(ĐSPL) - Giá tiêu bán ra hiện đã vượt mức 200.000 đồng/kg, cao nhất trong lịch sử. Giá tiêu tăng liên tục đã thúc đẩy người dân tăng diện tích trồng. Tại nhiều nơi ở tỉnh Bình Định, người dân chặt bỏ điều, cây keo để chuyển sang trồng tiêu. Tuy nhiên, không phải thổ nhưỡng nào cũng hợp với tiêu, nên sự phát triển đột biến đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ “vỡ trận”.
Bà Mẫn đang phơi tiêu thu hoạch được. |
“Thấy họ trồng mình cũng trồng”!
Những ngày này, đi khắp các nhà vườn ở Bình Định đều nhận thấy cảnh nông dân tất bật đào hố, dựng trụ trồng tiêu. Các cơ sở đúc trụ bê tông làm việc hối hả bởi nhu cầu trụ tiêu tăng đột biến. Các điểm cung cấp cây tiêu giống thì liên tục “cháy hàng”.
Bà Nguyễn Thị Mẫn, thôn Bình Chương, xã Hoài Đức, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định phản ánh, gia đình bà vừa chặt bỏ hơn 3 sào cây điều sau núi để trồng hơn 100 trụ tiêu. Khi được hỏi, sao trồng không nhiều như các hộ khác, bà Mẫn trả lời: “Tôi trồng mấy cây trong vườn mà thấy bán được giá nên cũng ham lắm nhưng chỉ trồng ít thăm dò. Có người bà con ở Gia Lai cho biết cả ngàn cây tiêu vừa bị bệnh chết nên tôi không dám mạo hiểm trồng nhiều”.
Tuy vậy, nhiều hộ trong vùng không dè dặt như bà Mẫn mà trồng từ vài trăm trụ tiêu trở lên. Anh Nguyễn Công Hòa, 45 tuổi, ngụ thôn Lộc Thái, xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ đang làm thuê cho một trang trại trồng tiêu ở Đắk Lắk, thấy giá tiêu tăng cao, ông chủ thu về tiền tỉ, nên anh cũng muốn được đổi đời từ cây tiêu. Anh Hòa xin ông chủ cho nhận toàn bộ số tiền công gần nửa năm, trở về quê bàn với vợ đầu tư trồng tiêu trên 2 sào đất vườn. Và, hai vợ chồng đi vay ngân hàng 100 triệu đồng nữa để đầu tư vào tiêu. Vợ ở nhà thuê người chặt hàng chục cây đu đủ đang sai quả, còn anh thuê thợ đúc trụ bê tông và đi tìm mua cây giống.
“Ở đây, giống tiêu giờ rất khan hiếm, tôi phải lặn lội lên tận Đắk Lắk để mua đó. Giá cây tiêu giống là 30.000 đồng/cây, còn trụ bê tông là 100.000 đồng/trụ. Tôi thấy mình đi làm thuê cũng tích lũy được một ít kinh nghiệm, thấy ông chủ giàu lên từ tiêu nên cũng muốn đổi đời. Vườn tiêu của tôi có 200 trụ, mấy tháng đầu thấy nó phát triển cũng được, không biết sau này thì sao. Trồng được thì ăn, không thì làm lại từ đầu”, anh Hòa vừa làm cỏ vườn tiêu vừa chia sẻ.
Còn ông Trần Long, ngụ xã Cát Trinh, huyện Phù Cát, tính chuyện “làm ăn lớn” khi chuẩn bị trồng gần 500 trụ tiêu. Ông đang thuê người đào giếng, chuẩn bị dựng trụ bê tông và đợi cây tiêu giống từ Đắk Lắk chuyển về là trồng ngay. Ông Long dự tính trong 3 năm tới sẽ đầu tư khoảng 500 triệu đồng cho vườn tiêu đến lúc thu hoạch. “Lên Tây Nguyên thấy họ làm giàu từ cây tiêu mà mê, về quê thấy người dân cũng đổ xô trồng. Thấy họ trồng mình cũng trồng thôi. Nếu tiêu vẫn giữ mức giá gần 200.000 đồng/kg như hiện nay thì chỉ vài mùa thu hoạch, tôi sẽ thu hồi vốn. Chăm sóc tốt tiêu có thể cho năng suất tới 3 - 4 tấn/ha”, ông Long tự tin.
“Nhiều quá bán ai mua?”
