+Aa-
    Zalo

    Những phận đời đổ máu và nước mắt tìm vận may trên núi "đá quý" (kỳ 3): Cuộc đời "lên voi xuống chó" của phu đào đá đỏ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Bắt đầu từ những câu chuyện đổi đời từ đá đỏ, nhiều gia đình có của ăn của để nhưng cũng có không ít nhà tán gia bại sản vì đá quý, thậm chí tiền hết và người cũng chết..

    Bắt đầu từ những câu chuyện đổi đời từ đá đỏ, nhiều gia đình có của ăn của để nhưng cũng có không ít nhà tán gia bại sản vì đá quý, thậm chí tiền hết và người cũng chết...

    Những viên đá quý sáng lấp lánh có giá trị kinh tế là cạm bẫy khiến không ít người sa đà vào những tệ nạn đáng tiếc.

    Bán đá quý có tiền xây nhà

    Xuyên suốt chuyến công tác tại vùng đất ngọc, chúng tôi được lắng nghe những chia sẻ của người dân từng có sự thay đổi nhờ đá đỏ. Cùng với đó, nhiều người kể lại các giai thoại, câu chuyện dở khóc dở cười, thậm chí lụi tàn vì đá đỏ.

    Những năm 91 của thế kỷ trước, như bao thanh niên trong thôn bản lúc bấy giờ, ông Phạm Văn Toàn (thôn Xuân Yên, xã Minh Xuân, SN 1970) lên đường tìm kiếm vận may. “Lúc ấy đói ăn nên phải bò, một mình tôi đi đào đá quý trên bãi Lầy (xã Liễu Đô). Đi bộ từ xã Minh Xuân sang xã khác mất 2 tiếng đồng hồ, chứ không có xe đạp đi như bây giờ”, ông Toàn kể lại việc mình đi đào đá quý.

    Theo lời chia sẻ của ông Toàn, trong những lần đi đào đá quý, ông Toàn cũng đào được một viên bán đi được gần 300 triệu đồng. “Đó là vào năm 2011, tôi đào được viên đá quý lộ thiên mang đi bán được 300 triệu, có tiền xây một căn nhà cấp 4. Nếu không đào được đá quý thì không biết đến khi nào mới có tiền để xây tạm cái nhà, vì cả nhà tôi đều làm nông nghiệp, có làm cả đời chật vật chắc mới làm được cái nhà. Nhưng, kể từ bấy đến nay, thi thoảng tôi vẫn đi đào đá quý nhưng chẳng được nữa. Nói chung, chờ vào mỗi việc đi đào đá quý để giàu lên là không có. Hiện nay, vợ chồng tôi vẫn tập trung vào làm ruộng là chủ yếu”, ông Toàn bày tỏ.

    Người đàn ông này cũng chia sẻ, nghe thấy ở đâu có người rộ tin đồn bãi này, bãi kia có đá quý, thậm chí bán được với giá cao là ông cũng như những phu đào đá khác rủ nhau đi tìm kiếm. “Nhiều người cứ bảo đào được viên đá quý cả tỷ đồng, nhưng từ bé đến lớn tôi chưa thấy bao giờ. Tôi chỉ thấy đào được vài chục triệu, trăm triệu thì có”, ông Toàn cho biết thêm.

    Cụ bà Hoàng Thị Lan (70 tuổi) kể lại những năm về trước: “Những năm 90 người dân Lục Yên ùn ùn đi đào đá quý, nhưng đến năm 2003 là thôi không nghĩ đến chuyện đào đá nữa. Bởi, tìm mãi tìm mãi thì đá quý cũng chẳng còn”. Cụ bà Lan cho hay thời điểm đá quý rộ lên đó, cũng có gia đình bán được đá và có tiền làm nhà, dựng nhà. “Gọi là làm nhà nhưng là khá giả hơn các nhà khác đôi chút như sắm thêm công trình phụ, nhà vệ sinh... chứ không phải giàu đột biến lên nhờ đá quý. Rồi sau này, không đi đào đá nữa thì số tiền mà họ từng kiếm được cũng lần lượt ra đi. Nói chung, của thiên thì trả địa”.

    Ông Phạm Văn Toàn, chuyên đi đào đá quý giới thiệu về chiến lợi phẩm mà m?nh từng thu được khi đi đào đá.

    Ngập trong ăn chơi, rượu chè...

    Ông Lộc Văn Ngọc, Bí thư Đảng uỷ xã An Phú một trong những người chứng kiến sự thay đổi của người dân nơi đây kể từ ngày đá quý rộ lên. Ông Ngọc bảo rằng đã có không ít những chuyện buồn của một số các gia đình đào được đá quý có giá trị lên đến cả trăm triệu đồng. Cách đây khoảng 10 năm, tại xã An Phú cả nhà gồm vợ chồng, con cái đi đào đá quý. “Đào đá quý không như đào vàng, đào không được là nhịn đói luôn. Kể cả làm 5 năm không được viên nào là chuyện bình thường.

