Nhắc đến NSND Hoàng Dũng, khán giả nhớ đến một nghệ sĩ đa tài với nhiều vở kịch, phim truyền hình hay. Sau phim Người phán xử, ông thường được khán giả gọi bằng cái tên “Phan Quân”. Tài năng của ông còn được thể hiện qua vai ông Luật phim Về nhà đi con, dù xuất hiện không nhiều nhưng “chất”… Mới đây, ông đã có những chia sẻ chân thành về đời, về nghề với phóng viên báo ĐS&PL,...
Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Dũng. |
Thi nghệ thuật vì được bạn bè rủ, thi cho vui...
Mặc dù đã nghỉ hưu, nhưng để sắp xếp một cuộc hẹn với NSND Hoàng Dũng khá khó, bởi ông chạy show liên tục, hết miền Bắc lại miền Nam, có ngày buổi sáng ông đang làm phim ở Hà Nội, chiều lại bay vào Sài Gòn để tham gia gameshow. Chia sẻ với PV, NSND Hoàng Dũng cho hay: “Ai cũng tưởng nghỉ hưu thì tôi rảnh rỗi hơn, có thời gian dành cho vợ con nhưng vì “cả nể” nhận lời tham gia nhiều sự kiện nên tôi rất bận. Sau phim Về nhà đi con, người ta gọi Hoàng Dũng là “bố chồng quốc dân”, tình cảm nào của khán giả cũng quý. Tôi vui vì đến tuổi này rồi còn được khán giả yêu mến, ra đường, họ gọi tôi là “Phan Quân”, là “bố chồng” khiến tôi ấm lòng. Nghệ sĩ, cái còn lại sau cùng chỉ là yêu thương của khán giả”.
Chậm rãi kể về cuộc đời mình, ông cho hay: “Cuộc đời tôi như một cuốn phim chậm, có nụ cười, có gian khổ, nhưng tựu trung lại là rất thú vị. Tôi đến với nghệ thuật hoàn toàn là tình cờ, sau khi học xong THPT, tôi đi thi đại học, trong thời gian chờ kết quả thi đại học, tôi được những người bạn cùng khu phố rủ thi tuyển vào cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Lúc đó, tôi cứ nghĩ, ừ mình thi cho vui xem sao, không ngờ đỗ thật”.
Nhớ về quãng thời gian tuổi trẻ của mình, NSND Hoàng Dũng cho biết, chính sự “liều mạng” đi thi nghệ thuật của mình mà ông đã có thành công như ngày hôm nay. Bởi khi vào trường một thời gian, Hoàng Dũng lại nhận được giấy gọi đi học nghề làm pha lê tại Tiệp Khắc (cũ) nên ông đã xin thôi tại nơi vừa nhập học. Tuy nhiên, sát ngày đi nước ngoài, do trục trặc giấy tờ nên Hoàng Dũng bị rớt lại. Ít lâu sau, việc “ở nhà” của anh được NSND Huỳnh Nga, thầy giáo tại trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội biết chuyện. NSND Hoàng Dũng kể lại ông vào học tiếp là nhờ sự bảo lãnh của thầy giáo, NSND Huỳnh Nga. Lý lẽ để nghệ sĩ Huỳnh Nga thuyết phục ban giám hiệu là: “Đào tạo 100 kỹ sư còn hy vọng được khoảng 60 người thành nghề. Còn nghề này, cả khóa may ra trông chờ được một, hai em. Hoàng Dũng là một, hai em mà tôi đặt hy vọng”.
Chính sự tin tưởng của thầy Huỳnh Nga mà NSND Hoàng Dũng có động lực để theo đuổi đam mê của mình. Ông chia sẻ về việc học diễn xuất của mình: “Ban đầu, tôi đi học chỉ vì tình cờ đi thi, đậu thì học thôi. Hồi đó, chưa biết nghệ thuật là thế nào. Nhưng càng học, càng “thấm”. Ngoài giờ lên lớp, tôi thường xuyên tìm cách lẻn vào các nhà hát kịch xem biểu diễn để học thêm”. Hoàng Dũng kể, ông từng bị bảo vệ nhà hát bắt đến... quen mặt, có lần nhốt vào nhà vệ sinh mà ông vẫn không chừa. Một hôm bị bắt, nghe bảo vệ căn vặn sao vẫn vở kịch đó mà ngày nào cũng trốn vào xem, Hoàng Dũng đành nói thật muốn vào đây để học.
