Từ xưa, cha ông ta đã có câu "cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng". Trong ngày này, mỗi gia đình thường làm mâm cỗ để thể hiện tấm lòng thành kính dâng lên tổ tiên.
Thực tế cho thấy, mỗi địa phương, mỗi gia đình lại có cách chuẩn bị món ăn cho mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng khác nhau, và cũng tùy vào điều kiện kinh tế, phong tục tập quán mà cúng chay hay cúng mặn, làm nhiều món hay vừa phải.
Trong mâm cơm cúng ngày Rằm tháng Giêng nhất định phải có những món ăn thể hiện mong muốn vạn sự vuông tròn, may mắn, đại cát đại lợi cho gia đình. Những món ăn phải có trong mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng về cơ bản không khác nhiều so với mâm cỗ Tết Nguyên Đán.
Dưới đây là một số món ăn thường gặp trong mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng tỏ lòng biết ơn với ông bà, tổ tiên.
Xôi gấc
Đĩa xôi gấc trong mâm cúng ông bà tổ tiên ngày rằm đầu tiên của năm mới sẽ giúp cho mâm cỗ được nổi bật hơn. Không những thế màu đỏ của xôi gấc còn mang ý nghĩa của sự may mắn, mọi điều tốt đẹp.
Bánh trôi bánh chay
Bánh trôi bánh chay (chè trôi nước) cũng là món không thể thiếu trong mâm cỗ cúng Rằm. Theo quan niệm của người Việt, việc cúng bánh trôi bánh chay là mong muốn cho mọi việc quanh năm sẽ được trôi chảy, thông suốt.
Hoa quả
Không chỉ riêng ngày Rằm tháng Giêng mà tất cả các ngày lễ trong năm, hoa tươi và một đĩa ngũ quả là thứ không thể thiếu trên bàn thờ cúng tổ tiên. Tùy theo từng vùng miền mâm ngũ quả có sự khác nhau.
Trên mâm ngũ quả của người miền Nam thường gồm mãng cầu Xiêm, dừa, đu đủ, xoài, sung, với ý nghĩa “cầu sung túc vừa đủ xài”.
Còn mâm ngũ quả người miền Bắc hầu hết các loại quả đều có thể bày lên nhưng chuối là luôn là thức quả không thể thiếu. Bởi vì theo quan niệm truyền thống, những quả chuối bày lên mâm ngũ quả cong lên ôm lấy mang ý nghĩa đùm bọc.
Gà luộc
Gà không chỉ là lễ vật dễ kiếm, dễ chế biến, mà hình ảnh gà trống còn chứa đựng nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Gà không chỉ là món ăn quen thuộc trong bữa cơm hàng ngày mà trong các ngày lễ Tết, đây cũng là món ăn không thể thiếu.
Nước chấm đủ vị
Nước chấm đủ vị chua, cay, mặn, ngọt tượng trưng cho sự đa dạng trong cuộc sống. Trong quan niệm của nhiều người, ngoài việc chuẩn bị mâm cỗ cúng rằm chu đáo, các gia đình cũng nên làm lễ cúng vào chính Ngọ, tức 12h. Đây là lúc trời Phật hiển linh nên mọi người sẽ "cầu được ước thấy", theo duy tâm của người Việt.
Ngoài những món kể trên, trong mâm cúng ngày Rằm tháng Giêng có thể thêm những món khác như: canh măng miến, rau xào luộc, nem rán,... Đặc biệt đừng quên trầu cau, hương hoa, đèn nến và rượu bạn nhé.
Bài khấn cúng Rằm tháng Giêng tại nhà theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam:
Nam Mô A di đà Phật!
Nam Mô A di đà Phật!
Nam Mô A di đà Phật!
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành Hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần.
Con kính lạy Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Thúc Bá Đệ Huynh, Cô Di, Tỷ Muội họ nội họ ngoại.
Tín chủ (chúng) con là: ………………………………………..
Ngụ tại:………………………………………. ……………………..
Hôm nay là ngày Rằm tháng Giêng năm… gặp tiết Nguyên tiêu, tín chủ con lòng thành, sửa sang hương đăng, sắm sanh lễ vật, dâng lên trước án.
Chúng con kính mời ngày Bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long Mạch, Tài Thần. Cúi xin các ngài linh thiêng nghe thấu lời mời, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ………………. nghe lời khẩn cầu, kính mời của con cháu, giáng về chứng giám tâm thành, thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ con lại kính mời ông bà tiền chủ, hậu chủ tại về hưởng lễ vật, chứng giám lòng thành phù hộ độ trì cho gia chung chúng con được vạn sự tốt lành. Bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng an bình.
Nam Mô A di đà Phật!
Nam Mô A di đà Phật!
Nam Mô A di đà Phật!
Quỳnh Chi(T/h)