+Aa-
    Zalo

    Những phong tục chào năm mới độc đáo trên thế giới

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Năm mới là ngày lễ lớn của toàn thế giới, trong những ngày này đa phần mọi người sẽ cùng nhau vui vẻ tổ chức tiệc tùng, pháo hoa và tặng nhau những lời chúc đẹp nhất.

    Năm mới là ngày lễ lớn của toàn thế giới, trong những ngày này đa phần mọi người sẽ cùng nhau vui vẻ tổ chức tiệc tùng, pháo hoa và tặng nhau những lời chúc đẹp nhất. Tuy nhiên, ở một số quốc gia phong tục cho ngày đầu năm rất đặc biệt.

    Scotland: Lễ hội múa lửa

    Hogmanay là một trong những lễ hội lớn nhất dịp năm mới của vùng đất Stone Haven. Đây là một lễ hội truyền thống kéo dài suốt 100 năm qua của người dân nơi đây. Ngay vào thời khắc nửa đêm, những nghệ sĩ múa lửa sẽ tổ chức một cuộc diễu hành dưới phố. Họ biểu diễn bằng những quả cầu lửa được xoay trên đầu mình và sau đó sẽ ném chúng xuống biển với niềm tin ngọn lửa đó đã rửa sạch linh hồn mình, giúp xua đuổi tà ma, phù hộ cho họ một năm thuận lợi.

    Bên cạnh đó, người Scotland còn có phong tục mời những chàng trai cao ráo, ưa nhìn làm vị khách đầu tiên bước vào nhà mình trong năm mới với mong muốn một năm may mắn, suôn sẻ và hạnh phúc. Họ tin rằng người đầu tiên họ gặp trong năm mới sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến vận may của chủ nhà.

    Myanmar: Lễ hội té nước

    Lễ hội té nước được tổ chức vào tuần thứ hai của tháng Tư hằng năm và kéo dài ba hoặc bốn ngày. Người Myanmar trên khắp mọi miền đất nước tổ chức lễ hội bằng cách tạt nước lên người khác. Nó có ý nghĩa rửa sạch những dơ bẩn đã tích tụ trong suốt một năm qua và đón chào năm mới với sự thanh khiết của thân và tâm.

    Sáng sớm, người dân tập trung tại khu vực trung tâm thành phố Yangon, gần ngôi chùa Sule để chiêm ngưỡng nghi thức múa cổ truyền hòa lẫn tiếng nhạc tưng bừng, điệu ca vui nhộn chào đón năm mới.

    Sau nghi lễ đi chùa cầu bình an là nghi lễ té nước, mọi người cùng đổ ra đường phố, dùng vòi phun, hay xô nước giội lên nhau thay cho lời chúc mừng năm mới. Sau khi bị giội nước lên người họ sẽ đi bộ dưới ánh nắng mặt trời để làm khô quần áo.

    Người Myanmar quan niệm rằng, việc té nước vào người sẽ gột bỏ những u ám của năm trước, để bắt đầu một năm mới với diện mạo sạch sẽ tinh khiết. Trong khi đó, nhiều người lại lựa chọn đón năm mới ở nhà để tận hưởng không khí đầm ấm bên các thành viên trong gia đình.

    Tây Ban Nha: 12 quả nho may mắn

    Vào thời khắc giao thừa, mỗi khi đồng hồ điểm một giây thì người Tây Ban Nha sẽ ăn một quả nho xanh cho đến khi hết 12 quả nho và mỗi quả là đại diện cho một tháng trong năm. Họ cho rằng, nếu ai có thể ăn hết 12 quả trước khi đồng hồ điểm xong thì người đó sẽ có một năm viên mãn, hạnh phúc và may mắn.

    Phong tục này bắt nguồn từ năm 1909, mùa màng bội thu, khi đó những người trồng nho ở vùng Alicate sản xuất ra được một số lượng nho lớn vì vậy nhà vua đã quyết định ban số nho dư cho dân chúng để chúc mừng năm mới. Từ đó trở đi, “12 quả nho may mắn” đã trở thành một phong tục đặc sắc của đất nước Tây Ban Nha.

