(ĐSPL) – Chủ tọa vừa "buôn" điện thoại vừa xử án; bị cáo lăn ra bất tỉnh nhưng vẫn tòa vẫn để nằm giữa công đường... là những tình huống phản cảm đang tồn tại ở pháp đình.
Chủ tọa vừa "buôn" điện thoại vừa xử án
Theo tin tức trên báo Xây dựng, trong phiên tòa xử nguyên nhà báo Phạm Đình Huy cưỡng đoạt tài sản tại TAND huyện Phúc Thọ (Hà Nội), khi Luật sư đang bào chữa thì Chủ tọa - Thẩm phán Đặng Thị Bích Loan lại thản nhiên nghe điện thoại, phớt lờ những trình bày của luật sư và đương sự.
Chủ tọa - Thẩm phán Đặng Thị Bích Loan nghe điện thoại khi đang xét xử. |
Trả lời Infonet về bức ảnh "chủ tọa vừa buôn điện thoại vừa xử" gây xôn xao cư dân mạng, Luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng hãng luật Gia đình (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết: "Hành động nghe điện thoại khi đang xét xử làm ảnh hưởng đến sự nghiêm minh của phiên tòa, coi thường nội quy phiên tòa, coi thường pháp luật mà hành vi nghe điện thoại không tập trung, chú ý trong lúc làm việc.
Đặc biệt nghe điện thoại trong quá trình xét xử sẽ làm cho thẩm phán không nắm bắt hết các ý kiến, quan điểm các đương sự, bị cáo, đại diện viện kiểm sát, của luật sư để đưa vào bản án, lắng nghe để phát hiện tình tiết mới… và chính sự vi phạm này là một trong những nguyên nhân ra bản án oan sai, thiếu sót.
Đồng thời thể hiện việc chủ tọa phiên tòa coi thường, không tiếp thu các quan điểm, ý kiến của các bên liên quan… Điều đó càng cho thấy những dấu hiệu về “án bỏ túi” và việc xét xử nhiều lúc chỉ là thủ tục, hình thức vì bản án đã soạn sẵn. Điều này thể hiện chất lượng xét xử không cao, chỉ là hình thức và đây không được gọi đúng nghĩa là tranh tụng tại tòa”.
Kỳ án trộm dê, bị cáo... nằm giữa công đường
Vụ án trộm dê xét xử trong gần thập kỷ kéo dài từ năm 2005 đến nay. TAND huyện Bắc Bình, Bình Thuận đã 14 lần đưa ra xét xử sơ thẩm và trong lần xử thứ 14 vào ngày 15/1, tòa tuyên phạt bị cáo Nguyệt 24 tháng tù giam. Lý do tòa sơ thẩm bị hoãn nhiều lần, xử đi xử lại 14 lần mới xong là vì xảy ra hàng loạt sai phạm tố tụng trong quá trình điều tra và xét xử.
Chủ tọa Võ Tấn Sinh vẫn tiếp tục xét xử, bất chấp luật sư đề nghị hoãn tòa vì phản cảm, vì vi phạm tố tụng, vì bị cáo không đủ sức khỏe… (Ảnh Một thế giới). |
Trong phiên xử lần thứ 14, bị cáo lăn ra bất tỉnh nhưng tòa vẫn cho khiêng bị cáo đặt nằm giữa công đường để xét xử.
Theo cáo trạng mà báo Tuổi trẻ đưa tin, năm 2004, Trần Thị Kim Nguyệt (43 tuổi, ngụ xã Lương Sơn, huyện Bắc Bình, Bình Thuận) đến thôn Hòn Mốc (xã Sông Bình cùng huyện) tìm mua đất lập trang trại chăn nuôi dê. Sau đó bà Nguyệt ký hợp đồng hợp tác nuôi dê với ông Trần Văn Lý.
Bà Nguyệt thả nuôi 15 con dê và trông coi giúp vợ chồng ông Lý 12 con. Vào năm 2005, khi bà Nguyệt đi vắng thì ông Lý âm thầm làm giấy tờ chuyển nhượng đàn dê, quyền sử dụng khu đất làm chuồng dê cho vợ chồng bà Lê Thị Kim Y và ông Lê Văn Thái (cùng ngụ xã Sông Bình).
Trở về, phát hiện sự việc trên, bà Nguyệt làm đơn gửi chính quyền nhờ can thiệp giải quyết. Sau khi hòa giải không thành, UBND xã chuyển hồ sơ lên TAND huyện.