“Thời đó, tôi muốn xem lại nhiều lần để học, để tự phân tích cách diễn của các nghệ sĩ gạo cội. Đơn cử, tôi muốn hiểu tại sao trong một vở kịch NSND Đào Mộng Long chỉ diễn với một ngọn đèn mà vẫn hấp dẫn khán giả đến vậy”, ông tâm sự. Trong cuộc trò chuyện với PV, NSND Hoàng Dũng liên tục nhắc đến nhà hát Kịch Hà Nội, nơi mà ông gắn bó gần 40 năm. Nói về “tình yêu” này, ánh mắt Hoàng Dũng lấp lánh hạnh phúc. Bởi sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội năm 1978, ông đã về công tác tại Đoàn kịch Hà Nội cho đến khi nghỉ hưu.
Sau này, Đoàn kịch Hà Nội được nâng cấp thành nhà hát Kịch Hà Nội và được cấp rạp Công Nhân. Sau 29 năm công tác tại đây, NSND Hoàng Dũng được bổ nhiệm làm Giám đốc nhà hát Kịch Hà Nội vào năm 2007, ông nghỉ hưu vào năm 2017.
Vợ tôi phải nghỉ làm, mở hiệu quần áo để nuôi chồng, con
Tâm sự về ngôi nhà thứ hai của mình, nhà hát Kịch Hà Nội, NSND Hoàng Dũng cho hay: “Thanh xuân của tôi ở nơi này, mọi tâm huyết về nghệ thuật của tôi cũng ở nơi này, các diễn viên trẻ thường gọi tôi là thầy, là bố Dũng xưng con, tôi cũng không nhớ mình có bao nhiêu con nữa. Nhưng lúc nào lên Nhà hát thì tâm trạng tôi cũng vui tươi, bởi các diễn viên trẻ vui lắm, chúng nó trêu “bố”, chọc cho bố cười với những ngôn ngữ vui nhộn. Nhưng khi làm việc thì cũng nghiêm túc lắm”.
Nhắc đến những vở kịch của NSND Hoàng Dũng, khán giả vẫn nhớ những vai diễn thuộc các thể loại khác nhau, như vai hài, vai bi, vai chính, vai phụ với những vai diễn “nặng ký” như: Phó giám đốc Chính trong vở kịch nổi tiếng Tôi và chúng ta của Lưu Quang Vũ, Lãm trong Hà Nội đêm trở gió, Hai Hùng trong Ăn mày dĩ vãng, Cả Khoa trong Cát bụi, hay Bá Nhỡ trong Tiếng đàn vùng mê thảo... Những năm còn công tác ông thường xuất hiện với những vai phụ trên màn ảnh nhỏ với các bộ phim như: Những người sống quanh tôi (David Phương), Phía trước là bầu trời, Thái sư Trần Thủ Độ, Đàn trời...
Nghệ sĩ sinh năm 1956 cho hay: “Sự lột xác của tôi trong vai diễn Phan Quân của Người phán xử hay trong phim Về nhà đi con khiến chính tôi cũng bất ngờ. Tôi vui vì phim truyền hình hiện nay đã có những kịch bản rất tốt, khiến người diễn viên diễn mà không dứt ra được mạch phim. Kịch bản tốt nâng tầm diễn viên. Ở Về nhà đi con, dù chỉ là một vai phụ nhưng tôi chưa bao giờ phân biệt đó là vai nào. Người nghệ sĩ, dù chỉ là một vai thoáng qua trên màn ảnh, thì cũng phải diễn sao cho thật lấp lánh, hết mình”.
Hỏi NSND Hoàng Dũng, khán giả tò mò về cuộc sống riêng của ông lắm, vì sao ông lại “giấu” bà xã của mình kỹ thế? “Bố chồng” Hoàng Dũng cho hay: “Chúng tôi yêu nhau khi tôi chưa ra trường. Hai người biết nhau lúc tôi đang đi học chưa có vai diễn gì ra hồn. Chúng tôi bắt đầu quen nhưng chỉ dừng mức độ bạn bè rồi bẵng đi một thời gian không gặp lại. Đến khi vô tình gặp lại thì yêu nhau mấy năm rồi cưới. Tôi không giấu mà muốn giữ kín cho gia đình mình có một cuộc sống êm đềm thôi. Hồi trẻ cô ấy đã hy sinh cho gia đình và hai con trai. Giờ có thời gian hơn, tôi sẽ dành nhiều thời gian cho gia đình và cháu nội của mình”.
Ông kể rằng thành công mà mình có được như ngày hôm nay là nhờ vợ rất nhiều. Khi mới lấy nhau, bà xã của ông dạy mầm non. Ngay cả trong thời kỳ khó khăn đi diễn tập tành vất vả mà chẳng ra tiền bà cũng chưa từng phàn nàn. Giai đoạn đó bà mới sinh người con trai lớn, chồng đi làm suốt từ sáng đến tối, không giúp được gì nhiều cũng chưa bao giờ bà phàn nàn, kêu ca về kinh tế. Sau đó, vợ của NSND Hoàng Dũng đã nghỉ việc, mở hiệu quần áo để lo kinh tế cho gia đình, để chồng yên tâm công tác.
Ông tâm sự: “Cửa hàng quần áo của cô ấy được rất nhiều bạn diễn của tôi ủng hộ. Bản thân tôi, ngay cả khi đã là Trưởng đoàn kịch, là NSƯT vẫn sẵn lòng dành thời gian rảnh rỗi để trông cửa hàng, dọn hàng giúp vợ, ngày đó “cả nước đều nghèo” cát-xê vai diễn chỉ bằng vài bát phở. Lúc đó, tôi phải đi làm thêm lồng tiếng quay phim, tối diễn kịch thậm chí 1- 2h sáng mới đi ngủ đến 5- 6h sáng lại dậy, cứ thế đều đặn mấy tháng trời, rồi cũng đâu vào đấy”. Cựu “thuyền trưởng” của nhà hát Kịch Hà Nội cho hay: “Hiện tại, khi có phim hay, kịch bản phù hợp, tôi vẫn sẽ tham gia để cống hiến cho nghệ thuật. Tôi vẫn sẽ tham gia các lớp đào tạo diễn viên để truyền nghề cho lớp trẻ. Với tôi, cuộc sống là những mảng màu sôi động và mình phải yêu cuộc sống”.
Chia sẻ về vợ của mình, NSND Hoàng Dũng cho hay: “Vợ không phải mối tình đầu của tôi. Chúng tôi đến với nhau có quá trình tìm hiểu đến thời điểm tôi muốn xây dựng gia đình và nhận thấy đó là mẫu phụ nữ phù hợp với mình thì cưới. Chỉ thế thôi. Cô ấy rất tôn trọng sở thích nghề nghiệp cũng như sự yêu nghề của tôi nên chưa một lần phàn nàn chuyện ngày xưa đi diễn tập tành vất vả mà chẳng ra tiền. Vợ thông cảm với sự vất vả thời kỳ chúng tôi mới có con, tôi đi làm thêm lồng tiếng quay phim, tối diễn kịch thậm chí 1, 2h sáng mới đi ngủ đến 5, 6h sáng lại dậy, cứ thế đều đặn mấy tháng trời. Giai đoạn đó con trai lớn mới sinh nhưng chưa bao giờ vợ tôi phàn nàn về kinh tế ít hay đi nhiều, giờ giấc thế nọ thế kia”. |
Lạc Thành
Bài đăng trên báo giấy Đời sống& Pháp luật số 171