(ĐSPL) - Mộ cổ là một thân cây khoét rỗng hình thuyền, có chiều dài 2,20m, chiều rộng 0,50m, bằng chất liệu gỗ dâu đen bóng, có niên đại từ thời Lê.
Ngày 29/7, Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh cho biết, vừa qua trong quá trình đào, san ủi đất, công nhân Công ty Cổ phần gạch ngói Cầu Họ, xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên phát hiện một ngôi mộ cổ thời Lê.
Trước đó, trong quá trình vận hành máy đào, xúc ủi đất trên cánh đồng Bồi Hoa, thuộc thôn 13, xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), một nhóm công nhân thuộc Công ty CP gạch ngói Cầu Họ phát hiện ngôi mộ cổ nằm ở độ sâu 4m.
Ngay sau khi phát hiện ngôi mộ, các công nhân cùng với chính quyền địa phương tiến hành di dời toàn bộ hài cốt trong ngôi mộ về nghĩa trang của xã. Riêng phần quan tài làm bằng thân cây khoét rỗng được trục vớt lên trên mặt đất và đồng thời báo cáo các cơ quan chức năng nghiên cứu xử lý. Tuy nhiên, trong quá trình máy đào đã làm hiện trạng ngôi mộ cổ không còn nguyên trạng.
Ngôi mộ cổ vừa được phát hiện tại xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). |
Mộ cổ được phát hiện là một thân cây khoét rỗng hình thuyền, có chiều dài 2,20m, chiều rộng 0,50m, bằng chất liệu gỗ dâu đen bóng.
Theo nhận định ban đầu của các nhà nghiên cứu khảo cổ học Hà Tĩnh, đây có thể là một ngôi mộ cổ được táng thức theo tập tục của người Việt cổ là chiếc quan tài dạng hình thuyền bằng thân cây khoét rỗng, có niên đại muộn nhất từ thời Lê (thế kỷ XVI - XVII) trở về trước.
Mộ cổ là thân cây khoét rỗng hình thuyền có niên đại muộn nhất từ thời Lê |
Loại hình mộ cổ hình thuyền này đã được phát hiện ở nhiều nơi trên địa bàn Hà Tĩnh, trước đó vào năm 2008 và 2009 cũng đã phát hiện được ở xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc và xã Cẩm Huy, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh).
Với việc phát hiện ngôi mộ cổ nói trên sẽ giúp các nhà nghiên cứu khảo cổ tìm hiểu sâu thêm về các hình thức mai táng của người Việt cổ; góp phần minh chứng cho bề dày lịch sử của vùng đất Cẩm Xuyên nói riêng và Hà Tĩnh nói chung trong lịch sử.