Theo ông Nguyễn Ngọc Tề - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định, hiện toàn huyện đã có 500 ha tiêu, tăng hơn 200 ha so với năm 2014. Cây tiêu không chỉ phát triển mạnh trên vùng đất trung du Hoài Ân mà “cơn sốt” trồng tiêu đã lan mạnh xuống huyện đồng bằng Hoài Nhơn. Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn cho biết, toàn huyện có 60 ha tiêu đã cho thu hoạch. Sang năm 2016, theo kế hoạch sẽ phát triển thêm 65 ha tiêu nữa.
Không chỉ vậy, cây tiêu còn lan nhanh đến các huyện Phù Mỹ, Phù Cát. Ông Phan Sỹ Hùng, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Phù Cát cho hay, toàn huyện hiện có trên 30 ha tiêu, tập trung ở các xã: Cát Trinh, Cát Tường, Cát Nhơn, Cát Lâm, Cát Sơn... Xã Cát Trinh có diện tích tiêu nhiều nhất huyện, với hơn 50 hộ trồng tiêu trên diện tích gần 15 ha.
Trong khi người trồng tiêu đang vui mừng bởi tiêu được giá, rồi ồ ạt mở rộng diện tích thì các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương lại lo lắng vì sợ diện tích tiêu tăng mạnh sẽ phá vỡ quy hoạch, dẫn đến bất cập trong cung - cầu; đất đai ngày càng thoái hóa, bạc màu.
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, bà Nguyễn Thị Tố Trân, Giám đốc trung tâm Khuyến nông khuyến ngư Bình Định cho hay, trước đây cây tiêu chủ yếu trồng nhỏ lẻ trong vườn nhà nên khó quy ra diện tích. Sau thời gian nhiều địa phương phát triển mạnh trồng tiêu, hiện nay diện tích tiêu toàn tỉnh có thể lên đến gần 1.000 ha.
“Hồ tiêu là cây trồng đòi hỏi sự đầu tư lớn, đòi hỏi chế độ trồng và chăm sóc kỹ lưỡng. Thời gian từ khi trồng đến khi thu hoạch cũng khá dài, mất khoảng 3 năm. Mỗi năm chi phí chăm sóc cho 1ha tiêu tốn gần 50 - 70 triệu đồng. Giống chủ yếu là do người dân tự cung, tự cấp hoặc mua lại của người quen thông qua kinh nghiệm của bản thân. Chính điều này khiến nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất dễ xảy ra”, bà Trân phân tích.
Bà Trân lo lắng: “Nhiều quá bán ai mua? Diện tích tiêu ở Tây Nguyên cũng tăng cao đã đến mức báo động. Tình hình trồng tiêu ở Bình Định vượt kiểm soát hiện nay dễ dẫn đến sản lượng tiêu cung vượt cầu trong vài năm tới. Trong khi đó mức đầu tư cho cây tiêu rất lớn, liệu 5 năm sau giá tiêu có còn ổn định như hiện nay? Giá tiêu mà sập xuống thì không ít nông dân sẽ lâm cảnh khốn đốn”.
Bà Trân cũng khuyến cáo, nếu giá tiêu ổn định lâu dài thì việc phát triển cây tiêu là tốt, nhưng đằng này người nông dân đầu tư trồng tiêu nhưng giá cả phải phụ thuộc nước ngoài thì rất bất ổn. Bên cạnh đó, nếu mở rộng, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ khó kiểm soát về diện tích, dịch bệnh. Vì vậy, bà con nông dân không nên đổ xô trồng tiêu khi chưa có hướng dẫn, sự đồng ý của cơ quan chức năng. Mặt khác, để bảo đảm lợi ích kinh tế, đối với những diện tích đang canh tác, nông dân nên xây trụ tiêu bằng cây sống, trồng xen canh trong vườn điều để tăng lợi ích trên một diện tích, đồng thời tạo môi trường hài hòa cho cây tiêu phát triển.
Không chỉ làm gia tăng diện tích dẫn đến vượt quá quy hoạch, giá tiêu đang đứng ở mức cao đã xuất hiện tâm lý chạy theo năng suất, dẫn đến việc khai thác tài nguyên (đất, nước...) quá đà, lạm dụng phân bón, khiến sâu bệnh có chiều hướng lan rộng, cây tiêu mất sức đề kháng, mau suy kiệt. Và, việc trồng để chạy theo giá thế này liệu có đi vào “vết xe đổ” của nhiều loại nông sản khác(!?).
DƯƠNG KHA