Vai diễn Tư Chung - ông trùm tình báo trong Biệt động Sài Gòn là một trong những vai diễn điện ảnh tiêu biểu của nghệ sĩ Quang Thái trong mấy chục năm sự nghiệp. Vai diễn ấy đã giúp cái tên Quang Thái trở thành biểu tượng của màn ảnh Việt.
Khác biệt với gương mặt Tây
Biệt động Sài Gòn là phim đầu tiên và gần như duy nhất làm về “biệt động thành” – một lực lượng đấu tranh rất đặc thù, gần như chỉ có ở đô thị Sài Gòn từ sau những năm 1961 cho đến thời điểm 30/4/1975. Nhắc đến bộ phim đình đám một thời này không thể không nói đến vai trùm tình báo Tư Chung do diễn viên Quang Thái thủ vai.
NSƯT Quang Thái tên đầy đủ là Bùi Quang Thái sinh năm 1937, thuộc thế hệ nghệ sĩ thứ hai của nhà hát Kịch Việt Nam cùng với nhiều tên tuổi như Đào Mộng Long, Song Kim, Trúc Quỳnh, Mạnh Linh. Quang Thái người gốc Hải Phòng, sở hữu dáng người cao đẹp, khuôn mặt pha chút châu Âu nên được xúi tham gia phim ảnh. Chính vì vậy, Quang Thái xin vào xưởng Phim truyện Việt Nam. Thời gian đầu, Quang Thái thiệt thòi vì không được giao vai lớn, nhưng ông không bỏ cuộc mà quyết tâm chờ thời.
Vai diễn trong Biệt động Sài Gòn giúp nghệ sĩ Quang Thái sống mãi trong lòng khán giả |
Năm 1959, nghệ sĩ Quang Thái được đạo diễn Phạm Văn Khoa (lúc đó là Giám đốc xưởng phim truyện Việt Nam) mời tham gia đóng vai chính trong bộ phim truyện nhựa đầu tiên mang tên Chung một dòng sông (đạo diễn Phạm Kỳ Nam, Hồng Nghi). Nhưng khi quay thử cảnh đầu tiên, đạo diễn chợt nhận ra rằng khuôn mặt Quang Thái quá Tây, không hợp với chất sông nước của nhân vật chính là Vận. Thế là từ vai chính, ông chỉ được làm vai thứ và kiêm luôn vai trò quản lý cho đoàn làm phim.
Sau bộ phim đầu tiên này, biết mình không “có duyên” với điện ảnh, ông đầu quân về nhà hát Kịch nói Trung ương (khi đó, sân khấu đang thời kỳ hoàng kim). Tại đây, với thành công của vai diễn đầu tiên là vai Xéc-gây trong vở Câu chuyện Iec scut tên tuổi Quang Thái được nhắc đến như một ngôi sao sáng của sân khấu kịch Việt Nam.
Theo NSND Doãn Châu, vai Xéc-gây là vai diễn thăng hoa của Quang Thái. Thành công này mở ra thời kỳ Quang Thái tỏa sáng với loạt vai diễn trong các vở kịch châu Âu. Nói như Doãn Châu là như “cá gặp nước” khi thể hiện những vai diễn đó. Ngoài ra, nhắc tới Quang Thái không thể bỏ qua các vai diễn như Ranf trong Hòn đảo thần Vệ nữ, Phê-đô trong Tập nhật ký bỏ quên, Pơtitông trong Ả cave nhà hàng Macxim, Tixafe trong Vụ án người đốt đền, Bottom trong Giấc mộng đêm hè. Không riêng kịch nước ngoài, nghệ sĩ Quang Thái khẳng định tên tuổi trong những vở kịch Việt Nam kinh điển của nhà hát Kịch Trung ương: Đôi mắt, Bão Biển, Đêm mưa, Tay súng quân dân. “Quang Thái là một trong những nghệ sĩ tiêu biểu, xuất sắc nhất của sân khấu Việt Nam. Không chỉ rất tài năng, Quang Thái luôn giữ đạo đức nghề nghiệp rất mẫu mực cho các đàn em và hậu bối học tập. Ông làm việc rất chỉn chu”, NSND Doãn Châu, nguyên Giám đốc nhà hát Kịch Việt Nam nói.
