Như tin đã đưa, sáng nay 25/12/2014, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2014. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo Hội nghị. |
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, năm 2014 là năm rất phấn khởi của Bộ và của Ngành Thông tin và Truyền thông. Tất cả các chỉ tiêu kế hoạch đề ra đều đạt và vượt. Là năm có sự đổi mới trong cách điều hành, quản lý và sản xuất kinh doanh của toàn Ngành với nhiều dấu mốc rất quan trọng, từ việc tham mưu ban hành các văn bản rất quan trọng đối với Ngành, với Đảng, Nhà nước, cho tới việc quyết định các phương án tái cơ cấu, củng cố bộ máy. Đúng theo tinh thần tiếp tục tạo cơ sở, tạo đà cho những năm tới. Điều này góp phần rất tích cực và quan trọng vào kết quả chung của cả nước.
Cũng theo Phó Thủ tướng, năm 2014, tình hình chung của kinh tế xã hội là đáng phấn khởi, dù khách quan vẫn còn nhiều vấn đề phải dành tâm sức để xử lý. Kinh tế xã hội ổn định tương đối vững chắc, tạo đà rất tốt cho năm tới khi các cán cân vĩ mô có chuyển biến tốt. Các ngành sản xuất đều có bước tăng trưởng vững chắc.
Tương tự bức tranh của Ngành Thông tin và Truyền thông khi đã đi vào những vấn đề rất căn cơ để tạo điều kiện tăng trưởng bền vững hơn, nhanh hơn trong thời gian tới. Có thể nói, sự đóng góp của toàn ngành, của Bộ và các doanh nghiệp trong ngành là rất quan trọng. Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng ghi nhận những đóng góp này vào sự nghiệp chung của cả nước.
Phó Thủ tướng chỉ rõ: Năm 2015 là năm bản lề của cả nước. Trước hết là năm kỷ niệm của nhiều ngày lễ lớn và Đại hội các cấp. Do vậy, bên cạnh yêu cầu tuyên truyền để tạo không khí phấn khởi chung trong xã hội thì điều quan trọng nhất là tạo sự đồng thuận và phát huy được tất cả mọi sáng kiến, trí tuệ của toàn dân để tạo động lực mới để đất nước vượt lên nhanh hơn, chắc hơn, thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực và thế giới.
Nhìn lại mấy chục năm từ ngày lập nước, trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với quá khứ, với hàng triệu liệt sĩ hy sinh, trách nhiệm với tương lai, chúng ta càng ý thức rõ hơn trách nhiệm để cùng toàn bộ máy, toàn bộ hệ thống chính trị, xã hội đồng lòng phát huy lòng tự hào dân tộc, sự sáng tạo của nhân dân, vượt qua khó khăn và yếu kém. Đó là trách nhiệm với cả quá khứ và tương lai.
Phó Thủ tướng lưu ý, dịp Đại hội Đảng các cấp thì văn kiện Đại hội các cấp, đặc biệt là văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc luôn là dấu mốc quan trọng cho thời kỳ phát triển mới. Hơn lúc nào hết, trong năm 2015, ngành Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm rất nặng nề nhưng vô cùng có ý nghĩa là huy động được sự đóng góp của toàn dân để Đại hội Đảng thực sự là sự kiện lớn của cả dân tộc, hoạch định được đường lối trong thời gian tới, có những phương hướng đúng, phù hợp với xu thế, đưa đất nước phát triển nhanh hơn, mạnh hơn và bền vững hơn. Bởi vậy, chúng ta cần chú trọng công tác đấu tranh chống lại những thông tin xuyên tạc, không đúng sự thật và bất lợi, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Ngành Thông tin và Truyền thông cùng toàn bộ hệ thống chính trị kiên quyết đấu tranh và ngành phải tích cực hơn trong việc chủ động cung cấp thông tin đúng, chuẩn xác, kêu gọi các ngành, các cấp chú trọng việc chủ động cung cấp thông tin. Thông tin tốt được cung cấp chuẩn thì thông tin xấu tự nó sẽ bị loại bỏ.
Đồng chí Vũ Đức Đam khẳng định, ngành Bưu điện luôn tự hào là ngành đã đi đầu trong sự nghiệp đổi mới, bây giờ vẫn vậy. Không chỉ đổi mới để có được ngày hôm nay mà còn từ đó rút ra bài học cho các ngành khác, cũng như công cuộc đổi mới đất nước nói chung. Viễn thông, bưu chính, CNTT tiếp tục không chỉ là một ngành kinh tế rất đặc biệt mà còn là hạ tầng của hạ tầng cho sự phát triển, luôn đứng trước yêu cầu lúc nào cũng phải ý thức có trách nhiệm, phải đổi mới không chỉ cho mình mà đóng góp chung cho cả nước. Nếu dự báo đúng, có giải pháp kịp thời và chuẩn xác thì đóng góp của Ngành là rất lớn. Ví dụ, trước đây, viễn thông đã đi trước trong số hóa, mạnh dạn mở cửa Internet, phát triển thuê bao di động. Bây giờ băng thông rộng cũng phải có bước đi chủ động hơn, gắn kết với phát triển công nghiệp CNTT. Đặc biệt, thông tin viễn thông đã rộng khắp nhưng thông tin, ngoài các dịch vụ cơ bản, đến vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhu cầu rất lớn. Chủ trương chung, biết đầu tư về kinh tế cho vùng sâu, vùng xa không có hiệu quả trước mắt nhưng sẽ tạo ra sự phát triển cân đối hài hòa. Đối với những thiết chế như bưu điện văn hóa xã hay quỹ dịch vụ viễn thông công ích…. Bộ cùng các đơn vị chủ lực cần nghiên cứu khẩn trương để đưa vào chương trình công tác, trên tinh thần tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp kết hợp hài hòa với nguồn lực của Nhà nước tạo sự phát triển đồng đều cho tất cả các vùng.
