Giấc mộng đổi đời không chỉ là câu chuyện của một người hay một gia đình mà trở thành giấc mơ chung của cả một vùng đất. Sau những ngày nông nhàn, người dân xã An Phú, huyện Lục Yên lại rủ nhau đi tìm vận may bằng việc lên núi đào đá quý. Nhưng, vận may không phải bao giờ cũng đến...
Cả làng đi đào đá quý
Những ngày cuối năm 2019, nhóm PV báo ĐS&PL tìm đến vùng đất ngọc huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái – Nơi nổi tiếng với nhiều loại đá quý được xếp vào bậc quý, có giá trị cao. Khi mà chỉ cách đó vài tháng, người dân nơi đây cũng đã đổ xô lên núi đào đá khi hay tin đồn có người đào được viên đá quý giá trị hàng tỷ đồng.
Từ trung tâm thị trấn Yên Thế, chúng tôi đi men theo con đường xuống cấp có nhiều đoạn ổ gà, ổ voi để vào đến xã An Phú. Đây là xã được nhiều người dân cho hay có nhiều đá quý và hiện nay người dân hàng ngày rảnh rỗi vẫn không tiếc thời gian, công sức đào đá quý.
Người dân đào đá quý ngay tại ruộng lúa. |
Chặng đường di chuyển 20 cây số nhưng phải hơn 1 giờ đồng hồ chúng tôi mới đặt chân đến xã này. Hỏi người dân, ở khu vực này nhà nào chuyên đi đào đá quý, ai nấy đều cười và nói “ở đây nhà nào cũng đi đào hết”. Nói rồi, người dân chỉ ra ruộng lúa trước mặt và bảo “nhiều nhà vẫn đang đào đó”.
Theo quan sát của chúng tôi từ xa, có nhiều người dân đào đất với đủ các dụng cụ từ xẻng, cuốc, xô, máy bơm nước, sàng, máng... để lọc tìm kiếm những viên đá quý ẩn sâu trong lòng đất. Nhìn thấy người lạ, nhiều người dân cảnh giác thậm chí họ tạm dừng công việc dang dở. Chúng tôi vào vai những người chơi đá, buôn đá quý từ dưới miền xuôi lên... Và từ đây những câu chuyện của người dân mà nhiều người thường gọi là phu đá được hé lộ dần dần.
Ông Gi. (thôn Nà Lại, xã An Phú) năm nay đã ngoài 50 tuổi, thân hình cao mảnh khảnh đang hì hục đào xúc đất từ dưới ruộng lên, chúng tôi hỏi “đã đào được viên nào chưa chú?” ông đáp “đào hai tuần nay rồi chưa thấy viên nào”. Theo lời chia sẻ của ông Gi. những năm 1990, không chỉ ở xã An Phú mà ở nhiều xã trên địa bàn huyện Lục Yên khi ấy rộ đi đào đá đỏ. Có người cơm nắm muối vừng hoặc tí cá khô vào trong rừng đào bới.
“Thời ấy, người dân đào bới thủ công, chỉ bằng tay vì có đá lộ thiên. Nhưng rồi đông người tìm kiếm, cứ dùng cuốc, xẻng đào mãi đào mãi... đến khi nào thấy đá quý thì thôi”, ông Gi. nhớ lại những năm về trước đi đào đá.
Tại ruộng lúa, những chiếc hố sâu được phu đào đá đào lên, ông Gi. chia sẻ thêm: “Thời gian gần đây, thu hoạch lúa xong trong thời gian rảnh rỗi, tôi cùng hai người hàng xóm rủ nhau ra ruộng đào đá quý. Chúng tôi đào cũng phải gần 2 tuần nay nhưng chưa được viên nào giá trị”.
Ông Gi. có thâm niên đào đá quý từ khi còn nhỏ. |
Nói rồi, ông Gi. tiếp tục chia sẻ về quy trình “săn lùng” đá quý của mình: “Tôi cùng 2 người hàng xóm lên kế hoạch chia nhau ra đào, mỗi người đào một ô ở đám ruộng nhà mình theo đường cuốn chiếu, mùa này đào chỗ này rồi thì lần sau hết vụ mùa cấy hái, gặt lúa xong lại đào chỗ khác. Để tìm thấy đá quý, chúng tôi đào bùn đất đá lên, sau đó cho vào máng xả nước vào đến khi nào bùn đất trôi đi còn trơ lại đá chúng tôi tiếp tục dùng cây gạt ra để tìm những viên đá sáng, có giá trị.
Về lý thuyết là thế, nhưng có khi đào cả tháng hoặc cả năm chúng tôi cũng chẳng tìm được viên nào, gọi là cố đào nếu gặp may thì được chút tiền chi tiêu”. Tiếp lời, ông Th. đã ngoài 60 tuổi (thôn Nà Lại, xã An Phú) cũng cho biết, đào đá đào đất vất vả, nhưng ở nhà nhàn rỗi không biết làm gì, ông lại cùng với vài người anh em ra đào đá thử vận may.
“Ở làng tôi ai sinh ra cũng biết đến đá quý, thậm chí ít nhất một lần ai cũng từng thử đào đá quý. Ngày xưa, chúng tôi thường vào trong rừng sâu để đào, nhưng giờ thì ở rừng sâu chẳng còn nên mọi nhà tận dụng ruộng lúa nhà mình để đào. Đào từng ô, từng ô rồi đến vụ làm lấp lại để làm ruộng. Chúng tôi thường hay trêu nhau là nghịch đất đá. Ai may còn được vài đồng chi tiêu, ai không may thì cả tháng, cả năm còn không có được một gói thuốc lào để hút”, vừa nói ông Th. vừa lấy vệt áo lau những giọt mồ hôi đang lăn dài trên má.
Mong đổi đời từ ruby, hồng ngọc...
Trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, gương mặt khắc khổ của những phu đào đá quý ở đây đều hiện rõ một ước nguyện là mong nhận được lộc trời để đổi đời. Bà H. (xã An Phú) đang phụ mọi người sàng đất ở trên mặt hố sâu nói vọng lại: “Chúng tôi đào được đến đâu bán đến đấy, có hôm vài người đào được những viên mấy chục triệu rồi chia nhau. Tôi cũng như bất kỳ ai đều mong đổi đời từ những viên đá quý mà thiên nhiên ưu ái ban tặng. Thế nhưng, chắc cũng còn phải chờ lâu nữa”.
Trong khi đó, bà P. (xã An Phú) lại thèm khát giấc mơ đổi đời nhờ ruby, hồng ngọc: “Tôi nghe nói nhiều người giàu lên nhờ đá quý, có những viên cả tỷ đồng nghe thế ai mà không ham, nên cũng như người dân ở đây quanh năm chỉ biết đến ruộng nương, mong muốn thử vận may mắn của mình. Cứ hàng ngày tôi cùng chồng ra đào, đào mệt thì nghỉ rồi lại đào biết đâu lại đổi đời thật”.
Những vật dụng để sàng lọc đá quý. |
Không chỉ có bà H., bà P. mà nhiều phu đào đá khác cho biết họ dành cả thanh xuân của mình để đi tìm đá quý, đào hết bãi này đến ruộng kia. “Chúng tôi đào không biết mệt mỏi, cứ nghe ở đâu có đá quý là chúng tôi lại lên đường đào bới, mong cho bản thân, gia đình có cuộc sống đủ đầy hơn”, ông N. đã đi đào đá hàng chục năm nay chia sẻ.
Cũng chia sẻ với chúng tôi, một phu đá tuổi đời còn khá trẻ nói: “Thanh niên bọn em không học được, nhà thì nghèo, chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Ngày bé, thời gian rảnh rỗi không làm gì thì em lại cùng mọi người rủ nhau lên núi đào đá quý, nhưng nay của khôn người khó nên núi cũng chẳng còn đá, bây giờ em ra đào ở ruộng lúa nhà mình, mong trời thương cho được một viên thì ấm cả năm, cả tháng. Đi đào đá lúc nào em cũng cầu mình gặp được viên đá to. Tuy nhiên, đến nay em vẫn chưa tìm được một viên nào sáng giá cả”.
Nói đoạn, phu đá trẻ này buông xẻng xúc ngồi phịch xuống đất thở dài: “Phải ai có sức khoẻ mới đào được đá, chứ không phải ai muốn đào cũng được. Mà khi đã đào được rồi thì lại phải xem đá của mình định giá bán thế nào, em cũng không biết xem chỉ biết áng chừng bán nên giá cũng chẳng được bao nhiêu. Ai đào đá cũng ôm giấc mộng đổi đời, nhưng đá thì hiếm mà người thì đông... Em cũng chẳng biết số đỏ của mình bao giờ đến”.
Nhiều phu đào đá còn dí dỏm ví việc làm của mình không khác gì “đào đá đỏ Quỳ Châu” vài chục năm về trước. Nhưng, để may mắn sở hữu viên đá đỏ chẳng khác nào “mò kim đáy bể”... Bên cạnh những ước mơ đổi đời, còn có không ít câu chuyện hiểm nguy từ người sở hữu những viên đá quý sáng lấp lánh...
Còn nữa...
Thanh Lam- Đỗ Tuấn- Phong Nguyễn
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 196