Vai diễn để đời
Khởi nghiệp từ xưởng Phim truyện Việt Nam, nhưng sau bộ phim đầu tiên không mấy thành công, năm 1980, nghệ sĩ Quang Thái lại có cơ hội thử sức ở điện ảnh. Vai diễn thứ hai của ông là anh kỹ sư Dương Tấn trong phim Nơi gặp gỡ của tình yêu (đạo diễn Long Vân), đây cũng là một trong số vai diễn điện ảnh ấn tượng của Quang Thái. Trong Nơi gặp gỡ của tình yêu, ông đóng cùng các nghệ sĩ Thế Anh, Thẩm Thúy Hằng. Trong phim, Quang Thái vào vai kỹ sư của chế độ Sài Gòn tên Dương Tấn băn khoăn về cuộc sống mới, được chính quyền cách mạng mời ra làm việc để khôi phục nhà máy thủy điện A5.
Tuy nhiên, phải tới năm 45 tuổi, Quang Thái mới thực sự khiến nhiều người tâm phục, khẩu phục. Vai diễn Tư Chung trong Biệt động Sài Gòn là một trong những vai diễn điện ảnh tiêu biểu của nghệ sĩ Quang Thái trong sự nghiệp. Nhờ gương mặt lai Tây vừa hào hoa vừa dễ gần, Quang Thái đã “đánh bại” Chánh Tín, ứng cử viên số một cho vai diễn Tư Chung - hiện thân của trùm tình báo Biệt động Sài Gòn khi đó.
Chính đạo diễn đã chủ động tìm tới nhà Quang Thái ở Hàng Ngang để mời ông tham gia. Quang Thái có sự điềm đạm, giản dị nên đạo diễn cho rằng ông hợp với hình tượng chiến sĩ biệt động vừa đẹp, vừa gần gũi.
Trong một lần trao đổi với báo chí, dù tuổi tác, bệnh tật đã làm cho trí nhớ của “ông trùm tình báo” đẹp trai thuở nào không còn mạch lạc nữa, nhưng những phút giây xúc động của 3 năm làm phim thì vẫn còn nguyên. Ông nhớ cảnh xúc động nhất là lúc Tư Chung bế xác của ni cô Huyền Trang trên tay: "Lúc đó, tôi như chìm đắm vào nhân vật, tự nhiên nước mắt trào ra, thương vô cùng. Cảnh đó chủ yếu diễn bằng mắt là chính. Đôi mắt không gào khóc được, vừa căm hờn vừa tiếc thương vừa phải ánh lên sự tin tưởng vào ngày mai chiến thắng để xương máu của những người đồng đội mình không uổng phí".
Năm 1999, nghệ sĩ Quang Thái về hưu, sau đó ít lâu, ông được mời tham gia phim Giấc mộng đêm hè, một bộ phim được quay tại Mỹ và đây cũng là vai diễn cuối cùng của ông với điện ảnh.
NSND Doãn Châu bảo, ông thấy Quang Thái là nghệ sĩ thiệt thòi. Bởi, danh sách những vai diễn ấn tượng trên sân khấu Quang Thái xếp rất dài, nhưng lại chưa được ghi nhận xứng đáng.
Sau vài lần bị tai biến, NSƯT Bùi Quang Thái dẫn đến đi lại khó khăn và khoảng 1 tháng gần đây sức khỏe yếu dần. Ông đã qua đời vào lúc 21h30 ngày 17/6, hưởng thọ 83 tuổi.
Quốc Tiệp
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật Tháng số 26