Công an tỉnh Hưng Yên vừa phanh phui một vụ làm giả giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm (VSTTTP) lớn ở một làng nghề nấu rượu nổi tiếng ở huyện Kim Động.
[mecloud]z7ui2WsHal[/mecloud]
Sự việc bắt đầu với việc tổ công tác của Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Hưng Yên tiến hành kiểm tra các cơ sở SX, kinh doanh rượu trên địa bàn tỉnh. Ngoài việc phát hiện những vi phạm về VSATTP trong việc sản xuất rượu, tổ công tác còn phát hiện một số nơi có dùng giấy chứng nhận giả.
Đội công tác kiểm tra VSATTP các cơ sở kinh doanh rượu ở Hưng Yên - Ảnh báo Nông Nghiệp. |
Thông tin này đã được chuyển cho công an để điều tra, xử lý là làm rõ.
Qua điều tra của công an, phần lớn những những hộ kinh doanh nhỏ lẻ tại làng nghề thôn Trương Xá, xã Toàn Thắng, huyện Kim Động, Hưng Yên đều dùng giấy chứng nhận VSATTP giả. Đáng lo ngại là chính họ cũng không biết điều này.
Những giấy chứng nhận này đều do một người làng tên là Nguyễn Văn Hiếu cung cấp. Anh này chuyên làm dịch vụ thành lập doanh nghiệp cho nhiều nhà trong xã nên được nhiều gia đình tin tưởng nhờ làm hộ luôn dịch vụ cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm cho nhanh, để dễ bán hàng. Vì theo quy định, bán rượu nấu vào các nhà hàng, nếu không có loại giấy này sẽ không bán được.
Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Văn Hiếu khai nhận, do thấy các hộ nấu rượu trong làng nghề có nhu cầu xin cấp chứng nhận an toàn thực phẩm cho rượu tự nấu, nhưng lại ngại các thủ tục hành chính, nên Hiếu đã nhận làm giúp. Tuy nhiên, lẽ ra phải đến các cơ quan chức năng làm thủ tục theo quy định, Hiếu lại móc nối với một đối tượng cò mồi để làm hộ, hưởng chênh lệch mỗi giấy 1 triệu đồng.
Những tờ giấy chứng nhận VSATTP được làm giả tinh vi đã qua mắt nhiều cơ quan chức năng. - Ảnh cắt từ clip VTV |
Qua xác minh điều tra, Công anh tỉnh Hưng Yên đã xác định các giấy chứng nhận Hiếu giao cho các hộ đều là giấy tờ được làm giả chữ ký và con dấu. Nhiều đơn vị cũng không phát hiện được đây là giấy tờ giả và thực hiện việc công chứng bình thường. Chính vì vậy, nhiều hộ vẫn sử dụng giấy này để bán rượu ra thị trường trong một thời gian dài.
Công an tỉnh Hưng Yên cho biết, hiện đã có 6 hộ tự nguyện giao nộp giấy chứng nhận giả. Còn nhiều hộ vẫn không chịu giao nộp do sợ ảnh hưởng tới uy tín rượu nấu của nhà mình. Cơ quan Công an tỉnh Hưng Yên cũng cho biết đang tiếp tục mở rộng làm rõ đường dây chuyên sản xuất các giấy tờ giả này cho các làng nghề.
Điều đáng lo ngại ở đây là những hộ SX nấu rượu này có giấy chứng nhận VSATTP mà không có bất cứ cơ quan chức năng nào tới kiểm tra tại chỗ trước khi cấp giấy phép. Và hàng ngày, hàng ngàn can rượu quê có giấy phép hợp lệ này vẫn được tiêu thụ trong các nhà hàng, quán ăn. Chắc hẳn chúng ta vẫn chưa quên những vụ ngộ độc rượu methanol tập thể ở Lai Châu (9 người chết, 30 người nhập viện) và sau đó là ở Hà Nội (7 người nguy kịch). Mới đây, ngày 11-3, có 12 sinh viên phải nhập viện do ngộ độc methanol trong rượu, sau khi mua rượu không nhãn mác về liên hoan tại nhà trọ.
Đó là chỉ là tính riêng ở khu vực làng nghề nấu rượu. Ai dám cam đoan những tờ giấy chứng nhận VSATTP đó không xuất hiện tại những cơ sở sản xuất thực phẩm ăn uống khác. Người tiêu dùng còn biết đặt lòng tin vào đâu?
Tổng hợp