Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước là mốc son chói lọi trong lịch sử của dân tộc ta.
Đúng 17h ngày 26/4/1975, quân ta nổ súng, mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh. 5 cánh quân gồm 20 sư đoàn từ các hướng tấn công dồn dập tuyến phòng thủ vòng ngoài Sài Gòn.
Rạng sáng 29/4, Quân giải phóng đồng loạt tổng công kích vào trung tâm thành phố, đánh chiếm các cơ quan đầu não của địch.
10h 45 ngày 30/4, xe tăng ta húc đổ cánh cổng Dinh Độc lập, bắt sống toàn bộ Ngụy quyền Sài Gòn. Tổng thống ngụy Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện.
Vào lúc 11h30, lá cờ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Phủ Tổng thống Ngụy.
Trên đà chiến thắng, từ ngày 30/4, đồng bào và chiến sĩ các tỉnh Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long đã đồng loạt tiến công và nổi dậy mạnh mẽ, lần lượt giải phóng các tỉnh còn lại.
Cùng nhìn lại hình ảnh những ngày tháng 4 lịch sử năm 1975:
|
Ngày 9/4/1975, quân ta tiến công vào thị trấn Xuân Lộc, căn cứ phòng thủ trọng yếu của địch bảo vệ Sài Gòn từ phía Đông Bắc. Ngày 21/4, quân địch ở Xuân Lộc tháo chạy, cửa ngõ vào Sài Gòn từ hướng Đông Bắc đã được mở. Ngay từ khi mất Xuân Lộc, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức. Ảnh: TTXVN |
|
Ngày 28/4/1975, các trận địa pháo của ta nã đạn vào sân bay Tân Sơn Nhất. Đúng 11h30 ngày 30/4, lá cờ "Quyết thắng" của quân đội ta đã tung bay trên đỉnh cột cờ Bộ Tư lệnh không quân ngụy. Tuy nhiên, phải tới 14h ngày 30/4, sân bay Tân Sơn Nhất mới thực sự im tiếng súng. Ảnh: Đinh Quang Thành/TTXVN |
|
Nữ chiến sĩ biệt động Nguyễn Trung Kiên (Cao Thị Nhíp) dẫn đường cho các chiến sĩ xe tăng Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 30/4/1975. Ảnh: TTXVN |
|
Lá cờ cách mạng tung bay trên nóc trụ sở Bộ Tổng tham mưu Ngụy quyền Sài Gòn lúc 11h30 ngày 30/4/1975. Ảnh: TTXVN |
|
Xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, trưa 30/4/1975. Ảnh: Trần Mai Hưởng/TTXVN |
|
Sáng 30/4/1975, từ khắp mọi hướng, hàng trăm xe tăng, xe thiết giáp cùng bộ binh đồng loạt thẳng tiến Phủ Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng Sài Gòn. Chiến thắng 30/4 là một trong những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Ảnh: Mai Hưởng/TTXVN |
|
Đại úy Phạm Xuân Thệ (bên phải), Trung đoàn phó Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 (Quân đoàn 2) cùng các chiến sĩ Quân giải phóng dẫn giải Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu của Ngụy quyền Sài Gòn tới Đài Phát thanh để đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Ảnh: TTXVN |
|
Tại Cà Mau, đêm 30/4/1975, quân ta tập trung lực lượng tiến công thị xã, kết hợp lực lượng quần chúng nổi dậy chiếm các vị trí quan trọng. 5h sáng 1/5, các mũi tiến công của ta đã vào nội ô thị xã kết hợp phong trào quần chúng nổi dậy giải phóng thị xã Cà Mau lúc 10h ngày 1/5/1975. Ảnh: TTXVN |
|
Trước sức tiến công mạnh mẽ của quân Giải phóng và nguy cơ thất bại hiển hiện, Mỹ tiến hành chiến dịch di tản người Mỹ và những người Việt có liên hệ bằng trực thăng khỏi Sài Gòn (chiến dịch Gió lốc - Frequent Wind), bắt đầu từ sáng 29/4 và chấm dứt vào sáng sớm ngày 30/4/1975. Trong vòng gần 20 tiếng đồng hồ, đã có trên 7.800 người được di tản khỏi Sài Gòn và cuộc di tản này đã trở thành một thảm họa đen trong lịch sử, một hình ảnh về sự thất bại toàn diện của Mỹ trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Ảnh: Tư liệu TTXVN |
|
Nhân dân Sài Gòn đổ ra đường, nồng nhiệt chào đón Quân giải phóng tiến vào thành phố. Ảnh: Hứa Kiểm/TTXVN |
|
Niềm vui hiện rõ trên gương mặt người dân Sài Gòn trong ngày giải phóng 30/4/1975. Ảnh: TTXVN |
Theo TTXVN
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-thuoc-phim-lich-su-ve-chien-thang-mua-xuan-1975-a273176.html