    “Đầu năm ngoái, có 1 thanh niên trong làng đào được 1 viên đá quý, bán được 400 triệu đồng. Có tiền, thanh niên này đi mua lại một con xe ô tô trị giá 280 triệu, đi được khoảng 2 tháng vì tính máu cờ bạc, rượu chè. Có một đội từ TP.Yên Bái lên đón cả xe cả người đi mất, về sau mới biết thanh niên này đi lên phố chơi bời, bán cả xe và cuối cùng phải đi bộ vòng qua hồ để về nhà. Cả xe cả tiền của cũng ra đi nhanh chóng. Về đến đó, người dân mới hỏi “xe đâu” thì thanh niên này nói “mất rồi”. Vậy là không còn đồng nào”, ông Ngọc kể một trường hợp mua ô tô từ tiền đào đá quý, nhưng rồi cũng không cánh mà bay.

    Với người nông dân, đang khốn khó mà bỗng dưng có được nhiều tiền nhờ lộc trời họ bị choáng ngợp. Thậm chí, nghĩ cách để tiêu hết số tiền rồi sau kiếm tiếp. “Ngày xưa, nếu nhà nào đào được một viên đá quý khoảng 60 triệu đồng là mổ chó ăn liên hoan, đánh chén sạch số tiền này rồi lại đi đào tiếp. Nhưng, bây giờ nhà nào đào được viên đá mà được khoảng 20 triệu đồng cũng rất khó để biết”, ông Ngọc kể.

    Nói thêm về những hệ luỵ mà đá quý mang đến, ông Ngọc kể thêm: “7 năm về trước, tại xã này có ông Hoàng Văn Tiến, người bố đi chăn trâu nhặt được viên đá quý rồi bán đi chia cho ông Tiến khoảng 200 triệu đồng. Nghe tin ông Tiến có tiền, trong vòng 2 tháng trời, các thể loại “bạn thân” từ khắp nơi đổ về để làm thân. Thế là cứ thịt lợn, tim cật, tiết canh, rượu chè triền miên. Đến khi hết số tiền bố chia cho thì ông Tiến cũng chết luôn. Vì uống rượu quá nhiều, vậy là bạn cũng tan, tiền cũng hết mà người cũng mất”.

    Ông Ngọc cũng cho hay, bà con hiện nay đã biết dại ngày xưa, ngày xưa nhiều nhà kiếm được đá, nhưng sau phá hết vì quan điểm ăn tiêu hết rồi lại đi đào. Nhưng, không phải lúc nào trời cũng cho, có khi cả cuộc đời mới gặp được một viên...

    Trong khi đó, ông Thi (xã An Phú) người dân chuyên đi đào đá đỏ cũng cho biết: “Cách đây mấy năm, có nhà đào được nhiều đá quý nhưng kể từ khi có tiền là sinh hư. Nào là rượu chè, cờ bạc, gái gú rồi dính vào tệ nạn xã hội như ma tuý... Nhưng, người đó đã chết rồi, chúng tôi coi đó là bài học trong việc nhặt được lộc trời thì phải biết tính toán, chi tiêu sao cho hợp lý. Chứ không phải, có tiền muốn tiêu gì thì tiêu, phá gì thì phá”.

    Nói đến đây, ông Thi thở dài, nhiều năm về trước, ông còn nghe nói có cặp vợ chồng ở làng bên làm ăn chăm chỉ, nhưng từ khi đi đào được một viên đá quý là chồng đổ đốn không chịu làm ăn, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến tiêu tiền, phá phách. Người vợ nhiều lần khuyên răn nhưng cũng không thành. Cuối cùng, chuyện gì đến cũng đến, hai vợ chồng chia tay đường ai nấy bước. Sau này, người chồng sau khi đã tiêu hết tiền đá quý thì quay sang trở thành người nghiện rượu...

    “Đấy là ở làng tôi, chứ còn ở những xã khác tôi nghĩ là cũng có những câu chuyện tương tự. Rõ ràng khi có một số tiền lớn trong tay thì người dân sẽ bị ngợp và không còn biết chi tiêu ra sao cho phù hợp”, ông Thi nói thêm.

    Thanh Lam - Đỗ Tuấn - Phong Nguyễn

    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp Luật số 198

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-phan-doi-do-mau-va-nuoc-mat-tim-van-may-tren-nui-da-quy-ky-3-cuoc-doi-len-voi-xuong-cho-cua-phu-dao-da-do-a304474.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan