+Aa-
    Zalo

    Những lời sấm truyền, tiên tri vang danh thiên hạ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Cho đến nay, những lời sấm truyền nổi tiếng trên thế giới vẫn còn là điều bí ẩn đối với nhân loại.

    (ĐSPL) - Cho đến nay, những lời sấm truyền nổi tiếng trên thế giới vẫn còn là điều bí ẩn đối với nhân loại. Khả năng báo trước được tương lai hàng trăm năm thậm chí tiên tri sự việc trước cả ngàn năm đã được lịch sử kiểm chứng như một thách đố với khoa học.

    Không chỉ trên thế giới mà ở Việt Nam, cũng đã có những lời sấm lưu truyền trong dân gian, được cho là của những danh nhân như Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, thiền sư Định Không, thiền sư Vạn Hạnh, Hoàng Hoa Thám,...

    (bgiay)Bí mật sấm truyền và sự thật về khả năng tiên tri: Lộ thiê

    Cũng có rất nhiều lời “sấm” đã không diễn ra trên thực tế như “sấm” về sự diệt vong của trái đất.

    Lộ thiên cơ hay sự trùng hợp?

    Câu chuyện về việc đi tìm mộ Hoàng Hoa Thám cho đến giờ vẫn tốn không ít giấy mực của báo chí và các nhà nghiên cứu. Theo sự công bố của Pháp, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Thế bị chặt đầu ngay sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại. Tuy nhiên, trong dân gian lại lưu truyền lại một lời sấm ký của ông: “Ta chết chỉ có trời biết, đất biết, chim quạ biết”. Bản thân con cháu đời sau của cụ Đề Thám cũng đã đưa ra những chứng cứ, câu chuyện liên quan tới cái chết của cụ.

    Đa phần đều cho rằng, cụ Đề Thám đã trốn thoát khỏi sự bao vây của giặc Pháp, lẩn trốn trong dân chúng và sau qua đời vì bạo bệnh. Thực hư thế nào cho đến nay chưa có đáp án chính xác, nhưng cũng đã là một minh chứng cho việc “trời biết, đất biết, chim quạ biết” không phải là không có cơ sở. Chừng nào, chưa chứng minh được nơi chôn cất của cụ Đề Thám thì lời sấm lưu truyền trên vẫn còn là một câu hỏi cho muôn đời sau. Khi chúng tôi tìm về vùng đất Yên Thế (Bắc Giang), lẫn Thái Nguyên, người dân địa phương vẫn còn lưu truyền những giai thoại đi kèm để chứng minh cho sự ra đi bí ẩn của người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Thế.

    Trước Hoàng Hoa Thám, trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được xem là nhà tiên tri số một Việt Nam về khả năng dự đoán tương lai. Ông có những tiên đoán nhiều sự việc sẽ diễn ra hàng trăm năm sau như việc dự báo thành công của Cách mạng tháng Tám: “Đầu thu gà gáy xôn xao/ Trăng xưa sáng tỏ soi vào Thăng Long” nói về việc Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập trước hàng vạn đồng bào ở Quảng trường Ba Đình của Thăng Long - Hà Nội. Hay bài sấm: “Cửu cửu càn khôn dĩ định/ Thanh minh thời tiết hoa tàn/ Trực đáo Dương đầu Mã vĩ/ Hồ Binh bát vạn nhập Tràng An”. Hay “Bao giờ Tiên Lãng xẻ đôi/ Sông Hàn nối lại thì tôi lại về”, lời sấm này đã trở thành hiện thực vào năm 1991, tròn 500 năm ngày sinh của Nguyễn Bỉnh Khiêm, đất Tiên Lãng (Hải Phòng) bị xẻ đôi vì có công trình đào sông làm kênh thủy lợi, cùng lúc có cây cầu được xây dựng nối sông Hàn từ Vĩnh Bảo quê ông sang Thái Bình. Cho đến nay lời sấm truyền đó vẫn là một thách thức cho các nhà khoa học.

    Không chỉ Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhiều danh nhân khác cũng khiến hậu thế phải giật mình vì sự chuẩn xác trong những dự đoán của mình như thiền sư La Quý (852-936) tiên đoán sự ra đời của nhà Lý.

    Tương truyền, trước khi qua đời, ông đã trồng cây gạo ở chùa Minh Châu, làng Diên Uẩn và để lại những bài kệ: “Đại sơn long đầu khỉ/Cù vĩ ẩn châu minh/Thập bát tử định thiền/Miên thọ hiện long hình/Thổ kê thử nguyệt nội/Định kiên nhật xuất thanh” (Dịch là: Đại sơn đầu rồng ngửng/Đuôi cù ẩn châu minh/ Thập bát tử định thành/ Bông gạo hiện long hình/ Thỏ gà trong tháng chuột/Nhất định thấy trời lên). ở câu số 3 là chiết tự của chữ Lý, nghĩa là họ Lý, nên bài thơ được diễn giải như sau: Đầu rồng hiện ở núi lớn/ Đuôi rồng giấu sự thịnh vượng/ Họ Lý nhất định thành/ Khi cây gạo hiện hình rồng/ Chỉ trong mấy tháng thỏ, gà, chuột/ Chắc chắn sẽ thấy mặt trời (vua) anh minh”. Điều này ứng với sự ra đời của nhà Lý vào tháng 11 (tháng chuột) năm Kỷ Dậu (năm gà) 1009.

    Ngoài ra, còn rất nhiều những lời sấm ký về sự ra đời hoặc diệt vong của các triều đại được thể hiện qua sự dự báo trước của các thiền sư Vạn Hạnh, Định Không,... được dự báo trước hàng trăm năm.

    Điều đặc biệt là nếu như sấm ký ở Việt Nam mang tính “ẩn”, phải chiết tự, lý giải thì mới “lộ thiên” thì những lời sấm ký trên thế giới lại nêu trực diện vào vấn đề và thời gian xảy ra. Nhà tiên tri mù nổi tiếng Vanga với hơn 80\% lời sấm đều trở thành sự thực đã trở thành một bí ẩn lớn với nhân loại. Đó là dự đoán sự kiện chìm tàu ngầm nguyên tử Kusk-141 của Nga chìm ở biển Barent ngày 12/8/2000; thảm họa 11/9 ở Mỹ; thảm họa sóng thần và rò rỉ phóng xạ từ các nhà máy điện hạt nhân ngày 11/3/2011 ở Nhật... cho đến việc Vanga dự báo trước được cái chết của mình sẽ diễn ra vào ngày 11/6/1996.

    Trước Vanga, trong suốt 400 năm qua, những lời tiên tri của Michel de Nostradamus (1503-1566) đã khiến các nhà khoa học phải đau đầu tìm hiểu nguyên nhân. Trong số hơn 1.000 lời tiên đoán của ông, có đến quá nửa đã trở thành sự thật như những biến đổi thời tiết thất thường, sự sắp xếp thẳng hàng bất thường của các hành tinh, diễn biến chiến tranh Trung Đông, các cực tan chảy,...

    Còn nhiều gợi mở...

    Lịch sử cũng đã chứng minh, không cứ phải lời sấm của những nhà tiên tri nổi tiếng nào cũng đúng. Nhà tiên tri mù Vanga (Bungari) đoán trước được 80\% các sự kiện, nhưng 20\% các sự kiện khác đã không xảy ra, tương tự với trường hợp của Nostradamus. Ở Việt Nam, những lời “sấm sai” thường không được lưu truyền lại. Việc “truyền sấm” dường như khá chọn lọc. Điều này dấy lên những nghi vấn về thời điểm ra đời của những lời sấm truyền cũng như mục đích truyền sấm trong dân gian.

    Video tham khảo:

    Thực hư lời tiên tri về đại dịch Ebola đe doạ thế giới của Vanga

    Theo GS.TS Trần Trí Dõi, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu phát triển các dân tộc thiểu số, miền núi và lưu vực sông Hồng, đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thì sấm ký ở Việt Nam có hai vấn đề lớn. Vấn đề thứ nhất, đa phần các lời sấm ký đều phải được xác định qua một đối tượng trung gian là người giải mã. Như trường hợp của Nguyễn Bỉnh Khiêm, ông không bao giờ nói thẳng về việc diễn ra các hiện tượng, sự việc chỉ được bóc tách, làm rõ sau khi chiết tự các con chữ trong sáng tác của ông. Việc bóc tách này, phần nào cũng mang theo thiên kiến của người chiết tự. Vì vậy, không thể nói hoàn toàn là của ông, xuất xứ của những lời sấm đó vẫn còn khá nhiều nghi vấn.

    Vấn đề thứ hai, sấm ký có thể hiểu như một cách giải thích văn hóa dân gian dựa vào những nhân vật nổi tiếng. Nhiều lời sấm ký không xác định chính xác tác giả, thường được gán cho những người có uy tín trong xã hội, tuy nhiên lại không xác định được nằm trong văn bản nào, ở đâu. Ở trong hoàn cảnh này, sấm truyền chỉ mang giá trị dân gian. Đấy chính là cách nhìn nhận của cộng đồng đối với một hiện tượng và với một nhân vật được đề cao. Nhiều khi, sự việc diễn ra rồi, người ta mới quay trở lại để lục tìm di cảo của danh nhân, tìm những câu phù hợp với mục đích “đúng” của mình rồi “gán” cho đó là sấm truyền.

    Tuy nhiên, việc nghiên cứu sấm ký cho đến nay vẫn còn nhiều gợi mở với các nhà khoa học. Chừng nào khoa học chưa có câu trả lời sau cùng, chừng ấy sấm ký vẫn còn sự huyền bí, đầy thách thức cần giải mã dưới góc độ khoa học và căn cứ lập luận thực tế.

    Đỗ Huệ

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-loi-sam-truyen-tien-tri-vang-danh-thien-ha-a72617.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan

    "Tia chớp" F-35 sợ…sét đánh

    Siêu tiêm kích tàng hình "Tia chớp" F-35A của Mỹ đã có được khả năng bay đêm và trong điều kiện thời tiết xấu, tuy nhiên hiện vẫn còn sợ…bão và sấm sét.