Về CNTT, năm qua, Bộ đã tham gia hoạch định nhiều chính sách rất quan trọng. Đó là bắt đầu mạnh dạn đưa ra cơ chế thuê dịch vụ. Đây là xu hướng phù hợp với công nghệ, có thể giải quyết những khó khăn vướng mắc mà bấy lâu nay anh em CNTT trăn trở, có thể giải quyết hạn chế về ngân sách Nhà nước. Đây là hướng đi đúng, đặc biệt, khi Việt Nam có thế mạnh về làm phần mềm. Nếu không tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm và trưởng thành ngay ở thị trường Việt Nam thì làm sao có thể đi ra nước ngoài. Chúng ta cũng có yêu cầu rất cấp bách và vô cùng quan trọng là góp phần để xây dựng nền hành chính hiện đại. Chúng ta vẫn nói nhiều về chính phủ điện tử, nhưng nói đúng là ứng dụng CNTT để đổi mới quản lý, điều hành trong các cơ quan Nhà nước. Đây là một việc rất khó, đã nói từ lâu, nhưng một mình Bộ không thể làm được, đòi hỏi phải có sự tham gia của tất cả các ngành, các cấp.
Các Sở TT&TT từ lâu muốn phải nhấn mạnh hơn vai trò làm CNTT trong các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, thậm chí đề nghị phải có chức danh chính thức CIO, CEO. Việt Nam bàn nhiều, nhưng điều cốt tử nhất vẫn là người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo thì mới làm được, vì ứng dụng CNTT liên quan đến cả bộ máy, trước hết là quy trình thủ tục. Đây cũng là một trong những lý do để thành lập Ủy ban Quốc gia về CNTT do Thủ tướng trực tiếp đứng đầu.
Hiện nay, hoạt động quản lý Nhà nước đã khác. Bộ máy quản lý Nhà nước chỉ cố gắng quản lý những gì cần phải quản lý, còn thì phải tìm cách tạo điều kiện để người khác làm theo định hướng quản lý của mình. Có những việc trước đây là do các Sở TT&TT và Bộ trực tiếp làm, thì giờ nên để các doanh nghiệp hoặc tổ chức khác làm dưới sự chỉ đạo của mình. Về vấn đề cổng thông tin, đây là một cơ quan của UBND tỉnh, của Bộ trưởng, đặt ở đâu cũng phải dưới sự quản lý Nhà nước của ngành. Cổng thông tin không chỉ đơn thuần là một tờ báo, một trang tin mà là nơi giúp chính quyền tỉnh điều hành thông suốt bộ máy của mình, từ đấy cung cấp dịch vụ ra ngoài. Tới đây khi cung cấp dịch vụ ra ngoài, hiện vẫn có những dịch vụ cấp không, nhưng tiến tới sẽ có những dịch vụ thu tiền. Nên ai làm cũng phải quản lý. Đối với xuất bản, 2014 cũng là một năm quan trọng với việc được phê duyệt Quy hoạch Xuất bản, In và Phát hành đến năm 2020. Có nhiều điểm tốt nhưng cũng có những hạn chế trong hoạt động xuất bản. Với báo chí cũng vậy, phải giữ đúng định hướng, tôn chỉ, mục đích để không bị chi phối mà đưa tin sai lệch.
Tất cả công tác quản lý, từ báo chí, viễn thông, CNTT đến bưu chính, trước hết phải bảo vệ được quyền lợi của nhân dân, sau đó là phát huy được sự tham gia đóng góp của nhân dân, của toàn xã hội. Tin nhắn rác là một ví dụ. Đây là câu chuyện xung đột giữa lợi ích của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ với cộng đồng. Trong xã hội, nhiều doanh nghiệp muốn quảng bá sản phẩm dịch vụ tới người dân, Bộ phải đứng ra rà soát lại, trên tinh thần đặt lợi ích của số đông người dân lên trên - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son phát biểu tại Hội nghị. |
Đáp từ chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son trân trọng cảm ơn những chỉ đạo, đánh giá của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã ghi nhận những đóng góp của Ngành vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời gợi mở một số vấn đề. Bộ trưởng tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng để bổ sung vào phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2015 để Ngành Thông tin và Truyền thông ngày càng phát triển bền vững, có vị trí xứng đáng trong sự phát triển của cả nước trong giai đoạn phát triển mới. Chính phủ đã ban hành Nghị định 132/2013/NĐ-CP về chức năng nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong đó có thêm Cục An toàn thông tin, Vụ Thông tin cơ sở, Vụ Quản lý doanh nghiệp…. Những đơn vị mới này đang bị áp lực rất lớn về biên chế tổ chức, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Chính phủ và Phó Thủ tướng tiếp tục quan tâm để Bộ có thêm biên chế hợp lý cho các đơn vị mới để đảm bảo hoạt động hiệu quả, hoàn thành tốt các nhiệm vụ công tác được giao. Bộ trưởng cũng đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ báo cáo Chính phủ phân rõ ngân sách dành riêng cho sự nghiệp thông tin và truyền thông; tiếp tục duy trì Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở; Quy định chức năng nhiệm vụ rõ ràng, minh bạch giữa Bộ TT&TT và Bộ VHTT&DL tránh chồng lấn; Sớm ban hành Quy chế về thuê dịch vụ CNTT và Quy hoạch khu CNTT tập trung.