“Chúng tôi gửi đơn đến các cơ quan ban ngành nhưng đều không có lời đáp. Bức xúc cho thái độ thờ ơ của chính quyền, chúng tôi buộc lòng phải chặn xe chở rác, khi đó UBND thị xã Buôn Hồ mới cử người xuống giải quyết”, chị Lương Thị Hoa, một người dân sống ở đây bức xúc.
Người dân nơi đây hàng ngày, hàng giờ đang phải sống chung với rác |
Cũng theo chị Hoa, bãi rác đã làm gây hưởng nặng nề đến năng suất cây trồng của gia đình chị. Chị này cho biết: “Gia đình tôi có 2,6ha diện tích trồng cà phê. Những năm chưa có bãi rác hoạt động, sản lượng thu hoạch từ 7 đến 8 tấn/ha. Đến nay chỉ được 4 đến 5 tấn/ha”.
Ngoài ra, mùi hôi thối từ bãi rác này còn ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân. Chồng chị Hoa bị bệnh phong nên cứ hễ vào rẫy trở về là bệnh tái phát. Do vậy nên mọi công việc từ chăm bón đến thu hoạch đều do một mình chị đảm nhận.
Dù người dân ở đây đã nhiều lần viết đơn kiến nghị, yêu cầu cơ quan chức năng có hướng giải quyết vấn đề trên do sức khỏe bị ảnh hưởng, năng suất cây trồng giảm mạnh nhưng từ đó đến nay, bãi rác vẫn tồn tại mà người dân thì vẫn cứ phải chịu đựng.
Ông Hoàng Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Ea Drông cho biết, hiện nay UBND thị xã Buôn Hồ đã đồng ý việc đền bù cho 10 hộ dân chịu ảnh hưởng từ bãi rác. “Ngày 22/1, UBND thị xã Buôn Hồ đã có công văn xác minh mức độ thiệt hại của 10 hộ dân có rẫy ở khu vực gần bãi rác, trong đó gồm 1 hộ trồng tiêu, 9 hộ còn lại trồng cà phê. Gia đình anh Phạm Văn Hải có 222 trụ tiêu, tổng số tiền đền bù 22.232.700 đồng, riêng 9 hộ còn lại vẫn chưa xác định được mức độ thiệt hại nên chưa thực hiện việc đền bù”, ông Sơn nói.
Sống chung với rác, cà phê mất mùa liên miên khiến người dân lâm cảnh "trắng tay" |
Việc có hướng giải quyết dứt điểm hoặc có cách xử lý để hạn chế đến mức thấp nhất sự nguy hại với người dân lúc này là việc làm cần thiết. Thiết nghĩ, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng cần mạnh mẽ và quyết liệt hơn để người dân không còn khốn khổ kêu trời vì mất mùa, vì bệnh tật...