầu tư chưa được quy định tại Nghị định này thì áp dụng quy định tại các Nghị định khác của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan.
Với hành vi vi phạm các quy định về Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi thì:
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi như không tuân thủ trình tự, thủ tục lập và thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi; không tuân thủ trình tự, thủ tục và điều kiện điều chỉnh chương trình, dự án.
Với các hành vi vi phạm như lập dự toán, thanh toán, quyết toán chi phí lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi không đúng đơn giá, định mức; lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi không phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi không đầy đủ nội dung thì sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi không có trong quy hoạch hoặc chưa được cấp có thẩm quyền bổ sung quy hoạch; không đúng theo quy hoạch được phê duyệt.
Vi phạm các quy định về kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Không thực hiện sơ tuyển trước khi lập kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư; thực hiện không đúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; không thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trước khi phê duyệt.
Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư khi kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư chưa được phê duyệt.
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi chia quy mô các gói thầu không đáp ứng yêu cầu về tính chất kỹ thuật, trình tự thực hiện, tính đồng bộ của dự án dẫn đến làm giảm tính canh tranh trong đấu thầu.
Nghị định này cũng quy định về hành vi vi phạm quy định về kê khai hồ sơ đăng ký doanh nghiệp như hành vi kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp thì sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc đăng ký thay đổi và thông báo lại các thông tin doanh nghiệp đã kê khai không trung thực, không chính xác.
Vi phạm quy định đối với doanh nghiệp được tổ chức theo mô hình công ty mẹ, công ty con
Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Công ty con đầu tư góp vốn, mua cổ phần của công ty mẹ; Các công ty con của cùng một công ty mẹ cùng nhau góp vốn, mua cồ phần để sở hữu chéo lẫn nhau; Các công ty con có cùng công ty mẹ là doanh nghiệp có sờ hữu ít nhất 65\% vốn nhà nước cùng nhau góp vốn thành lập doanh nghiệp.
Biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi này là buộc thoái vốn, rút cổ phần từ công ty mẹ hoặc công ty con khác đối với hành vi vi phạm như Công ty con đầu tư góp vốn, mua cổ phần của công ty mẹ; Các công ty con của cùng một công ty mẹ cùng nhau góp vốn, mua cồ phần để sở hữu chéo lẫn nhau; còn trường hợp buộc thoái vốn khỏi doanh nghiệp được thành lập đối với hành vi vi phạm như các công ty con có cùng công ty mẹ là doanh nghiệp có sờ hữu ít nhất 65\% vốn nhà nước cùng nhau góp vốn thành lập doanh nghiệp.