+Aa-
    Zalo

    "Kỳ án hiếp dâm vườn điều": Nỗi đau người chết, kẻ tha hương

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Từ ngày bị khởi tố với tội danh hiếp dâm trẻ em vào tháng 10/2005, cuộc sống vốn yên bình của bốn thanh niên đột ngột khép lại, mở màn cho những ngày tháng đen tối và tuy

    (ĐSPL) - Từ ngày bị khởi tố với tội danh hiếp dâm trẻ em vào tháng 10/2005, cuộc sống vốn yên bình của bốn thanh niên đột ngột khép lại, mở màn cho những ngày tháng đen tối và tuyệt vọng.

    Tám năm trời với hàng chục cuộc điều tra, hai lần xét xử tại TAND tỉnh Bình Phước và TAND Tối cao TP.HCM. Cuối cùng, vụ án khép lại với lý do, hết thời hạn điều tra mà vẫn không chứng minh được hành vi tội phạm của bốn nghi can.

    Cần một lời xin lỗi công khai

    Ngày 18/8, trong một chuyến công tác về địa bàn tỉnh Bình Phước, PV báo Đời sống và Pháp luật có dịp gặp gỡ anh Thái Hoàng Trọng (SN 1990, ngụ ấp Tân Lập, xã Tân Thành, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước), một trong bốn nhân vật chính trong "kỳ án hiếp dâm vườn điều" gây sóng gió dư luận năm 2005.

    Bốn nghi can ngày ấy, chỉ còn lại duy nhất anh Trọng vẫn sống và làm việc tại địa phương. Còn ba nghi can khác là Phạm Văn Quàng (SN 1988), Vũ Ngọc Văn (SN 1990) và Nguyễn Hữu Nghĩa (SN 1987, mới chết cách nay mấy tháng).

    Trọng sống trong một ngôi nhà giản dị, nằm sâu trong con đường đất đỏ nhỏ hẹp của ấp Tân Lập. Khi hỏi đến tên gia đình Trọng, người dân địa phương ai ai cũng biết, bởi lẽ anh là nhân vật "nổi danh"  trong xã nhỏ của huyện biên giới Bù Đốp.

    Lời khẩn cầu của chàng trai trong kỳ án hiếp dâm từng xôn xao dư

    Anh Thái Hoàng Trọng đang kể lại những ngày tháng mang danh bị can. ảnh T.T.

    Tất tả về nhà từ xưởng điều gần nhà, Trọng rụt rè chia sẻ: "Gần đây do vết thương ở chân lại tái phát nên em không làm công việc nặng được, đành xin vào chẻ điều cho một xưởng do người quen làm chủ. Nhiều năm qua, em luôn phải quanh quẩn tại địa phương, không dám đi đâu xa, vì phải chờ công an triệu tập điều tra bất cứ lúc nào. Nỗi ám ảnh đó đã in sâu vào trong tiềm thức nên em luôn cảm thấy bất an, lo lắng khi có người gọi về nhà nói chuyện. Nói thật, trong nhóm bốn người bị khởi tố vì tội hiếp dâm bé gái 13 tuổi tại vườn điều, chỉ còn em dám can đảm sống tại địa phương, do cha mẹ và người thân luôn động viên, tin tưởng. Những người khác vì không chịu nổi nỗi nhục khi phải đối diện với ánh mắt dè bỉu, kỳ thị do bị gắn tội tày trời nên đã bỏ đi khác. Đáng thương nhất là anh Quàng, đến lúc chết vẫn chưa được trả lại sự trong sạch một cách công khai".

    Trọng nói, mong muốn duy nhất hiện nay của anh chính là được đính chính, công khai trả lại danh dự cho anh và gia đình được thoát khỏi tiếng oan trong suốt 9 năm. Tuy anh và các bạn được trả tự do, đình chỉ điều tra nhưng không hề có một thông báo cụ thể nào để mọi người biết rõ. Cho nên, đến nay mỗi khi ra ngoài, mọi người vẫn luôn hỏi han, nghi ngờ về vụ án của Trọng. Nhớ lại những ngày tháng mang bản án oan ức, Trọng kể lại: "Ngày bị bắt vào trại tạm giam để điều tra là những ngày kinh hoàng nhất trong suốt cuộc đời em. Khi đó, em mới 15 tuổi".

    Kỳ án trong quá khứ

    Ngồi bên cạnh con trai, ông Thái Trọng D. (bố anh Trọng) cũng từ tốn chia sẻ về tình cảnh sống hiện tại của con trai. Ông Dũng cho biết, bây giờ khi Trọng đã trở về sống tự do bên gia đình, nhưng trong lòng bậc làm cha mẹ vẫn không nguôi những buồn lo về cậu con trai phải đối mặt với cánh cửa nhà tù. Nhớ lại hồ sơ vụ án, ông Dũng nhắc rành rọt từng mốc thời gian biến động tai ương đến với gia đình: "Tôi nhớ như in vào một tối ngày đầu tháng 10/2005, khi gia đình đang chuẩn bị bữa cơm chiều thì có công an xã đến nhà nói có việc yêu cầu Trọng đến xã làm việc. Sau đêm đó, vợ chồng tôi không thấy con về liền lên xã hỏi thăm. Công an trả lời, Trọng bị nghi là đối tượng liên quan đến vụ hiếp dâm một bé gái chưa đầy 13 tuổi. Khi nghe tin ấy, vợ tôi đã đổ bệnh vì không thể tin nổi con mình dám phạm tội tày trời".

