(ĐSPL) – Hàng trăm hộ dân với gần 2.000 nhân khẩu đã được lực lượng chức năng di dời khỏi vùng trũng thấp đến tránh lũ vùng cao an toàn.
Theo tin từ Tri thức trực tuyến, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi cho biết, chiều tối 30/11, lũ lớn vượt mức báo động 3 trên sông Vệ tràn vào các khu dân cư ở huyện Nghĩa Hành, huyện Tư Nghĩa.
Tối 30/11, người dân vùng ven sông Vệ đưa bò đến vùng cao tránh lũ. Ảnh: Minh Hoàng |
Trước tình hình trên, huyện đã huy động lực lượng thanh niên, dân quân tự vệ cùng với các thành viên Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các xã, thị trấn hỗ trợ giúp di dời khoảng 200 hộ dân với hơn 800 nhân khẩu vùng trũng thấp ở xã Hành Dũng và Hành Nhân.
Hàng trăm hộ dân vùng ven sông Vệ ở huyện Tư Nghĩa cũng đã dọn đồ đạc lên cao, lùa gia súc đến vùng cao tránh lũ an toàn.
Đồng thời, huy động lực lượng chức năng túc trực 24/24h sẵn sàng di dời khoảng 270 hộ dân với khoảng 1.000 nhân khẩu vùng trũng thấp ở các thôn Mỹ Hòa, Bách Mỹ (xã Nghĩa Mỹ) và thôn Thế Bình (xã Nghĩa Hiệp) đến nhà tránh lũ vùng cao an toàn.
Mưa lớn liên tục 2 ngày qua khiến nước lũ tràn về, dâng cao trên các sông, suối ở huyện vùng cao Ba Tơ. Ảnh: Minh Hoàng. |
Về tình hình mưa lũ diễn ra trong ngày 30/11, báo Quảng Ngãi đưa tin, mưa lớn đã khiến một công nhân của thủy điện Đắk Re bị lũ cuốn mất tích.
Công nhân bị nạn là Nguyễn Đức Trọng khi anh đang trên đường đến công trường thi công thủy điện Đắk Re (xã Ba xa, huyện Ba Tơ) do Thiên Tân Group làm chủ đầu tư.
Theo đó, do mưa lớn từ thượng nguồn chảy về, sông Nước Trạch (xã Ba Xa) dâng cao, chảy xiết khiến 4 công nhân của Thiên Tân Group đi xe máy ngang qua bờ tràn bị nước lũ cuốn trôi. Trong số đó có 3 công nhân bơi được vào bờ, riêng anh Trọng bị lũ cuốn mất tích.
LUẬT PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI Điều 29. Hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trong ứng phó thiên tai 1. Hoạt động tìm kiếm và cứu nạn người gặp nguy hiểm tại khu vực có thiên tai xảy ra bao gồm: a) Sơ tán người ra khỏi nơi nguy hiểm, ưu tiên đối tượng dễ bị tổn thương; b) Cấp cứu kịp thời người gặp nguy hiểm; tìm kiếm người, phương tiện mất tích; c) Lập các trạm cấp cứu tạm thời hoặc trưng dụng có thời hạn trụ sở cơ quan, trường học, cơ sở y tế tại khu vực có thiên tai để tiếp nhận cấp cứu người bị nạn; d) Huy động người, vật tư, trang thiết bị, thuốc chữa bệnh để tham gia cứu chữa người bị nạn; đ) Dựng các lán trại tạm thời cho người dân bị mất nhà ở; e) Cấp phát lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nước sạch và nhu yếu phẩm thiết yếu; g) Các biện pháp cần thiết khác phù hợp với đặc điểm thiên tai của địa phương và khu vực. 2. Trách nhiệm tìm kiếm cứu nạn được quy định như sau: a) Tổ chức, cá nhân chủ động tìm kiếm cứu nạn và có trách nhiệm tham gia tìm kiếm cứu nạn theo sự huy động của cơ quan có thẩm quyền; b) Ủy ban nhân dân, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn địa phương các cấp có trách nhiệm chủ động triển khai hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn; trường hợp vượt quá khả năng phải báo cáo, đề nghị Ủy ban nhân dân, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp trên hoặc Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn hỗ trợ; c) Các bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm chủ động triển khai hoạt động tìm kiếm cứu nạn thuộc phạm vi quản lý; trường hợp vượt quá khả năng phải báo cáo, đề nghị Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn hỗ trợ; d) Các đơn vị chuyên trách, kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn tại một số bộ có trách nhiệm tổ chức thực hiện tìm kiếm cứu nạn theo sự chỉ đạo của Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn; đ) Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức phối hợp thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn trong phạm vi cả nước; chủ trì phối hợp với lực lượng hỗ trợ của quốc tế và khu vực trong tìm kiếm cứu nạn. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo. |
(tổng hợp)