Cũng trong thời gian này, bà Nguyệt phát hiện bà Y lén lút bắt dê đem bán nên đã gửi tiếp đơn lên công an xã. Trong khi chờ cơ quan chức năng giải quyết, vì lo cho sự an toàn của đàn dê, nên vào đêm 28/5/2005, bà Nguyệt cùng một số thanh niên đến chuồng dê lùa đi 52 con dê lớn nhỏ trị giá trên 117 triệu đồng. Trong đó, 24 con chở đến xã Lương Sơn gửi người quen, số còn lại 28 con đem về huyện Hàm Thuận Bắc cất giấu.
Sáng 29/5/2005, gia đình bà Y phát hiện mất dê đã trình báo công an. Công an vào cuộc điều tra, phát hiện 24 con dê bà Nguyệt dắt trộm đang gửi nuôi tại nhà một người quen.
Đàn dê này được đem trả lại cho bà Y. Trong biên bản bàn giao ghi rõ: “Bên nhận đã nhận đủ 24 con dê, không được trao đổi, mua bán, chờ quyết định của cơ quan điều tra mới có quyền định đoạt”.
Cuối tháng 5/2005, Công an huyện Bắc Bình khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ba tháng đối với bà Nguyệt về tội trộm cắp tài sản. Năm tháng sau, Viện KSND huyện ra quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn, hủy bỏ biện pháp tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bà Nguyệt.
Cuối tháng 11/2005, bà Nguyệt bị bắt giam trở lại, nhưng lại được thả vào đầu năm 2006. Bắt rồi thả, thả rồi bắt liên miên, tổng cộng bà Nguyệt bị giam đúng 210 ngày.
Từ năm 2005 đến 2013, tòa các cấp đã xét xử tới 12 phiên sơ thẩm và phải hoãn xử liên tục với những lý do như: Thiếu luật sư bào chữa, bị cáo, bị hại vắng mặt, trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Trong phiên tòa xét xử phúc thẩm vào ngày 4/4/2014, HĐXX nhận định đàn dê trên là của ông Lý, bà Ỏn và bị cáo Nguyệt có công chăm sóc.
Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo Nguyệt thừa nhận hành vi lùa dê đi là “thành khẩn nhận tội” nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ, tuyên sửa án sơ thẩm (24 tháng tù giam) và giảm án cho bị cáo Nguyệt xuống 15 tháng tù giam.
Bị cáo Nguyệt phải bồi thường cho bà Kim Y 22,7 triệu đồng do bán 28 con dê trong tổng số 52 con dê mà bị cáo Nguyệt lùa đi. Riêng các sai phạm của tòa sơ thẩm, HĐXX cho rằng không ảnh hưởng đến bản chất vụ án.
Sau khi nghe tòa tuyên án, bị cáo Nguyệt gào khóc kêu oan và lực lượng hỗ trợ tư pháp phải khiêng bị cáo Nguyệt lên xe đặc chủng đưa về trại giam.
Những phát ngôn "khó đỡ" của những người cầm cán cân công lý
Liên quan đến văn hóa chốn công đường, trên báo Thanh niên dẫn ra một vụ án, bị cáo nữ bị truy tố về tội “lừa đảo” do sau khi ngã giá, nhận tiền bán dâm xong, bị cáo lợi dụng sơ hở “chuồn”. Không may lần đó gặp phải một khách hàng không vừa, anh này bỏ thời gian tìm bị cáo ở nhiều điểm thường tụ tập gái bán dâm và “tóm” được bị cáo nộp công an.
Trong phần xét hỏi vị hội thẩm nhân dân nói: “Bị cáo là người vô nhân đạo. Đã nhận tiền của người ta thì phải đi bán dâm chứ ai nhận tiền rồi lại chạy. Làm ăn như thế là mất uy tín...”. Hôm ấy không riêng gì người dự phiên tòa, ngay cả các thành viên khác trong HĐXX dường như cũng cố nhịn để không bật cười.
Cũng theo tin tức báo Thanh niên, ông Nguyễn Hồng Sơn (Trưởng phòng Kiểm sát xét xử phúc thẩm, tái thẩm, giám đốc thẩm hình sự - Viện KSND TP.HCM) cũng đưa ra một dẫn chứng mà ông từng chứng kiến.
Đó là một phiên xử dân sự, khi đương sự cứ nói miên man không đi vào trọng tâm, vị chủ tọa đã ví von: “Nói dài như trâu đái”. Có thẩm phán hôm trước nhậu say, hôm sau ra phiên tòa còn nồng nặc mùi rượu, mặt đỏ lừ, gắt gỏng.
Ông Sơn cho biết, cách đây không lâu ông phải làm kiến nghị gửi chánh án TAND một huyện tại TP.HCM, vì trong khi kiểm sát một bản án, ông phát hiện dùng tới hơn 20 từ “y, thị, hắn...”. Theo ông Sơn, cách dùng những từ này hay “con nghiện, con bạc...” thể hiện văn hóa của những người tiến hành tố tụng còn hạn chế và bản án ban hành ra không nghiêm.