+Aa-
    Zalo

    Thực hư lời sấm và lý giải khoa học về dòng họ 10 đời tiến sỹ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Trong lịch sử khoa bảng Việt Nam, họ Ngô lệnh tộc ở làng Vọng Nguyệt được mệnh danh là dòng họ “ngũ đại liên trúng” (5 đời liên tiếp đỗ đại khoa).

    Trong lịch sử khoa bảng Việt Nam, họ Ngô lệnh tộc (đây là một trong tứ lệnh tộc ở Bắc Ninh được vua ban chữ vàng khen thưởng vì thành tích học tập) ở làng Vọng Nguyệt (xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) được mệnh danh là dòng họ “ngũ đại liên trúng” (5 đời liên tiếp đỗ đại khoa).

    Ấy thế nhưng, nhiều người không biết rằng, dòng họ này không chỉ 5 đời liên tiếp có người đỗ đại khoa mà lên tới 10 đời. Trong số đó, 5 đời phát tiến sĩ ở chi trưởng và 5 đời phát tiến sĩ ở chi thứ.

    Thực hư lời sấm bí ẩn và lý giải khoa học về dòng họ 10 đời tiến
    Nhà thờ họ Ngô lệnh tộc trong truyền thuyết vẫn còn đến ngày nay

    Từ lời sấm truyền của thầy phong thủy đến câu chuyện phát 10 đời tiến sĩ của một dòng họ

    Bên cạnh những kiến giải khoa học cho sự hiển đạt của họ Ngô lệnh tộc làng Vọng Nguyệt , truyền thuyết của làng còn chép lại câu chuyện về “lời sấm” của một người Tàu bí ẩn.

    Thực hư lời sấm bí ẩn của thầy Tàu

    Làng Vọng Nguyệt vốn là một vùng đất văn vật của xứ Kinh Bắc xưa. Tương truyền, thời đó người Tàu sang nước Nam ta làm ăn, buôn bán rất nhiều, trong đó có cả những thầy địa lý. Họ thường được người Việt thuê đi khắp các nơi tìm những mảnh đất có phong thủy tốt để đặt mộ cầu danh lợi. Gia phả họ Ngô lệnh tộc hiện còn nhắc đến câu chuyện về một thầy địa lý Tàu bí ẩn, từ phương xa đến ở tạm trong làng. Người này sau nhiều ngày xem xét, tìm hiểu bèn đi khắp làng rao lên một “lời sấm” rằng: “Sừng trâu, bầu giác, vườn quýt, ao Lác. Ai có tiền, có bạc thì lão bán cho”. Người này cứ đi khắp làng rao những lời khó hiểu, hết mấy ngày mà chẳng có ai để ý, hỏi han.

    Duy chỉ có cụ tổ họ Ngô làng Vọng Nguyệt thấy sự việc trên thì lấy làm hiếu kỳ và mời vị khách người Tàu vào nhà làm cơm, ân cần khoản đãi. Sau bữa cơm, cụ lựa lời hỏi thăm thâm ý bên trong lời rao đó của người khách thì ông này cười nói: “Tôi thấy ông có phúc phận, được hưởng lộc trời nên cứ quanh quẩn nơi đây. Nay ông đã có lòng hỏi đến thì tôi cũng không giấu. Ở đây có một khu đất tốt, nếu dùng nó làm nhà thờ họ thì sau này con cháu nhất định khởi đạt, vinh hiển nhiều đời. Mảnh đất này nếu không gặp được người hữu phước thì cũng chỉ như mảnh đất thường mà thôi”. Nói xong, thầy địa lý Tàu liền giải thích cho cụ tổ họ Ngô biết về nội dung câu sấm truyền và bày cho cách đặt hướng nhà thờ họ.

    Địa điểm đặt nhà thờ ứng với hai câu sấm là “vườn quýt, ao Lác”. Đây là một thế đất đẹp, vốn là một vườn quýt bỏ hoang, đằng trước là một cái ao mà người trong làng gọi là ao Lác hay ao Gáo. Trước đây ở góc ao này luôn luôn có một cây gáo rất lớn (một giống cây thuộc họ cà phê). Người dân thấy cây gáo cổ thụ liền chặt đi lấy gỗ, nhưng điều kỳ lạ là cây gáo này không bị chết mà tiếp tục mọc lên một cây gáo khác. Mỗi đời có một cây gáo to như vậy. Trong dân gian lưu truyền câu nói “mèo già hóa cáo, gáo già hóa lim” và cho đây là một điềm lạ thường.

    Dưới ao Lác lại có một cái giếng tròn, rất sâu, bùn ở ao không bao giờ lấp đầy được. Từ “vườn quýt” trông về phía Tây Bắc có nổi một cái gò lớn, tạo thành thế Huyền Vũ trong phong thủy. Thế đất của “vườn quýt” dựa vào gò đó mà trông xuống “ao Lác” - một khuôn viên tuy không rộng nhưng quang đãng, ưa nhìn. Hình thế đất mở rộng ở phía sau, hẹp ở phía trước tạo thành thế “mở hậu bó tiền” dốc dần về phía ao. Phía đông bắc của “vườn quýt” có một ngõ cụt chấm vào đất nhà thờ, hình dạng giống như một cái bút nghiên, đặt lên một cái tráp đựng sách. Đi đôi với ngõ đó là một rãnh nước chảy dài đổ xuống ao tạo thành thế Thanh Long của phong thủy.

    Bên tay phải “vườn quýt” là một ngõ dài khác chạy xuống, song song với rãnh nước kia mà tạo thành thế Bạch Hổ. Cứ như vậy, xung quanh “vườn quýt” có nhiều ngõ khác chạy đâm thẳng xuống ao Lác. Nếu trông từ dưới lên thì rất giống một bàn tay 5 ngón xòe rộng. Tất cả những đặc điểm đó, phong thủy gọi là thế long chầu, hổ phục, lại có giếng trời giữa ao như gương từ mẫu cho đời sau soi vào. Thế đất như vậy quả thật rất hiếm, không dễ gì thấy được ở vùng này. Nếu dùng mảnh đất này mà lập nhà thờ, con cháu sau này tất sẽ hiển vinh.

    Dòng họ 10 đời đỗ đại khoa

    Trò chuyện với chúng tôi, ông Ngô Văn Hảo - trưởng họ Ngô lệnh tộc làng Vọng Nguyệt cho biết: “Cụ thủy tổ họ Ngô lệnh tộc là cụ Ngô Nguyên, di cư về làng Vọng Nguyệt sau vụ án Lệ Chi Viên nổi tiếng trong lịch sử phong kiến năm 1442. Hiện chưa có nguồn sử liệu chính thức về thân thế cụ thủy tổ họ Ngô lệnh tộc mà các sự kiện chỉ được chép lại trong gia phả dòng họ mà thôi. Tương truyền rằng, cụ Ngô Nguyên có quan hệ họ hàng với bà Ngô Thị Ngọc Dao (mẹ của vua Lê Thánh Tông).

    Khi vụ án Lệ Chi Viên xảy ra, bà Ngô Thị Ngọc Dao bị phát khứ đi xa, gia đình Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc, cụ Ngô Nguyên đành phải lánh nạn về làng Vọng Nguyệt và được vị quan cả tên Chu Đình Cần che dấu, giúp đỡ, sau lại gả con gái là Chu Thị Bột cho làm vợ. Sau khi vua Lê Thánh Tông lên ngôi, vụ án Lệ Chi Viên được làm sáng tỏ thì cụ Ngô Nguyên trở về kinh, để lại hai người con trai cho vợ nuôi. Gia phả chỉ chép có vậy, còn sự việc về sau thế nào thì không rõ. Sau khi mẹ mất, hai người con trai mỗi người một chí. Cụ Ngô Ngọc (1451-1519) ở lại quê học hành còn cụ Ngô Định thì di cư vào Lí Trai, Nghệ An (nay là xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) sinh sống và lập nghiệp ở đó”.

    Ông Ngô Văn Hảo cũng xác nhận trong gia phả dòng họ và lời truyền dân gian trong vùng có nhắc tới lời sấm của thầy phong thủy. Tuy nhiên, ông cho biết: “Đó chỉ là những huyền tích không thể kiểm tra. Nhà thờ họ theo truyền thuyết tuy vẫn còn nhưng khung cảnh thì đã thay đổi. Tôi không biết có mối liên hệ nào giữa sự hiển đạt của họ Ngô chúng tôi với lời sấm đó không. Nhưng quả thật dòng trưởng chúng tôi phát liên tiếp 5 đời tiến sĩ. Dòng thứ cũng kế vào đó phát tiếp 5 đời tiến sĩ nữa. Tổng cộng là 10 đời”.

    Theo đó, cụ Ngô Ngọc là người đỗ khai khoa cho dòng họ Ngô lệnh tộc. Khoa thi Đinh Mùi niên hiệu Hồng Đức 18 (1487) đời Lê Thánh Tông, cụ Ngô Ngọc đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), làm quan tới chức Lễ khoa đô cấp sự trung. Con trai thứ 2 của cụ Ngô Ngọc là cụ Ngô Nhân Hải (không rõ năm sinh, năm mất) đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa thi Mậu Thìn (1508) đời vua Lê Uy Mục, làm quan tới chức Án sát ngự sử (ông này sau bị kết án làm phản nên đời con không được đi thi).

    Cháu nội cụ Ngô Nhân Hải là Ngô Nhân Trừng (1539-1593) đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa thi Canh Thìn (1580) đời vua Mạc Mậu Hợp, làm quan tới chức Tự khanh. Con trai trưởng của Ngô Nhân Trừng là Ngô Nhân Triệt (không rõ năm sinh, năm mất) đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa thi Đinh Mùi (1607) đời vua Lê Kính Tông, làm quan tới chức Tự khanh. Con trai thứ hai của cụ Ngô Nhân Triệt là Ngô Nhân Tuấn (1595-?) đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa thi Canh Thìn (1640) đời vua Lê Thần Tông, làm quan tới chức thượng thư bộ Hộ, sau về trí sĩ.

    Phong thủy không phải là yếu tố quan trọng nhất

    Chuyên gia phong thủy Nguyễn Cung Hà - Phó chủ nhiệm Bộ môn Cận Tâm lý - Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người cho biết: “Từ xưa tới nay, khoa học phong thủy nghiên cứu mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên và tôi tin rằng chúng có sự ảnh hưởng lẫn nhau. Tuy nhiên, nếu cho rằng sự hiển đạt của một dòng họ là nhờ vào một thế đất tốt thì điều này rất khó xảy ra. Phong thủy chỉ là một yếu tố trong rất nhiều yếu tố hợp thành một sự kiện mà thôi. Quan trọng nhất vẫn nằm ở yếu tố con người và cái đức của dòng họ đó mà thôi”.


    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thuc-hu-loi-sam-va-ly-giai-khoa-hoc-ve-dong-ho-10-doi-tien-sy-a41155.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan