Cơn bão số 9 mang tên quốc tế Usagi đang khiến nhiều tuyến đường ở TP. HCM ngập nặng. Nếu bạn buộc phải ra ngoài khi trời mưa bão thì nên thực hiện theo 6 lời khuyên hưu ích dưới đây để đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như phương tiện của mình.
1. Hạn chế đi xe vào vùng nước sâu, lề đường
Nguyên nhân ngập nước vào trong khoang máy và cả bên trong cabin ô tô phần nhiều là do bạn lái xe vào vùng nước ngập quá nửa bánh xe, hoặc bị nước từ xe khác tạt vào. Sự nguy hại của nước bẩn lọt vào khoang máy là nguy cơ hỏng động cơ do nước xâm nhập theo đường cổ hút, dễ xảy ra thủy kích. Ngoài ra, các chi tiết cần bôi trơn như hộp số, trục các-đăng…cũng dễ bị giảm tuổi thọ, tăng trục trặc nếu không được bảo dưỡng kịp thời.
Lái xe ngày mưa bão tiềm ẩn nhiều nguy hiểm - Ảnh: Minh họa |
Để tránh các rủi ro trên, bạn nên cân nhắc việc cho xe lội vào vùng nước ngập sâu, hạn chế đi sát lề đường bởi cấu trúc mặt đường có xu hướng dốc về 2 bên nên nếu di chuyển trong trời mưa, phần lề đường luôn đọng nước nhiều nhất.
2. Chú ý giữ khoảng cách an toàn, hạn chế vượt ẩu
Mưa to kéo dài kèm theo giông sẽ khiến tầm nhìn và tính lực của bạn bị hạn chế, do đó tốt nhất là bạn hãy cố gắng chạy số thấp và giữ đều chân ga. Chú ý giữ khoảng cách với các xe phía trước và không đi sát bên cạnh các xe lớn như xe buýt, xe tải vì các phương tiện này có kích thước lớn dễ tạo ra các sóng nước lớn.
Khi đi vào vùng nước ngập xe có thể bị chết máy bất cứ lúc nào - Ảnh: Minh họa |
3. Không bật đèn chiếu xa (pha) khi chạy trong mưa đêm
Ban đêm, đèn chiếu sáng giúp chúng ta lái xe an toàn hơn, nhưng trong điều kiện mưa to gió lớn thì đèn pha sẽ là thảm họa nếu dùng cẩu thả. Ở điều kiện thường, việc chiếu pha vào xe đối diện gây ra hiện tượng “mù dở” đã là nguy hiểm thì trong trời mưa, các hạt nước sẽ phản xạ ánh sáng và hàng triệu hạt mưa sẽ khiến tầm quan sát gần như bị vô hiệu. Cộng với đường ướt, trơn trượt thì mọi thao tác xử lý sẽ không còn chính xác, tăng nguy cơ tai nạn. Vì vậy, khi di chuyển ở khu vực có xe ngược chiều, bạn hãy lưu ý dùng đèn cốt (chiếu gần) để an toàn cho xe đối diện và cả chính mình.
4. Tránh phanh gấp
Việc đạp phanh gấp sẽ tạo ra quán tính lớn làm nước dễ tràn lên khu vực lưới tản nhiệt và đi vào ống hút gió; ngoài ra thì sau khi đi qua khu vực ngập nước nên dành một chút thời gian để rà phanh để gạt bớt nước cũng như bùn đất, rác bám trên đĩa phanh.
Bên cạnh đó, phanh quá gấp sẽ khiến cho chiếc xe phía sau khó tính toán được khoảng cách an toàn và đâm mình. Đồng thời, để tránh cho xe không bị trượt khi đạp phanh, hãy thực hiện việc phanh khi bánh xe đang ở trạng thái chạy thẳng.
Khi di duyển qua vùng ngập nước tài xế không được mở cửa xe - Ảnh: Minh họa |
5. Không được mở cửa, tắt hệ thống điều hoà
Khi cho xe di chuyển qua vùng ngập nước, tài xế không được mở cửa tránh nước tràn vào xe; nên tắt điều hoà và chuyển xe về số 1, giữ đều ga với mức độ vừa phải cho đến hết vùng ngập nước. Đối với những xe số tự động nên chuyển sang chế độ bán tự động.
6. Tuyệt đối không khởi động lại nếu xe chết máy
Tuyệt đối không tìm cách nổ máy xe thêm vài lần khi xe bị tắt máy, hành động này sẽ làm cho xe hư hỏng nặng, nghiêm trọng hơn là nước lọt vào động cơ gây chết máy.
Nếu bạn khởi động xe sau khi nó bị ngập nước sẽ gây hư hại các bộ phận kết nối giữa piston dẫn đến hiện tượng gãy tay biên, nặng hơn là có thể phải thay cả hệ thống động cơ. Thay vào đó, hãy đẩy xe lên nơi khô ráo và gọi cứu hộ.
Quỳnh Chi (T/h)