+Aa-
    Zalo

    10 phong tục Giáng sinh kỳ lạ trên khắp thế giới không phải ai cũng biết

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Giáng sinh là ngày hội lớn của người Thiên Chúa giáo trên khắp thế giới, tuy nhiên phong tục đón Giáng sinh của các nước như thế nào thì không phải ai cũng biết.

    Giáng sinh là ngày hội lớn của người Thiên Chúa giáo trên khắp thế giới tuy nhiên phong tục đón Giáng sinh của các nước như thế nào thì không phải ai cũng biết.

    Khi nhắc tới Giáng sinh chúng ta thường nghĩ ngay tới những biểu tượng quen thuộc như: ông già Noel, cây thông Giáng sinh, cỗ xe tuần lộc, các món quà được đựng trong những chiếc tất,... mọi người sẽ ngồi quây quần trao cho nhau những món quà, những câu chúc mừng Giáng sinh ý nghĩa và hát những bài hát Giáng sinh vui nhộn.

    Tuy nhiên, tại một số nước trên thế giới có những phong tục, tập quán vô cùng kỳ lạ trong mùa Giáng sinh khác xa với truyền thống khiến chúng ta không khỏi kinh ngạc.

    Nhật Bản

    Tại Nhật, ông già Noel được gọi là Santa Kurohsu, có một mắt ở sau gáy để quan sát những đứa trẻ hư và bánh Noel thường được làm bằng bọt biển, kem và dâu tây.

    Người dân ở đất nước mặt trời mọc gửi cho nhau những tấm thiệp màu trắng tượng trưng cho sự trong sạch trong dịp Noel chứ không phải màu đỏ như ở các nước khác. Vì theo họ, màu đỏ chỉ được sử dụng để viết những tờ cáo phó mà thôi.

    Tây Ban Nha

    Khác với các nước trên thế giới, người dân tại Catalonia, Tây Ban Nha không đón Giáng sinh bên cây thông Noel như truyền thống. Họ đón Giáng sinh bằng cách quây quần bên một khúc gỗ được trang trí như các nhân vật trong phim hoạt hình với chiếc mũ xinh xắn và miệng cười tươi.

    Các nhân vật bằng khúc gỗ này sẽ được mọi người chuẩn bị trước lễ Giáng sinh khoảng 2 tuần. Trong suốt khoảng thời gian đó, "nhân vật" này sẽ đuộc chăm sóc đặc biệt với khẩu phẩn ăn đặc biệt từ trái cây, bánh kẹo.

    Vào đêm Giáng sinh, các thành viên trong gia đình sẽ dùng gậy đập mạnh vào khúc gỗ để nó nhả ra những gì đã được cho ăn trước đó và cùng nhau hát bài hát mừng Giáng sinh. Người ta tin rằng làm như thế sẽ trừ được những điều xui xẻo.

    Séc

    Giáng sinh là dịp đặc biệt với những cô gái còn độc thân ở Séc.

    Giáng sinh là dịp đặc biệt với những cô gái còn độc thân ở Czech. Các cô gái tin rằng, việc đứng quay lưng vào cổng nhà và ném giày qua vai sẽ dự đoán được đường tình duyên của mình trong năm tới. Nếu như mũi giày quay vào cửa thì năm tới bạn sẽ tìm được người thương hay thậm chí là đi đến hôn nhân. Nhưng nếu mũi giày quay ra ngoài thì những cô gái này sẽ tiếp tục độc thân ở năm tới.

    Áo

    Vào lễ Giáng sinh, những đứa trẻ ngoan ở khắp nơi trên thế giới sẽ được nhận quà của ông già Noel. Nhưng tại Áo, những đứa trẻ hư sẽ bị trừng phạt bởi ác quỷ Krampus do những người đàn ông trẻ hóa thành.

    Na Uy

    Người Na Uy tin rằng dịp Giáng sinh trùng với thời điểm những linh hồn quỷ dữ và phù thủy đến với thế giới loài người. Do đó, các gia đình thường giấu hết các loại chổi trước khi đi ngủ. Bên cạnh đó, phụ nữ sẽ ẩn mình trong nhà trong khi đàn ông ra đường và bắn súng chỉ thiên để dọa các hồn ma.

    Phần Lan

    Người Phần Lan tin rằng vào đêm Giáng sinh, người chết sẽ lên giường của họ để nghỉ ngơi. Vì vậy, trong ngày này, họ thường chọn cách ngủ trên sàn nhà.

    Người Phần Lan tin rằng vào đêm Giáng sinh, người chết sẽ lên giường của họ để nghỉ ngơi

    Giáng sinh cũng là dịp để người dân nước này đi tảo mộ, tưởng nhớ tới những người đã khuất. Họ thường chuẩn bị các bữa ăn cho người đã mất và cùng nhau thắp nến tại phần mộ tổ tiên ở nghĩa trang trong dịp này.

    Ba Lan

    Là một đất nước theo Thiên chúa giáo nên Giáng sinh ở Ba Lan thường được tổ chức rất long trọng. Người Ba Lan gọi tiệc đêm tiệc Giáng sinh là Wigilia. Sau khi ngôi sao đầu tiên xuất hiện trên bầu trời vào đêm 24/12, các thành viên trong gia đình sẽ ngồi vào bàn và bắt đầu bữa tiệc.

    Bữa tiệc này thường có 12 món, tượng trưng cho 12 tháng trong năm, cũng là tượng trung cho 12 thánh tông đồ của chúa Giê-su. Bữa ăn thường bắt đầu bằng các món khai vị như súp nấm, súp cá, súp trái hạnh đào, súp củ cải đỏ... Sau đó là các món cá được chế biến theo nhiều kiểu khác nhau.


    Bữa tiệc Giáng sinh của người Ba Lan. 

    Theo truyền thống, người Ba Lan thường mời khách đến dự bữa ăn vào đêm Giáng sinh. Số lượng đĩa dọn ra bàn phải luôn là số lẻ 5, 7 hay 9, 11… và số người tham gia phải luôn bằng số đĩa được dọn.

    Quan trọng và ý nghĩa nhất trong đêm Giáng sinh của người Ba Lan đó là phong tục chia “bánh thánh”. Đây cũng là thời điểm tha thứ, bỏ qua cho nhau những hiềm khích, những điều không vừa ý trong quá khứ. Thông thường người chủ nhà sẽ chia bánh cho mọi người có mặt, họ xin lỗi nhau và chúc nhau những lời chúc tốt đẹp. Theo tương truyền, bánh này đã được các linh mục làm phép trước khi được chia cho mọi người. Tên gọi của loại bánh này là Oplatek.

    Ở Ba Lan còn có một phong tục khá độc đáo, đó là dành chỗ trống trong bàn ăn trong đêm tiệc Giáng sinh. Người ta cũng không biết phong tục này có từ bao giờ những nó đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hoá của người Ba Lan. Dành chỗ trống trong bàn ăn cũng là dịp để mọi người nhớ đến những người thân không thể tham dự buổi tiệc, hay là tưởng nhớ đến những người quá cố trong gia đình.

    Latvia

    Đến với Latvia, du khách sẽ được trải nghiệm cảm giác vô cùng thú vị khi được tham gia lễ hội này ngay trên đường phố. Người dân Latvia có một phong tục kỳ lạ là những diễn viên kịch câm sẽ đeo mặt nạ theo thứ hạng được sắp xếp, thường gặp nhất là: mặt nạ gấu, ngựa, dê, dân gipxi, buồn cười hơn nữa là mặt nạ giả thây ma để đi dạo và diễn “kịch câm”.

    Ukraine

    Cây thông Giáng sinh ở Ukraine khiến người ta phần nào đó liên tưởng đến Lễ hội hoá trang Halloween hơn là ngày kỷ niệm chúa Giê-su ra đời. Theo đó, người dân Ukraine trang trí lên cây thông Giáng sinh bằng rất nhiều… mạng nhện.

    Phong tục có phần kỳ lạ này bắt nguồn từ một câu chuyện dân gian ở Ukraine. Chuyện kể rằng ngày xưa có một gia đình nọ rất nghèo, họ trồng một cây thông cho dịp Giáng Sinh nhưng không có đủ tiền để mua đồ trang trí cho nó. Những đứa trẻ trong gia đình này rất buồn và không hi vọng gì cho một mùa Giáng Sinh vui vẻ. Nhưng kì diệu thay, sáng hôm sau khi mọi người thức dậy, cây thông được phủ kín bởi các lớp mạng nhện. Lúc ánh sáng chiếu vào, lớp mạng nhện liền biến thành vàng và bạc. Gia đình họ rất vui mừng và kể từ đó họ không phải sống trong nghèo khổ nữa.

    Xuất phát từ câu chuyện này, người dân Ukraine tin rằng, nếu trang trí mạng nhện lên cây thông Giáng sinh thì gia đình họ sẽ gặp may mắn, làm ăn phát tài, sung túc cả năm. Mọi người cũng tin rằng, người đầu tiên nhìn thấy mạng nhện trên cây thông vào buổi sáng Giáng sinh sẽ là người may mắn. Người này sẽ gặp được nhiều điều tốt lành, hạnh phúc và may mắn trong cả năm sắp tới.

    Ấn Độ

    Ấn Độ chỉ có khoảng 2,3% dân số theo đạo Thiên Chúa nhưng Giáng sinh vẫn là một ngày lễ lớn của đất nước này.

    Cũng giống như phần lớn các nước khác, Giáng sinh là dịp để người dân Ấn Độ gặp nhau, cùng ăn uống, vui chơi và trao cho nhau những lời chúc, những món quà ấm áp. Trong ngày này, đường phố, những trung tâm thương mại, khu mua sắm và các cửa hàng đến nhà cửa… đều được trang trí lộng lẫy và lung linh.

    Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất trong phong cách trang trí Giáng sinh của người Ấn Độ so với những quốc gia khác, đó là “cây Giáng sinh”. Nếu như ở các quốc gia khác, họ sử dụng cây thông để trang trí thì người Ấn Độ lại sử dụng cây chuối để thay thế. Cây thông Noel được trang trí bắt mắt, lung linh như thế nào thì cây chuối cũng được trang trí lộng lẫy như vậy.

    Theo đó, vào dịp Giáng sinh, mỗi gia đình sẽ chọn một cây chuối thật đẹp (đôi khi là cây xoài) để chưng, sau đó họ sẽ trang trí lên đó những dây đèn lung linh, những quả chuông hay những quả cầu lấp lánh. Lá chuối (lá xoài) cũng được trưng dụng làm đồ trang trí nhà cửa thay cho lá nguyệt quế hay những loại lá khác.

    Phong tục này đã có từ lâu đời ở Ấn Độ. Người Ấn Độ tin rằng, “cây chuối Noel” sẽ mang lại may mắn và và bình an cho họ trong năm mới.

    Ngày nay, với sự phát triển và hội nhập không ngừng, Giáng sinh ở Ấn Độ cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi phương Tây, các cây thông Giáng sinh rực rỡ, cao vút cũng đã xuất hiện nhiều hơn. Nhưng “cây chuối Giáng sinh” vẫn là một nét văn hoá vô cùng độc đáo không thể không nhắc đến của đất nước đông dân thứ hai thế giới này.

    Thu Hằng(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/10-phong-tuc-giang-sinh-ky-la-tren-khap-the-gioi-khong-phai-ai-cung-biet-a256310.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan