+Aa-
    Zalo

    PGS.TS Phan An nói về việc lập phố đèn đỏ ở Phú Quốc

    • DSPL

    (ĐS&PL) - PGS.TS Phan An, nguyên Viện trưởng viện KHXH vùng Nam Bộ đã cung cấp thêm một góc nhìn khách quan về vấn đề đang gây tranh cãi hiện nay: Có nên lập phố đèn đỏ ở Phú Quốc?

    Việc lập phố đèn đỏ ở Phú Quốc đang là chủ đề được dư luận quan tâm, thu hút nhiều ý kiến trái chiều. PV báo ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phan An, nguyên Viện trưởng viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ để có thêm một góc nhìn khách quan về vấn đề này.

    PGS.TS Phan An - nguyên Viện trưởng viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ.

    PV: Khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luật về luật Hành chính – Kinh tế đặc biệt ngày 11/9 vừa qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển có đặt vấn đề: Ở những đặc khu dự kiến cũng phải đồng ý cho kinh doanh một số ngành nghề mà nơi khác không thể có, như casino, thậm chí phải có khu phố vui chơi “đèn xanh, đèn đỏ”. Riêng vấn đề lập phố “vui chơi” kiểu này từ lâu đã gây tranh cãi, ông đánh giá như thế nào?

    PGS.TS Phan An: Một đề xuất khi chưa áp dụng thực tế thì việc có nhiều ý kiến tranh cãi là điều tất nhiên. Trước nay chủ yếu có hai luồng quan điểm trái ngược về vấn đề trên: Một bên ủng hộ, bên kia kịch liệt phản đối.

    Quan điểm nào cũng đều có lập luận phù hợp. Bên ủng hộ cho rằng, rất cần thiết lập phố đèn đỏ để đáp ứng nhu cầu tình dục cho con người, nhất là khách du lịch. Thực tế, chuyện này đã diễn ra tại các nước phát triển như Thái Lan, Đức, Hà Lan... việc thành lập phố đèn đỏ cũng được cho là có tác dụng.

    Thứ nhất, giúp giải tỏa nhu cầu tình dục của những người không có điều kiện. Thứ hai, bảo vệ những người sống bằng nghề lao động tình dục, giúp họ tránh khỏi bị đối xử bạo lực từ hoạt động chăn dắt mại dâm. Thứ ba, giảm bớt những hệ lụy xã hội khác như các bệnh lây lan qua đường tình dục.

    Phố đèn đỏ có giúp phát triển du lịch?

    Bên phản đối, họ cũng có giải thích hợp tình hợp lý. Họ cho rằng, với văn hóa của người Á đông, nhất là văn hóa Việt Nam, thì chuyện lập phố đèn đỏ là không nên, bởi nó không phù hợp với thuần phong mỹ tục.

    PV: Vậy theo quan điểm của ông, một nhà khoa học, một nhà nghiên cứu văn hóa, xã hội học lâu năm, ông có ủng hộ việc lập phố đèn đỏ tại Phú Quốc?

    PGS.TS Phan An: Tôi không ủng hộ việc này. Thời Pháp thuộc, Hà Nội từng có “phố cô đầu” Khâm Thiên công khai hoạt động mại dâm. Tuy nhiên, văn hóa dân tộc ta, vốn chịu ảnh hưởng từ Nho giáo, thì xem chuyện mại dâm hoạt động công khai là điều xấu xa.

    Văn hóa Việt Nam không dễ chấp nhận chuyện lập phố đèn đỏ - là hình thức hoạt động mại dâm công khai. Chấp nhận phố đèn đỏ là chấp nhận hoạt động xã hội mang tính trụy lạc. Vì thế, cho phép lập phố đèn đỏ có nghĩa là chúng ta đang cổ xúy cho hoạt động mại dâm, khuyến khích lối sống trụy lạc.

    PV: Có ý kiến cho rằng thành lập phố đèn đỏ ở một khu hành chính đặc biệt sẽ giúp kinh tế, hoạt động du lịch khu vực này phát triển mạnh. Theo ông, ta có nên chọn giải pháp này?

    PGS.TS Phan An: Tôi cho rằng, hai luồng ý kiến như trên rất hay và bên nào cũng đưa ra lý do thuyết phục. Tuy nhiên, để lựa chọn cho sự phát triển, theo tôi cần phải nghiên cứu, tìm hiểu thật kỹ lưỡng. Dù sao đây cũng mới chỉ là đặt vấn đề, khi đưa vào chính thức cần phải thu thập ý kiến các nhà quản lý, nhà khoa học... để đưa ra các giải pháp cụ thể. Nhưng dù lựa chọn cách nào cũng phải đề cao sự phát triển toàn diện của vùng miền, của cả nước nói chung, phù hợp với văn hóa dân tộc.

    Lập hay không lập phố đèn đỏ còn đòi hỏi cả khuôn khổ pháp lý. Nhưng trên hết, khi cân nhắc việc này thì đặt quyền lợi về lâu dài cho người dân. Cũng phải đặt ra câu hỏi, ngoài chuyện phố đèn đỏ thì những khu casino đã có chưa, đã đáp ứng chưa, hay chỉ chăm chăm vào chuyện phố đèn đỏ.

    PV: Đặt giả thiết, nếu lập phố đèn đỏ thì nên quản lý như thế nào?

    PGS.TS Phan An: Như đã nói, quan điểm của tôi là không nên lập phố đèn đỏ. Tuy nhiên, nếu cơ quan quản lý Nhà nước có đề xuất thành lập thì phải xem xét nghiên cứu và chắc chắn phải mời các nhà xã hội học, nhân học để trao đổi, tìm ra hướng tối ưu, sau thí điểm. Nếu thành công mới được thành lập công khai. Phố đèn đỏ, nếu lập, sẽ phải có sự quản lý chặt chẽ, kiểm soát kỹ lưỡng. Ngoài ra, phố đèn đỏ chắc chắn sẽ kéo theo nhiều dịch vụ khác như, sòng bạc, điểm kinh doanh mát-xa... đòi hỏi đội ngũ nhân sự về quản lý phải đáp ứng đầy đủ và có trình độ cao để quản lý hiệu quả.

    PV: Xin cảm ơn ông!

    TS. Lê Nguyên Thanh - Trưởng bộ môn Tội phạm học, Khoa Luật hình sự, Trường Đại học Luật TP. HCM

    Nên nghĩ đến giải pháp cho phép mại dâm có kiểm soát

    Việc cho phép mại dâm có kiểm soát không còn là vấn đề mới ở nhiều nước. Thực tế, ở nhiều nước trên thế giới cho phép mại dâm có kiểm soát, thậm chí được coi là nghề hợp pháp trong công nghiệp tình dục bên cạnh các loại hình du lịch, giải trí đem lại nguồn thu và giải quyết việc làm.

    Ở Việt Nam, có cách tiếp cận vấn đề khác, nhìn mại dâm hoàn toàn tiêu cực cho nên cấm đoán bằng nhiều biện pháp hành chính, hình sự và lên án về đạo đức. Thời gian trước, vấn đề này được trao đổi nhiều trên các diễn đàn nhưng không có kết quả. Nước ta cấm mại dâm nhưng gần như bất lực trước tệ nạn mại dâm bởi khả năng phát hiện, xử lý quá ít so với thực tế.

    Tình trạng cấm mại dâm làm cho hoạt động mại dâm vẫn tồn tại nhưng không công khai, khó kiểm soát. Mặt tiêu cực của nó là không kiểm soát được bệnh tật của người mua, bán dâm; tình trạng bảo kê, bóc lột người bán dâm, tình trạng lây bệnh vẫn nặng nề, chưa kể có liên quan đến các đường dây buôn bán người dùng vào mục đích mại dâm.

    Vì thế, Nhà nước cần đánh giá khách quan hơn về tình hình mại dâm và kiểm soát mại dâm trong điều kiện hiện nay. Nếu cấm mại dâm mà không ngăn chặn được mại dâm bởi sự tồn tại như một nhu cầu khách quan của nó; người bán dâm không được bảo vệ; tình trạng lây lan bệnh xã hội qua con đường tình dục mại dâm phát triển thì nên nghĩ đến giải pháp cho phép mại dâm có kiểm soát.

    Ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang.

    Cân nhắc, lấy ý kiến từ chuyên gia và cộng đồng

    Lập phố đèn đỏ là vấn đề nhạy cảm ở xã hội Việt Nam. Chỉ riêng việc cho phép dịch vụ giải trí có casino ở Phú Quốc cũng phải bàn đi bàn lại rất nhiều lần. Bây giờ, muốn hợp pháp hóa hoạt động mại dâm là vấn đề không hề đơn giản. Bởi, trước hết, làm gì cũng phải phù hợp với quy định của pháp luật.

    Tính tới thời điểm này, những người tổ chức mại dâm đều đang bị xem là tội phạm hình sự. Phụ nữ tham gia bán dâm sẽ bị xử phạt hành chính. Ngoài ra, khi lập phố đèn đỏ sẽ không còn là câu chuyện pháp lý, mà phải xem xét tới nhiều khía cạnh văn hóa - xã hội. Bởi nước ta vẫn chịu ảnh hưởng văn hóa phương Đông, trong đó người ta khá e ngại khi nói đến vấn đề tình dục và lên án vấn đề mại dâm.

    Trên thực tế, hoạt động mại dâm đã, đang và sẽ tiếp tục tồn tại dưới nhiều hình thức, đặc biệt, nó núp bóng một số dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí khiến cho tình trạng mại dâm rất khó kiểm soát. Bây giờ, muốn công khai, hợp thức hóa hoạt động bán dâm sẽ cần thay đổi rất nhiều vấn đề. Nhất là những quy định về pháp luật, pháp lý.

    Chính vì thế, nếu Phú Quốc muốn thành lập một đặc khu thu hút du lịch bằng việc lập phố đèn đỏ, sở Du lịch Kiên Giang cần phải lấy nhiều ý kiến đánh giá, phân tích nhiều chiều từ các chuyên gia, nhà quản lý. Đặc biệt là lắng nghe dư luận để xem thái độ, quan điểm của cộng đồng, xã hội ra sao rồi mới nên cân nhắc các bước tiếp theo.

    Lành Nguyễn - Dương Hạnh

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/pgsts-phan-an-noi-ve-viec-lap-pho-den-do-o-phu-quoc-a202401.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan