Tổng thống Mỹ Donald Trump hay người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in được cho là những ứng viên sáng giá cho giải Nobel Hòa bình 2018.
Ông Kim Jong-un và ông Donald Trump được cho là những ứng viên của giải Nobel Hòa bình. Ảnh: Getty |
Vào ngày mai (5/10), danh tính người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2018 sẽ được công bố bởi ủy ban Nobel ở Oslo, Na Uy. Đây là giải thưởng thường niên dành cho cá nhân hoặc nhóm đã có những đóng góp tích cực nhất để thúc đẩy hòa bình thế giới. Hồi năm 2017, giải Nobel Hòa bình đã được trao cho Chiến dịch Quốc tế Xóa bỏ Vũ khí hạt nhân.
Đến năm 2018, có tất cả 331 ứng viên cho giải thưởng này, trong đó có 216 cá nhân và 115 nhóm, theo ủy ban Nobel. Đây là số lượng ứng viên cao thứ 2 từ trước đến nay, sau năm 2016. Quá trình lựa chọn được bảo mật nghiêm ngặt trước khi công bố và các ứng viên cũng không được công khai nhưng có một số cái tên nổi tiếng mà mọi người dự đoán chắc chắn xuất hiện trong đề cử.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in
Hồi năm 2017, Triều Tiên liên tục thử nghiệm tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân, tạo nên mối đe dọa đáng kể cho hòa bình, an ninh tại bán đảo nói riêng, thế giới nói chung. Quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Seoul cũng rơi vào tình trạng căng thẳng nhất tính từ Chiến tranh Triều Tiên 1950 – 1953.
Tuy nhiên, sang năm 2018, tình hình đã dịu lại rất nhiều. Hai miền bán đảo thống nhất sẽ sớm kết thúc Chiến tranh Triều Tiên, Bình Nhưỡng cũng cam kết phi hạt nhân hóa.
Công đầu thuộc về nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
Mặc dù vậy, ủy ban Nobel có thể cảm thấy khó khăn khi đánh giá những đóng góp cho nền hòa bình thế giới của ông Kim Jong-un. Nguyên nhân chủ yếu là vì những kết luận của Liên Hợp Quốc (LHQ) về vấn đề nhân quyền ở Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump
Từ tháng 5/2018, 18 nhà lập pháp từ đảng Cộng hòa đã viết thư cho ủy ban Nobel 5 để đề cử Tổng thống Trump cho Giải Nobel Hòa bình năm 2018. Họ cho rằng ủy ban cần “công nhận đóng góp của ông Trump trong việc thúc đẩy chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên, phi hạt nhân hóa bán đảo và mang lại hòa bình cho khu vực”.
Gần đây nhất một Tổng thống Mỹ nhận giải thưởng này là vào năm 2009 với sự ghi nhận dành cho ông Barack Obama.
Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR)
Cơ quan về người tị nạn của LHQ đang dẫn đầu trong nỗ lực giúp đỡ những người chạy trốn khỏi chiến tranh và khủng bố trên khắp thế giới. Nỗ lực của họ đã được công nhận 2 lần trước đó bởi ủy ban Nobel với Giải thưởng Hòa bình vào năm 1954 và 1981.
Đức Giáo hoàng Francis
Chưa có Đức Giáo hoàng nào từng đoạt giải Nobel Hòa bình, nhưng Đức Giáo hoàng Francis là trường hợp đặc biệt hơn. Ngài đã được nhiều người dự đoán giành giải thưởng này từ năm 2013 với những nỗ lực chuyển giáo hội sang hình thức khiêm tốn và tận tâm hơn.
Tuy nhiên, trong năm 2018, Đức Giáo Hoàng gặp phải nhiều vấn đề khi xử lý các vụ bê bối lạm dụng tình dục ở Ireland, Mỹ và Chile. Điều này đã làm ảnh hưởng tới hình ảnh của Đức Giáo hoàng như một nhà cải cách tự do.
Nhà hoạt động nhân quyền Raif Badawi
Nhà hoạt động nhân quyền người Ả rập Saudi Raif Badawi đã bị bắt vào năm 2012 vì tội "xúc phạm Hồi giáo thông qua các kênh điện tử" và bị kết án 7 năm tù. Hiện ông vẫn đang bị giam giữ. Nếu thắng giải Nobel Hòa bình, đây sẽ không phải là lần đầu tiên một tù nhân chính trị trở thành người đoạt giải thưởng này. Năm 2010, nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc bị giam giữ Liu Xiaobo từng chiến thắng. Ông qua đời vì bệnh ung thư vào năm 2017.
Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU)
Một trong những thành viên sáng lập Liên minh Dân sự Tự do Mỹ, Jane Addams là người phụ nữ Mỹ đầu tiên được trao giải Nobel Hòa bình vào năm 1931. Năm nay, trong một trường hợp vẫn đang diễn ra, ACLU đã tổ chức một vụ kiện tập thể thay mặt hơn 2.000 trẻ em bị chia tách khỏi cha mẹ ở biên giới Mỹ. Đáp lại, một thẩm phán liên bang đã yêu cầu chính phủ để những đứa trẻ được đoàn tụ với gia đình của chúng.
PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo TIME)