    Brazil: Cúng tế nữ thần biển

    Người dân vùng biển Brazil có truyền thống mặc đồ màu trắng và ném những cành hoa trắng, nến trắng xuống những con sóng bạc đầu vào đầu năm để cúng tế Nữ thần biển Yemanja, nữ thần tượng trưng cho phụ nữ và trẻ em, với lời cầu nguyện được ban phước lành, sự che chở của nữ thần cho một năm tới. Ngoài ra họ còn có thể đặt những món đồ đặc trưng cho phái nữ như trang sức, mỹ phẩm trong con thuyền gỗ nhỏ. Tương truyền, nếu như ai có những món đồ bị nữ thần trao trả lại vào bờ sẽ có một năm khó khăn, sóng gió và không tìm được niềm vui trong cuộc sống.

    Đan Mạch: Bát đĩa vỡ bay vào nhà hàng xóm

    Khác với phong tục tránh làm vỡ bát đĩa, to tiếng với nhau trong những ngày Tết ở Việt Nam thì người dân Đan Mạch lại đập vỡ bát đĩa vào đêm giao thừa. Họ sẽ ném những chiếc đĩa cũ kỹ, sứt mẻ vào của nhà hàng xóm, bạn bè mình thay cho lời chúc mừng năm mới. Sáng sớm hôm sau, nếu nhà nào có nhiều mảnh vỡ trước cửa nhà thì chứng tỏ nhà đó có rất nhiều bạn bè và gia chủ sẽ nhận được nhiều niềm vui, may mắn trong một năm tới. Mặc dù đây là một trong những tập tục khá thú vị trên thế giới nhưng ngày nay, còn khá ít người thực hiên.

    Colombia: Đốt bù nhìn

    Trước thời khắc giao thừa, trước cửa mỗi nhà ở Colombia và Ecuador đều có một con bù nhìn làm từ nhiều vật liệu khác nhau như báo, gỗ vụn, rơm,... Để đến khi đồng hồ điểm 0h, tất cả các thành viên trong gia đình sẽ tập trung ở ngoài nhà và đốt con bù nhìn đó. Bù nhìn từ trước đến nay được quan niệm cho sự giận dữ, hoặc sự thế thân của ma thuật. Vậy nên hành động đốt bù nhìn trong thời khắc đầu năm ở Colombia và Ecuador có ý nghĩa hủy bỏ vận đen, những sự xấu xa, thế lực tà ác trong năm vừa qua và mang lại may mắn mới cho gia chủ vào năm mới.

    Nhật Bản: Những tiếng chuông đêm

    Mỗi khi nhắc đến Tết ở Nhật Bản, cũng có nghĩa là phải nhắc đến tiếng chuông đêm, một phong tục có từ rất lâu của đất nước. Chuông sẽ được đánh liên tục 108 hồi, từ nửa đêm hôm trước đến thời điểm chuyển giao sang ngày 1/1. Vì sao lại có 108 tiếng chuông? Đây là một câu hỏi của rất nhiều người khi tìm hiểu về văn hóa con người Nhật Bản.

    Có người cho rằng, 108 tiếng chuông tượng trưng cho 108 điều ước nguyện của con người. Cũng có người nói rằng, 108 tiếng chuông xuất phát từ cụm từ Shikuaku (Tứ khổ bát khổ) trong tiếng Nhật nó có nghĩa nói về cuộc sống bộn bề, luôn có những suy nghĩ, lo lắng làm phiền bạn. Con số 108 cũng được hình thành từ đây (4x9+8x9=108) với ý nghĩa là bỏ qua những gánh nặng, lo âu cuộc sống, hãy đón chào năm mới với một tinh thần thoải mái, vui vẻ, bình yên hơn để có một có thể bắt đầu một năm thật thuận lợi.

    Nam Phi: Đồ cũ bay ra ngoài cửa sổ

    Nếu bạn đang chào đón năm mới ở Hillbrow, Johannesburg thì hãy cẩn thận với những “vật thể bay” bên ngoài đường phố. Từ rất lâu, việc ném những đồ nội thất cũ kỹ, hỏng hóc ra khỏi nhà bằng đường cửa sổ là truyền thống chào đón năm mới ở nơi đây. Họ thường ném những chiếc tủ lạnh cũ, ghế sofa,... ra ngoài với ý niệm xua đuổi những thứ xui xẻo, không vui ra khỏi nhà để có một khởi đầu mới may mắn và vui vẻ hơn.

    Chile: Đón Tết ở nghĩa trang

    Thay vì cùng nhau quây quần trong nhà thì người dân Chile lại sum họp toàn bộ gia đình, ông bà tổ tiên ở ngoài nghĩa trang. Họ không cho rằng năm mới là để cầu nguyện sự may mắn mà đây là dịp để cùng nhau nhớ về những người đã khuất. Truyền thống này được bắt nguồn từ việc một gia đình ở Talca đã vào nghĩa trang để mừng năm mới bên mộ người cha đã mất.
    Romania: Vũ điệu gấu

    “Vũ điệu của gấu” là một trong những sự kiện năm mới độc đáo ở Romania. Người dân sẽ cải trang thành những chú gấu có nguồn gốc từ khu rừng Romanian và Gypsies để diễu hành trên khắp các con phố. Truyền thống này bắt nguồn từ thời tiền Cơ Đốc, khi dân làng khoác lên những bộ lông thú và các trang phục sắc màu, di chuyển từ nhà này sang nhà khác để xua đuổi những linh hồn xấu xa, tà ác. Ngày nay họ mặc những bộ trang phục gấu để đại diện cho cái chết của năm cũ và sự hồi sinh một năm mới may mắn, suôn sẻ hơn.

    Estonia: Những con số may mắn

    Các con số 7, 9, 12 được xem là những con số may mắn ở Estonia. Công dân nơi đây tin rằng, nếu họ ăn hết 7, 9, 12 bữa ăn vào lúc giao thừa thì sẽ có sức mạnh, thể lực cường tráng, đồng thời cuộc sống lúc nào cũng vui vẻ, ấm no. Đây được đánh giá là một trong những phong tục đặc biệt nhất trên thế giới.

    Thổ Nhĩ Kỳ: Hạt lựu may mắn

    Ở Thổ Nhĩ Kỳ, quả lựu là tượng trung cho sự giàu có, thịnh vương vậy nên trong ngày đầu năm mới người dân sẽ ném những quả lựu bung hạt ra nhằm mục đích cầu nguyện sự an lành, sức khỏe dồi dào, sung túc cho một năm mới. Nếu như sau khi ném, ở dưới đất có càng nhiều hạt lựu thì người đó càng có nhiều may mắn, hạnh phúc, giàu có trong 12 tháng tới.

    Ecuador: Bí ẩn từ chiếc vali rỗng

    Nếu như bạn đang có mong muốn được đi du lịch suốt cả năm thì Ecuador là điểm dừng chân đón năm mới khá lý tưởng dành cho bạn. Thứ bạn cần chỉ là một chiếc vali rỗng! Ở Ecuador, vào thời khắc giao thừa, mọi người sẽ xách chiếc vali rỗng và chạy vòng quanh khu phố, trên những con đường hoặc đi xung quanh nhà 12 lần thể hiện mong muốn trong năm tới họ sẽ có thật nhiều tiền, sức khỏe và may mắn để đi du lịch vòng quanh thế giới.

    Nguyễn Hương Anh (T/h theo báo nước ngoài)

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật Tháng số Tết

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-phong-tuc-chao-nam-moi-doc-dao-tren-the-gioi-a260640.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan