(ĐSPL) - Tính đến đầu giờ chiều ngày 13/12, nhiều khu vực thuộc huyện Đông Hòa, Tây Hòa, Phú Hòa và TP Tuy Hòa đã bị ngập nặng. Dự kiến, trong chiều nay các khu vực này sẽ ngập thêm do các thủy điện tiếp tục nâng mức xả lũ. Để đối phó với tình trạng trên, các cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên đã lên phương án chống lũ cho TP.Tuy Hòa và các huyện lân cận.
Trưa ngày 13/12, Trao đổi với báo chí ông Trần Hữu Thế - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, do ảnh hưởng của rìa Bắc áp thấp nhiệt đới và nhiễu động trong đới gió Đông trên cao, nên từ hai ngày qua trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã có mưa vừa, mưa to kết hợp với việc xả lũ của các hồ thủy điện xả lũ với lưu lượng lớn khiến mực nước tại các sống Ba, sông Kỳ Lộ đang lên rất nhanh.
Tính đến 10 giờ sáng 13/12, tổng lưu lượng xả lũ của các thủy điện tại Phú Yên xuống hạ lưu sông Ba hiện đã lên 6.000m3/giây. Trong đó, Thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ với lưu lượng 4.500m3/giây, Thủy điện Sông Hinh xả lũ với lưu lượng 1.500m3/giây. Với lưu lượng xả lũ này cùng với các sông suối nhỏ đổ ra hạ lưu sông Ba, lưu lượng nước về cuối nguồn ước tính lên đến trên 8.000m3/giây.
Các thủy điện trên địa bàn tỉnh Phú Yên đồng loạt xả lũ |
Trong khi đó, chiều cường tại vùng biển Phú Yên đang dâng rất cao (trên 2m) đã hạn chế việc thoát lũ. Tính đến đầu giờ chiều ngày 13/12, nhiều vùng thuộc các huyện Đông Hòa, Tây Hòa, Phú Hòa và TP Tuy Hòa đã bị ngập, nhiều khu dân cư bị cô lập, giao thông chia cắt. Từ sáng ngày 13/12, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã phải cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn tính mạng cho học sinh.
TP.Tuy Hòa chìm sâu trong nước lũ |
Dự báo trong 12 giờ tới, mực nước trên các sông lên trên báo động cấp 2 hoặc ở mức báo động cấp 3. Cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt là cấp 1.
Để đối phó với tình trạng trên, lãnh đạo tỉnh Phú Yên yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân chủ động thực hiện các phương án phòng tránh lũ, ngập lụt; rà soát các khu dân cư ở các vùng ven sông, suối, vùng trũng thấp để có kế hoạch di dời, sơ tán dân; kiểm tra các các hồ, đập, công trình đang thi công; neo đậu tàu thuyền ở bến bãi hạ lưu các sông chắc chắn; nghiêm cấm đi lại trong vùng nước chảy xiết hoặc vớt củi trên các sông, suối, nhất là những khu dân cư dọc theo sông Ba, kiên quyết không để người dân ở tại các bãi, bồi và các vùng ngập sâu có khả năng bị cô lập.
Một số tuyến đường bị nước lũ chia cắt |
Các địa phương, cơ quan chức năng duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng tham gia ứng cứu khi tình huống xấu xảy ra.
Điều 13. Phòng chống lũ, lụt cho vùng hạ du đập do xả lũ hồ chứa hoặc sự cố đập (Thông tư Số: 34/2010/TT-BCT 1. Xây dựng phương án a) Chủ đập chịu trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du đập do xả lũ hồ chứa hoặc sự cố đập, trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt theo địa bàn; b) Nội dung phương án phải liệt kê được các đối tượng bị ảnh hưởng, mức độ ảnh hưởng và biện pháp đối phó, khắc phục hậu quả phù hợp với từng tình huống lũ khác nhau. 2. Chủ đập phải thông báo (qua điện thoại hoặc fax) cho tổ chức dự báo khí tượng thủy văn tỉnh, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn địa phương vùng hạ du: a) Việc vận hành đóng mở các cửa xả lũ theo quy định; b) Việc xả lũ khẩn cấp; c) Trong suốt thời gian làm nhiệm vụ điều tiết chống lũ, thông báo số liệu các lần quan trắc, đo đạc mực nước thượng lưu, mực nước hạ lưu đập; Lưu lượng vào hồ, lưu lượng xả qua đập tràn, lưu lượng tháo qua tuốc-bin; dự tính khả năng gia tăng mực nước hồ trên cơ sở lưu lượng dự báo vào hồ. 3. Chủ đập chịu trách nhiệm lắp đặt các hệ thống cảnh báo và thông báo tới các chủ đập phía thượng/hạ lưu; báo cáo ngay Uỷ ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn địa phương trong trường hợp nguy hiểm sắp xảy ra do đập hư hỏng hoặc nguy cơ vỡ đập. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ có tính tham khảo. |