Phạm nhân Phạm Anh Hoàng bị bắt trước Tết Nguyên đán 4 ngày. Từ đó, với người đàn ông này, những cái Tết đoàn viên trở thành một niềm ước ao xa xỉ, hay chỉ còn tồn tại trong miền ký ức xa xăm. Điều gì đã biến một thiếu niên hay rơi nước mắt trở nên khô cứng và nén chặt nước mắt trong lòng?
Di chuyển hơn chục trại giam
Phạm nhân Phạm Anh Hoàng liên tục bị chuyển trại giam vì vi phạm kỷ luật và phạm thêm tội mới. |
PV ĐS&PL đến trại giam Xuân Phước (bộ Công an) vào một buổi chiều buông phủ cái nắng hanh hao của mảnh đất miền Trung. Bên chiếc bàn đá dưới tán cây, 1 phạm nhân với vóc dáng tầm trung đang ngồi đợi sẵn, nhìn những vết sẹo còn hằn dấu trên gương mặt, chúng tôi cũng phần nào đoán được một quãng “lăn lộn” giữa dòng đời trong lý lịch của người đàn ông này. Đó là phạm nhân Phạm Anh Hoàng (SN 1969, trú tại phường 3, TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), hiện đang chấp hành án tại trại giam Xuân Phước bước sang năm thứ 6.
“Từ lúc “mới biết đi tù” hồi năm 1998 đến giờ, tôi đã được chuyển đi hơn chục trại giam khác nhau, trong Nam, ngoài Bắc đều đủ cả... Đến thời điểm này, đây là trại giam mà tôi “gắn bó” lâu nhất, tính đến nay cũng đã sang năm thứ 6 rồi”, Hoàng bắt đầu kể.
Vốn là một người đất cảng Hải Phòng, nhưng lớn lên và làm việc tại khu vực cảng biển tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, trên gương mặt người đàn ông trung niên ấy vẫn còn những nét gai góc dù chai sạn vì “lăn lộn” với sóng gió biển khơi. Sinh ra trong một gia đình có 8 anh chị em, Hoàng là út nên ít nhiều được mẹ cưng chiều nhất. Tuy nhiên, bố Hoàng lại là người khá nghiêm khắc trong việc dạy bảo con cái.
Hoàng nhớ lại: “Hồi gia đình mới chuyển vào Bà Rịa-Vũng Tàu sinh sống, tôi vẫn còn học phổ thông, thích đi học đánh trống. Do ngày đó vẫn còn một số nơi giữ suy nghĩ phân biệt vùng miền, nên tôi thường xuyên bị bạn bè trêu chọc, bắt nạt... Mỗi lần bị bắt nạt, tôi thường chạy về nhà khóc. Một lần, bố gọi tôi ra rồi nghiêm mặt dạy: “Con trai nhà họ Phạm, dù có chảy máu cũng không được rơi nước mắt...”. Thế là tôi quyết định tìm thầy học võ, để tự bảo vệ bản thân”. Có lẽ vì thế, từ dạo đó, Hoàng không còn khóc nữa, tính tình cũng lầm lì hơn...
Sai lầm khi học võ để... đánh nhau!
Học võ được một thời gian, Hoàng thường xuyên đi đánh nhau, thậm chí, không ít lần ở vai trò “bảo kê”... Năm 1995, Hoàng sang Nhật Bản cùng dự định theo đuổi đam mê với nền ẩm thực xứ “Mặt trời mọc”, nhưng chẳng được bao lâu thì bị trục xuất về nước vì... đánh nhau.
Vốn là người có “máu làm ăn”, năm 1996, Phạm Anh Hoàng bắt đầu mở công ty kinh doanh thủy hải sản, làm giàu từ tiềm năng kinh tế nơi đất Cảng. Thoạt đầu, do có “tiếng côn đồ” nên công ty của Hoàng chỉ vỏn vẹn vài chục nhân viên. Chưa đầy 2 năm sau, công ty của Hoàng lên tới 1.800 người. Tưởng rằng việc làm ăn sẽ cứ thế “phất” lên. Chẳng ngờ, chỉ vì không kiềm chế được bản thân, Hoàng đã tự tay “diệt” đi những điều tốt đẹp nhất của bản thân và gia đình.
“Hồi đó, tôi không biết rằng, ở mỗi khu cảng, có hẳn một “công đoàn” chuyên sắp xếp công việc. Hải sản từ tay người đánh bắt, khai thác cá đến được tay người buôn bán cũng phải qua tầng tầng lớp lớp khác nhau. Tôi quyết định “đi tắt”, ghé xuống tận ghe hỏi mua. Mới đầu, người ta không dám bán, vì sợ “công đoàn”, nhưng sau khi tôi thuyết phục và bảo đảm sự an toàn nên cũng mua được cá. Tuy nhiên, vừa chuyển cá lên khu bãi xe thì phát hiện xe bị xì hết hơi. Rõ ràng là “chơi xấu”! Lúc đó, mất bình tĩnh, tôi hung hăng tìm gặp người “chủ mưu” vụ này, rồi đâm người ta và bỏ đi... Vậy là bị bắt”, nam phạm nhân nhớ lại.
Chỉ còn 4 ngày nữa là đến Tết... Vậy mà, vì sự nóng nảy nhất thời, Hoàng đã bỏ lỡ cái Tết ấm áp bên gia đình, bỏ lỡ thêm rất nhiều bữa cơm sum họp khác trong suốt hơn 20 năm qua.