(ĐSPL) - Mặc dù bộ GD&ĐT đã có những quy định cụ thể về công tác thu chi đầu năm học, tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn không khỏi bức xúc về một số khoản thu "ẩn danh" xã hội hoá của các trường học...
Kỳ lạ những tấm biển di động
Có lẽ hiếm có trường học nào ở Hà Nội mà lại có một lớp học kỳ lạ như ở trường tiểu học T.M (Hoàng Mai). Các phụ huynh có con học tại đây vẫn gọi vui đó là "lớp chạy". Chia sẻ với PV, một phụ huynh có con đang học lớp 2 tại trường này bức xúc nói: "Một tuần học 6 buổi thì mỗi ngày con học ở một phòng, ở nhiều tầng khác nhau. Thứ 2 học phòng 111 tầng 1 dãy nhà B, thứ 3 phòng 110, thứ 4 phòng 109... Nếu chạy lớp như thế thì làm sao đảm bảo được tâm lý để các cháu tập trung học tập cho ổn định. Mỗi lớp sẽ có tấm biển di động, hôm đó lớp học ở phòng nào thì sẽ có một học sinh đi sớm hơn mang tấm biển ra đặt trước cửa phòng học. Sỹ số của các lớp rất đông, có tới 58 cháu. Vậy nên có nhiều bàn phải ngồi tới 3 cháu.
Phụ huynh này thông tin thêm, trường có 35 phòng học nhưng có tới 42 lớp. Vì quá đông lớp học, phòng thể chất của trường được ngăn ri-đô ra để cho 3-4 lớp cùng học. Các lớp học cạnh nhau, không có tường vách ngăn riêng thì sao mà các cháu học nổi? Giảng bên này thì học sinh bên kia làm sao nghe được.
Trước thực trạng trên, trong buổi học đầu năm, nhà trường không quên nói khéo với các phụ huynh và mong các gia đình thông cảm. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh tỏ ra vô cùng bức xúc khi phải đóng góp cho con như mọi người nhưng con mình học vẫn phải chạy lớp. Không chỉ có vậy, nhiều khoản thu của nhà trường cũng khiến phụ huynh cảm thấy không thoả đáng. Một tháng tiền nước uống cho một học sinh là 12.000 đồng nhưng theo phản ánh, bình nước nhiều hôm trong tình trạng cạn khô và các con không có nước uống. Mọi năm, mỗi cháu đóng 25.000 đồng/1bữa ăn. Sau khi nhiều phụ huynh kêu ca thì năm nay nhà trường giảm xuống còn 23.000 đồng. Tuy nhiên, trường lại tăng tiền hỗ trợ bán trú trông trưa từ 130.000 đồng lên 150.000 đồng. Năm nay, mỗi phụ huynh còn phải đóng 50.000 đồng/kỳ để ủng hộ trường. Đặc biệt, tiền trông con ngoài giờ từ khi tan học cho đến 5h30 là 150.000-160.000/học sinh/tháng.
Những bức tâm thư nhói buốt
Nhiều phụ huynh cho hay, các gia đình có điều kiện thì không nói làm gì, nhưng nhiều nhà không được "rủng rỉnh" thì việc đóng góp những khoản thu bất hợp lý đã trở thành... gánh nặng. Chị Lê Ngọc M. - phụ huynh có con học tại trường tiểu học B thị trấn Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội cho biết: "Nhà tôi có hai con đang học tại trường tiểu học B này, mỗi khi đến năm học mới là cả vợ lẫn chồng đều "méo mặt" lo các khoản đóng học cho con.
Các khoản thu đầu năm trở thành gánh nặng của không ít gia đình (Ảnh T.T) |
Theo phụ huynh M., khoản thu mà nhiều phụ huynh cho là mập mờ trong mục đích sử dụng, đó là quỹ phụ huynh trường với số tiền là 200.000 đồng/năm, thu làm hai lần trong hai kỳ học. Trong buổi họp phụ huynh ngày 7/9/2014 tại trường này, tất cả các phụ huynh đã đóng tiền cho quỹ phụ huynh học sinh lớp với số tiền tuỳ theo biểu quyết các lớp là 200.000 đồng hoặc 300.000 đồng. Số tiền này được dùng để in tài liệu cho các em học sinh, tiền "ngoại giao" các thầy cô những ngày lễ như 20/10, 20/11, 8/3... Còn số tiền 200.000 đồng/năm mà trường tiểu học B thị trấn Văn Điển thu là do nhà trường giữ và phụ huynh học sinh không biết số tiền này dùng để làm gì. Khi hỏi các giáo viên chủ nhiệm, thì nhiều cô giáo "lấp liếm" rằng: "Tiền này dùng để in giấy khen cho các em học sinh giỏi...".
Trong quá trình tìm hiểu, nhiều phụ huynh cho biết, ngay bản thân họ cũng ngại "chất vấn" cô giáo vì sợ con bị "trù". Nhiều cuộc họp, hội Cha mẹ phụ huynh học sinh đều có sự xuất hiện của giáo viên chủ nhiệm các lớp nên ai cũng ngại "va chạm". Tuy nhiên, vẫn còn một số ít người dám lên tiếng phản đối nhưng phụ huynh đều nhận được các câu trả lời không thoả đáng.
Ngày 2/10/2014, báo Đời Sống và Pháp Luật đã nhận được bức tâm thư của một phụ huynh học sinh trường tiểu học thị trấn Vân Đình, ứng Hoà, Hà Nội. Theo nội dung bức thư mà phụ huynh này gửi đến thì việc "nhập nhèm" một số khoản thu đã làm nhiều phụ huynh thấy... bất thường.
Theo đó, trong cuộc họp phụ huynh đầu năm học ngày 27/9 ở trường có nhiều khoản vô lý như khoản thu tiền học 2 buổi/ngày và tiền đóng góp mua ô che nắng cho học sinh. Phụ huynh này cho biết: "Được biết UBND thành phố Hà Nội quy định rất rõ và phụ huynh chúng tôi cũng biết rất rõ là tiền học 2 buổi/ngày không được phép thu quá 100.000đồng/học sinh/tháng nhưng trường tiểu học thị trấn Vân Đình đã thu 170.000 đồng/học sinh/tháng đối với các lớp chọn, lớp quan tâm, 130.000 đồng/học sinh/tháng với các lớp đại trà... Đối với học sinh học lớp 1 thường nhà trường đã yêu cầu tất cả học sinh phải học tiếng Anh mà không phải là hình thức tự nguyện.
Vừa qua, một phụ huynh có con học tại trường THCS L.Q.Đ cũng vô cùng bức xúc trước khoản thu 17 triệu đồng bảo dưỡng hai chiếc điều hoà cũ ở trường này. Theo lý giải của giáo viên, số tiền này để bảo trì hai chiếc điều hòa cũ do lớp trước để lại. Dù rất bức xúc, nhưng trong buổi họp hôm đó chỉ có 15/55 phụ huynh dám giơ tay phản đối không nộp số tiền bảo dưỡng này mà đề nghị mua điều hòa mới cho các con.
Thu 5 năm một lần cho tiện?
Gọi điện đến đường dây nóng của báo Đời Sống và Pháp Luật, chị Phạm Thu T. có con đang học tại trường tiểu học Q.T. (Sơn Tây, Hà Nội), tỏ ra vô cùng bức xúc. Chị T. phản ánh, năm nay, trường tiểu học Q.T thu trọn gói tiền trang thiết bị phục vụ bán trú liền nhiều năm. Chẳng hạn ai có con học lớp 1 thì đóng liền 5 năm là 500.000 đồng, ai có con học lớp 2 thì đóng 4 năm là 400.000 đồng. Nhiều phụ huynh tỏ ra không đồng tình vì không ai biết chắc rằng trong những năm tới việc ăn bán trú của con mình có thay đổi gì hay không mà lại đóng liền 4-5 năm.
Không những thế, nhiều bậc cha mẹ còn phải đóng góp một số khoản mà không biết chi tiêu vào mục đích gì. Theo chị T., con chị đang học lớp 1. Tiền quỹ lớp 300.000 đồng/năm do phụ huynh cầm nhưng tiền hội cha mẹ học sinh là 150.000 đồng lại do nhà trường giữ. Số tiền quỹ hội cha mẹ học sinh này cũng không được nói rõ là tiêu vào việc gì. Khi chị thắc mắc thì hội trưởng hội cha mẹ học sinh của lớp sau khi đi họp ở trường về cũng chỉ nói: "Có những cái không thể nói ra được". Ngoài ra, mọi năm các gia đình tùy tâm ủng hộ tiền khuyến học. Song năm nay, nhà trường bắt buộc mỗi suất phải nộp 100.000 đồng. Mỗi phần thưởng của các cháu giỏi cũng không đến 100.000 đồng. Vậy số tiền dư ra thì chảy vào túi ai?
Qua đường dây nóng gọi về báo ĐS&PL, chị Nguyễn Thị Duyên (phố Bùi Ngọc Dương, quận Hai Bà Trưng) phản ánh: "Là một phụ huynh, đồng thời cũng là một người kinh doanh văn phòng phẩm, tôi thấy nhiều vấn đề không minh bạch ở một số trường tiểu học quận Hai Bà Trưng. Trường tiểu học B.M. yêu cầu học sinh phải viết bút chì Đức với giá 10.000 đồng/chiếc màu xanh đen. Trường tiểu học L.V.T, cô giáo yêu cầu học sinh dùng vở viết của hãng Trường Ngân. Học sinh mua vở của Hồng Hà sẽ không được dùng”.
Chị Duyên nói thêm, chúng tôi nghi ngờ có sự móc ngoặc nào đó giữa trường với các công ty, nhà cung cấp văn phòng phẩm. Với các trường tiểu học trong khu vực Hai Bà Trưng thì sự "áp đặt" này không giống nhau. Có trường "bắt" học sinh dùng bút Kim Thành, có trường bắt dùng bút Hồng Hà. Vậy tại sao lại có hiện tượng này? Câu trả lời dành cho cơ quan quản lý Nhà nước và những người có chức trách, thẩm quyền xem xét xử lý những vi phạm, nếu có.
Trên thực tế, theo Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh mà bộ GD&ĐT quy định, đối với các khoản thu xã hội hoá, nhà trường phải trao đổi và nhận được sự đồng tình của phụ huynh thì mới được phép thu. Tuy nhiên, hầu hết, các bậc phụ huynh vì không muốn con mình bị gây khó dễ ở lớp nên đều tặc lưỡi. Đây chính là kẽ hở để các trường tha hồ vẫy vùng, vẽ ra đủ các khoản tiền đầu năm.
Bí kíp bảo mật thông tin Theo tìm hiểu của PV, một vài năm gần đây, các trường đều truyền nhau một bí kíp bảo mật thông tin các khoản thu. Đó là trong các cuộc họp đầu năm, thay vì phát văn bản ghi rõ các khoản thu, các cô giáo đều đọc miệng hoặc chép lên bảng. Làm như vậy, nội dung các khoản thu sẽ hạn chế bị lan truyền, phát tán. |