    Theo hồ sơ vụ việc, đầu tháng 6/2005, bé N.T.Y.N. (SN 1992, trú tại ấp Tân Bình, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp), xin vào bóc hạt điều tại xưởng điều Cường Phát Tài - nơi có Trọng, Văn, Quàng, Nghĩa đang làm việc. Tới ngày 11/6/2005 (tức mùng 5/5 âm lịch), chủ xưởng điều cho công nhân nghỉ. Sau đó, nhóm của Trọng và một số người bạn khác, trong đó có bé N. đến nhà vợ chồng anh Tuấn (ngụ xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh) chơi. Sau khi mọi người ăn uống no say thì ra về. Vừa ra khỏi nhà anh Tuấn, Trọng nói với các bạn khác về trước, còn nhóm của Trọng, Quàng, Văn, Nghĩa sẽ đưa N. về nhà. Do vậy, nhóm bốn người của Trọng đi chậm lại phía sau và kéo tay N. lại nói cho cả nhóm "yêu". Bị N. phản ứng kịch liệt, nhóm của Trọng đã lôi N. vào vườn điều để hành sự. Rồi nhóm Trọng đe dọa N. nếu nói chuyện ở vườn điều ra với ai thì sẽ bị giết chết...".

    Cho tới ba tháng sau, N. có biểu hiện trầm cảm, ít nói chuyện với mọi người. Mẹ N. gặng hỏi con gái thì hay chuyện N. bị người khác xâm hại. Cho tới ngày 2/10/2005, bố N. làm đơn gửi đến Công an huyện Bù Đốp, tố cáo Trọng, Quàng, Văn cưỡng hiếp con gái mình. Đến ngày 5/10/2005, Công an huyện Bù Đốp ra quyết định khởi tố bắt tạm giam Trọng, Quàng, Văn và Nghĩa. Tuy nhiên, trải qua quá trình điều tra nhiều lần với nhiều chứng cứ không rõ ràng và thiếu thống nhất, các bị can bị bắt tạm giam điều tra rồi lại thả cho tại ngoại. Đầu tháng 8/2011, TAND tỉnh Bình Phước đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Một điều rất bất ngờ trong phiên tòa chính là khi luận tội các bị can, thì cả bốn thanh niên đều kêu oan và cho biết bị công an điều tra, đánh và ép cung.

    Lời khẩn cầu của chàng trai trong kỳ án hiếp dâm từng xôn xao dư

    Quyết định đình chỉ điều tra vụ án do hết hạn thời gian mà không chứng minh được các bị can phạm tội. ảnh T..

    Tuy nhiên, khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm, cả bốn thanh niên vẫn bị kết tội hiếp dâm trẻ em. Các khung hình phạt dành cho bốn bị can gồm: Trọng bị tuyên án 9 năm tù (đã bị tạm giam 6 tháng), Văn 8 năm tù (đã bị tạm giam 10 tháng), Quàng và Nghĩa cùng mức án 12 năm tù (bị tạm giam 26 tháng). Khi nghe phán quyết của tòa, tất cả các bị can đều phản ứng dữ dội vì cho rằng mình bị oan, sau đó tiếp tục làm đơn kháng cáo, đề nghị xét xử phúc thẩm. Đến ngày 17/11/2013, TAND Tối cao tại TP.HCM tiếp tục mở phiên phúc thẩm xét xử lại vụ án.

    Căn cứ vào hồ sơ vụ án trước đó, TAND Tối cao đưa ra những vấn đề sai phạm mà cấp xét xử dưới vướng phải như: Các bị can đều chưa đủ tuổi thành niên mà không có người giám hộ và luật sư bào chữa trong quá trình điều tra vụ việc, những chứng cứ cũng thiếu tính chính xác. Theo đó, các bị cáo khai trong hồ sơ án là đã thực hiện hành vi phạm tội trong vườn điều, còn bị hại lại nói là ở bụi cỏ. Thêm nữa, khi ra tòa sơ thẩm bị hại không nói nhiều, mà chỉ có mẹ bị hại đối thoại thay con gái phần xét hỏi của tòa án và viện kiểm sát. Ngoài ra, khi lập lại hiện trường vụ án chỉ có mình Nghĩa được tham gia, còn ba người còn lại không được công an cho mời dựng lại hiện trường...

    Chính vì không có cơ sở chứng minh bốn thanh niên phạm tội, HĐXX phiên phúc thẩm đã đình chỉ điều tra vụ án, với lý do hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.   

    Thủ tục minh oan vẫn chưa được thực hiện

    Trao đổi với PV, đại diện chính quyền xã Tân Thành - nơi các bị can trong vụ án trên sinh sống cho biết: "Các thanh niên Trọng, Văn, Quàng, Nghĩa đã được thả tự do về lại địa phương sinh sống vào tháng 11/2013. Vụ việc của bốn thanh niên, chính quyền xã cũng nắm được thông tin cụ thể. Thế nhưng, việc thông tin tới cơ quan truyền thông và làm thủ tục minh oan cho người vô tội tới nay vẫn chưa được tòa án, công an tiến hành".

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-an-hiep-dam-vuon-dieu-noi-dau-nguoi-chet-ke-tha-huong-a47394.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan