+Aa-
    Zalo

    Những phận người đổ máu và nước mắt tìm vận may trên núi "đá quý" (kỳ 2): Ám ảnh phu đào đá quý thoát khỏi "lưỡi hái tử thần" trong gang tấc

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nghe theo lời đồn, không ít người dân đổ xô lên núi tìm đá quý nhưng “chốn rừng thiêng nước độc” đã khiến nhiều người phải rơi vào tình trạng nguy hiểm.

    Nghe theo lời đồn, không ít người dân đổ xô lên núi tìm đá quý nhưng “chốn rừng thiêng nước độc” đã khiến nhiều người phải rơi vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng mà bây giờ nghĩ lại, những phu từng xông xáo đào đá tìm vận may ngày nào không khỏi rùng mình...

    Nhiều lần chết hụt

    Từ những giấc mộng đổi đời từ ruby, hồng ngọc, nhóm PV báo ĐS&PL tiếp tục tìm hiểu và lắng nghe câu chuyện của những phu đào đá chính hiệu. Họ kể lại những gì đã xảy ra nhưng xen lẫn trong đó là cả sự rùng mình, bởi nếu như không có người cứu thì chắc chắn giờ này họ không thể nhắc lại những gì đã trải qua với mình xuyên suốt cuộc hành trình đi tìm đá đỏ.

    Trò chuyện với chúng tôi, bà Loan (một người chuyên buôn bán đá quý tại chợ đá quý huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái gần 30 năm nay) chia sẻ: “Những năm 1988, tôi khi ấy 18 tuổi là bắt đầu cùng vài người đi đào đá quý. Gồm 6 người thanh niên, liều mạng đi tìm thử đá quý trên đồi. Ngày ấy, chúng tôi đào được nhiều đá nhưng bán với giá rất rẻ, bán theo lọ chứ cũng không biết định giá từng viên. Đến năm 1990, tôi bắt đầu đi buôn”.

    Người dân không ngại bỏ công sức ra đào đá.

    Chia sẻ đến đây, bà Loan bảo rằng, nếu không phải vì một pha chết hụt thì có lẽ bây giờ bà vẫn đi đào đá chứ không phải trở thành người đi buôn đá quý: “Tôi mà chưa bị vùi trong đất thì có lẽ bây giờ còn chưa đi buôn. Năm ấy, tôi đi đào đá quý, ban đầu là đào thẳng, sau đó có nhiều người đào như chui vào hàm ếch. Bên trên là đất chứ không có gì chống, cứ chui vào hầm lấy tải đất ra. Tôi đang ở dưới mà thấy bên trên đất rung, rơi lả tả. Nhiều người nhanh trí chạy ra ngoài kêu thất thanh “sập hầm bây giờ”, tôi lúc đó cũng vứt tải ra và chạy theo sau. Khi mọi người vọt ra kịp rồi thì còn lại mình tôi chạy không kịp từ nách trở xuống đất vùi hết. Tôi vội vã hét lên “cứu em lên với”. Nhanh chóng, mọi người quay lại lôi tôi lên. Đó là pha chết hụt nhớ đời mà có lẽ cả cuộc đời tôi không bao giờ quên”.

    Theo lời bà Loan, thời điểm bà đi đào đá quý là gia đình cũng đói khổ, nhà có nhiều anh chị em nên nếu không đi đào thì không biết lấy gì để ăn. Đó là lý dò vì sao bà lăn lộn đi tìm đá và gặp phải tai nạn nhớ đời. Không chỉ có bà Loan, ông Thành (là một phu đá chuyên nghiệp hơn vài chục năm) cũng tiết lộ thêm những pha đi đào đá mình từng rơi vào nguy hiểm.

    Không chỉ có bà Loan, ông Thành (là một phu đá chuyên nghiệp hơn vài chục năm) cũng tiết lộ thêm những phađá quýđá quý đi đào đá mình từng rơi vào nguy hiểm. “Những năm 90, người dân quê tôi rộ lên việc đi tìm đá quý, thời bấy giờ chúng tôi dùng những dụng cụ thô sơ như cuốc, xẻng để đào đá. Thậm chí, chỉ dùng tay để bới vì đá quý nó nằm lộ thiên. Dần dần, lượng người tìm đá quý ngày một nhiều, đá ngày càng khan hiếm, nên chúng tôi không chỉ đào bới ở bên ngoài mà đào thành hầm chui vào trong”, ông Thành kể.

    Khi nhắc đến việc chui vào hầm đào đá quý, ông Thành khẽ giật mình, ông nhớ lại: “Cách đây hơn 10 năm, tôi cùng một vài người hàng xóm cùng nhau lên núi đào đá quý vì nghe nói ở bãi đá đó có rất nhiều loại đá quý hiếm. Chúng tôi khăn gói lên đường cả tuần trời đi bộ 2 tiếng đồng hồ mới vào đến nơi. Khu vực để đào khi ấy có những hố sâu, thậm chí cây cối cỏ mọc um tùm. Trong lúc tôi đang đào trong hang thì từ đâu xuất hiện một con rắn cắn vào chân tôi chảy máu, tôi vội gọi mọi người hỗ trợ. Mọi người nhanh trí dùng lá có sẵn trong rừng để hút độc rắn thì tôi mới may mắn ngồi được ở đây. Bởi, lúc đó mà đưa ra cấp cứu thì vài tiếng đồng hồ chắc khó qua khỏi”.

    “Sợ nhưng vẫn không thôi đào”

    Trong suốt cuộc trò chuyện chia sẻ về hành trình đi tìm đá quý, gặp không ít hiểm nguy là vậy. Thế nhưng, nhiều phu đào đá chia sẻ rằng họ vẫn không ngừng thôi đào chỉ vì lý do “không đào không biết làm gì”.

    Liễu Đô là một trong những xã thời gian qua rộ lên tin đồn về viên đá quý hàng tỷ đồng. Bà L., phu chuyên đi đào đá từ những thập kỷ trước tiếp tục kể: “Nếu như thời ngày xưa đào đá quý bằng những dụng cụ thô sơ, thì nay người dân có những cách đi đào đá quý chuyên nghiệp hoá hơn. Nào là máy bơm nước để sàng đá, chứ ngày xưa đào được là cho vào mẹt, vào sàng mang ra bờ suối đãi đá quý”.

    Bà Loan trở thành dân kinh doanh chính hiệu sau pha chết hụt nhớ đời.

    Cũng như bao nhiêu phu đào đá quý khác, bà L. chia sẻ bà cũng từng bị chết hụt trong quá trình đi đào đá: “Nói về pha chết hụt nhớ đời, vào những năm 90 tôi cũng khăn gói nào cơm nắm muối vừng vào rừng sâu tìm vận may mong đổi đời. Lúc ấy tôi còn trẻ, còn khoẻ nên làm gì cũng rất hăng say, thậm chí hăng hái đi tiên phong”.

    “Trong chốn rừng thiêng nước độc ấy, chúng tôi tìm đá như một con thiêu thân. Có lúc thì nhặt được viên có giá trị bán được vài chục triệu, nhưng có lúc đào lại chẳng được gì. Có lần, đang đào dưới hầm vì chúng tôi đào theo vệt, nếu không thấy thì sẽ đào xuống sâu. Một tảng đá to từ trên núi đột nhiên rơi xuống gần đúng nơi tôi đang đào. Người ở trên cao kêu vọng xuống “tránh đi đá lăn”, tôi ngẩng lên thì nhìn thấy tảng đá đang rơi tự do. Tôi vội vàng tìm chỗ trú, rất may viên đá rơi cách chỗ tôi chỉ 5 mét”, bà L. kể.

    Pha chết hụt của bà L. khiến bà sợ không dám đi lên núi đào một thời gian, nhưng sau đó nghe đồn đá đỏ nhiều, lại giá trị cả bạc tỷ, bà lại lên đường: “Mọi người hỏi có sợ chết không, tôi trả lời là có. Ai mà chẳng sợ chết, nhưng không đi đào đá chúng tôi cũng không biết làm gì ra tiền. Thôi thì đành phó mặc cho số phận, biết đâu vận may đến từ những khối đất đá khổng lồ kia thì sao”.

    Người nông dân chân chất, quanh năm bám lấy ruộng nương và cứ thấy nghe ở đâu đó người dân nhặt được viên đá quý có giá trị là lại không nề hà vượt núi băng rừng tìm vận may.

    Người đàn ông tên Tiến (năm nay ngoài 30 tuổi) ở xã An Phú chia sẻ thêm: “Từ ngày nhỏ chúng tôi đã được tiếp xúc với đá quý, đi đào đá rồi nên cũng chẳng chú tâm học hành. Có lần đi đào, tôi và một người nữa cùng nhìn thấy viên đá quý, vội chạy tới để lấy nhưng cả hai đều cùng cầm, cuối cùng xảy ra xô xát, cãi vã. Lúc đó, tôi yếu hơn nên đành phải nhường, còn nếu găng tơ thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Đi đào đá, có muôn hình muôn vẻ, thậm chí phải hy sinh cả mồ hôi, nước mắt. Nhưng, quả đúng như mọi người nói, đào thế này chẳng biết lúc nào mới tìm được ruby quý, chỉ biết rằng, nếu có thời gian rảnh thì chúng tôi vẫn đi đào biết đâu trời thương”.

    Một đồn thành mười, mười đồn thành trăm, cứ như vậy những người mang giấc mộng đổi đời không ngại khổ, ngại hiểm nguy lên núi, vào rừng sâu tìm đá đỏ khiến cho cơn khát đá đỏ có lúc rơi vào đỉnh điểm. Ông Lộc Văn Ngọc, Bí thư Đảng uỷ xã An Phú kể thêm rằng: “Thiên nhiên ưu ái ban tặng không chỉ xã An Phú mà một số xã thuộc huyện Lục Yên có vỉa đá với nhiều viên đá đẹp. Tôi còn nhớ cách đây vài chục năm về trước, mỗi một ngày dân ở khắp mọi miền của Tổ quốc về Lục Yên săn tìm đá đỏ. Có thời điểm lên đến 2.000 người để đào bới đá quý rải suốt các xã, nhưng rồi đào mãi chẳng được họ cũng đành cắp đồ đi về. Không phải cứ lên núi là tìm được đá, và cũng không phải ai cũng có cơ may sở hữu viên đá, mà có may mắn sở hữu đi chăng nữa mà không biết hưởng lộc trời thì cũng kéo theo nhiều hệ luỵ, câu chuyện buồn đáng tiếc...”.

    Thanh Lam- Đỗ Tuấn- Phong Nguyễn

    Bài đăng trên ấn phẩm áo in Đời sống & Pháp luật số 197

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-phan-nguoi-do-mau-va-nuoc-mat-tim-van-may-tren-nui-da-quy-ky-2-am-anh-phu-dao-da-quy-thoat-khoi-luoi-hai-tu-than-trong-gang-tac-a304577.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan