(ĐS&PL) Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tháng 4.1975, tướng Lê Đức Anh là chỉ huy một trong 5 cánh quân tiến công trên hướng Tây - Tây Nam Sài Gòn, để làm nên trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.
Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh. (Ảnh: Nguyễn Tiến Anh Tuấn)
Được phong vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng
Sau các chiến dịch Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng toàn thắng, đồng thời liên tiếp đánh tan quân đội chế độ Sài Gòn dọc duyên hải miền Trung, chọc thủng các tuyến phòng thủ Phan Rang, Xuân Lộc, các lực lượng quân giải phóng đã sẵn sàng cho trận đánh cuối cùng vào sào huyệt kẻ thù.
Ngày 14.4.1975, Bộ Chính trị đồng ý chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Sài Gòn mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh. Chiến dịch do Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng làm Tư lệnh, ông Phạm Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị làm Chính ủy; các Phó Tư lệnh gồm: Thượng tướng Trần Văn Trà, Trung tướng Lê Trọng Tấn, Trung tướng Đinh Đức Thiện, Trung tướng Lê Đức Anh; Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị là Trung tướng Lê Quang Hòa và quyền Tham mưu trưởng là Thiếu tướng Lê Ngọc Hiền.
Tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử gồm 5 quân đoàn, với trên dưới 15 sư đoàn. Phân phối lực lượng của chiến dịch gồm Quân đoàn 1 tiến công từ hướng Bắc, Quân đoàn 2 đánh từ hướng Đông Nam, Quân đoàn 3 từ hướng Tây Bắc và Quân đoàn 4 từ hướng Đông Bắc.
Riêng hướng Tây - Tây Nam, hướng Đồng bằng Sông Cửu Long, Bộ Chỉ huy miền xác định là hướng khó nhất vì phải băng qua rất nhiều cánh đồng sình lầy, chỉ có quốc lộ 4 là con đường giao thông huyết mạch.
Nhiệm vụ của hướng tấn công này là hình thành thế trận vu hồi, nhanh chóng chia cắt quân địch trên tuyến quốc lộ số 4 để quân địch ở Sài Gòn không thể co cụm xuống cố thủ ở Cần Thơ, cũng như quân địch ở Quân đoàn 4, Quân khu 4 cũng không thể kéo về ứng cứu cho Sài Gòn.
Ở hướng này, các lực lượng chủ lực của Bộ tư lệnh Miền gồm các sư đoàn 3, 5, 9 và các trung đoàn độc lập, các đơn vị đặc công, tăng thiết giáp, pháo binh được tập hợp thành một đơn vị cấp quân đoàn với phiên hiệu Đoàn 232, do Thiếu tướng Nguyễn Minh Châu (Năm Ngà) làm Tư lệnh Đoàn, Đại tá Trần Văn Phác làm Chính ủy.
Toàn bộ cánh quân phía Tây Nam do Trung tướng Lê Đức Anh làm Tư lệnh, Thiếu tướng Lê Văn Tưởng làm Chính ủy.
Trước chiến dịch Hồ Chí Minh, tướng Lê Đức Anh giữ nhiệm vụ Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, và là một trong hai người được phong vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng tháng 4.1974 (cùng với tướng Đồng Sĩ Nguyên – Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn).
Ngày 26.4.1975, chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn. Các đơn vị hướng Tây - Tây Nam bắt đầu nổ súng tiến công. Sư đoàn 5 lập tức tiến hành cắt đoạn đường Bến Lức tới Tân An. Ngày 28.4, Đoàn 232 tiến công vào tuyến phòng thủ trực tiếp thành phố Sài Gòn. Sư đoàn 3 đánh chiếm đầu cầu khu vực An Ninh - Lộc Giang, rồi tổ chức vượt sông Vàm Cỏ.
Sư đoàn 9 vượt sông Vàm Cỏ Đông vào vị trí tập kết tại Mỹ Hạnh, Đức Hòa. Các trung đoàn 24, 88 đánh chiếm các căn cứ mở rộng khu vực đứng chân phía Bắc Cần Giuộc và làm chủ đường số 5.
Ngày 29.4.1975, Đoàn 232 đồng loạt tiến công chặn và tiêu diệt các tập đoàn chủ yếu của địch ở vòng ngoài. Sư đoàn 3 đánh chiếm thị xã Hậu Nghĩa, các chi khu Đức Hòa, Đức Huệ và căn cứ Trà Cú, mở bến vượt sông Vàm Cỏ Đông. Sư đoàn 5 đánh lui nhiều đợt phản kích của địch, giữ vững quốc lộ 4. Sư đoàn 9 vượt qua Mỹ Hạnh, Vĩnh Lộc, tiến vào hướng Bà Quẹo, Bà Hom.
Sáng 30.4.1975, các lực lượng của Đoàn 232 đồng loạt tổng công kích vào nội thành, tiến vào đánh chiếm Biệt khu Thủ đô, Bộ Tư lệnh cảnh sát quốc gia, Tổng nha cảnh sát, cảnh sát đô thành, các quận Tân Bình, Bình Chánh, hợp điểm tại Dinh Độc Lập đúng theo kế hoạch. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30.4.1975, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
Cũng trên mặt trận hướng Tây – Tây Nam, trên đường hành tiến, các đơn vị thuộc Đoàn 232 đã đánh chiếm các tỉnh lỵ Long An, Kiến Tường. Bằng chiến thuật hiệu quả, Đoàn 232 đã thực hiện thành công việc chia cắt hoàn toàn Sài Gòn với các tỉnh miền Tây, khiến toàn bộ Quân đoàn 4 của quân đội Sài Gòn vốn đang còn nguyên vẹn với 3 sư đoàn bộ binh, 1 sư đoàn không quân và rất nhiều lực lượng tăng, thiết giáp, hải quân… không thể nào ứng cứu được Sài Gòn.
Nhờ đó, thủ phủ Miền Tây Cần Thơ và các tỉnh trong vùng Đồng bằng Sông Cửu Long lần lượt đầu hàng, nằm trong tay quân giải phóng trong ngày 1.5, đưa non sông nối liền một dải.
Tư lệnh hút chết trước ngày toàn thắng
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Tư lệnh cánh quân phía Tây – Tây Nam Lê Đức Anh đã may mắn thoát chết trong thời điểm chỉ còn 2 ngày nữa là đến ngày toàn thắng.
Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh trong một lần gặp mặt các tướng lĩnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Tiến Anh Tuấn)
Theo lời Đại tướng kể lại, trong chiến dịch, sở chỉ huy của cánh quân hướng Tây - Tây Nam đóng ở ngay bên bờ sông Vàm Cỏ thuộc huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, ông cùng và các cán bộ phục vụ cũng được cất tạm một căn chòi nhỏ sát mép sông để sinh hoạt, làm việc.
Buổi sáng ngày 28.4.1975, ông sang ăn cơm tại căn nhà họp của địa phương làm nửa chìm nửa nổi, nơi Chính ủy Lê Văn Tưởng đặt cơ quan làm việc.
Đại tướng kể lại: “Vừa ăn xong tự nhiên anh Tưởng bảo tôi: “Anh hãy nán lại, nằm trên võng của tôi mà thở, nghỉ mươi phút rồi hẵng ra đó!”. Tôi nghe anh. Vừa ngả lưng thì ở ngoài chòi của tôi một quả bom từ máy bay địch ném trúng, cái chòi bay mất, cậu lái xe hy sinh, cậu Nguyễn Hồng Thái, chiến sĩ bảo vệ bị thương. Nếu hôm đó ăn xong tôi ra liền thì nhất định “cái chuyện thường” đã xảy ra với tôi... Chiến tranh nó có chừa ai, cái ngẫu nhiên và cái tất nhiên nhiều khi không thể mang “tính quy luật” ra mà giải thích!”.
Đại tướng Lê Đức Anh là một vị tướng cả cuộc đời chinh chiến, có lẽ bom đạn cũng biết “tránh” ông. Ông là một trong số ít người đã trải qua các cuộc chiến tranh và xung đột từ khi nước Việt Nam giành độc lập năm 1945 cho đến năm 1989.
Ông từng tham gia 9 năm kháng chiến chống Pháp, đi chiến trường miền Nam 11 năm (1964 - 1975), chỉ huy chiến trường Campuchia 7 năm (1979 - 1986), rồi tham gia ổn định tình hình biên giới phía Bắc (1986 - 1989).
Theo Dân Việt