Nhịp sống hiện đại ngày nay cùng với thói quen hút thuốc, môi trường ô nhiễm, khói bụi độc hại... đang khiến phổi phải làm việc quá sức, dẫn đến nhiều bệnh tật, quái ác nhất là bệnh ung thư phổi khiến nhiều người lo ngại.
Trên thực tế, bệnh ung thư nếu được phát hiện sớm thì cơ hội kéo dài cuộc sống sau 5 năm và điều trị được dứt điểm. Tuy nhiên, bệnh ung thư phổi thường diễn tiến thầm lặng và không có triệu chứng rõ rệt nên hầu hết khi phát hiện ra thì bệnh đã bước vào giai đoạn muộn (giai đoạn III, IV), di căn.
Ông Bá Ngọc Đ. 65 tuổi ở Khoái Châu, Hưng Yên đến bệnh viện khám vì thường xuyên đau tức ngực, ho húng hắng kéo dài, người gày, sụt cân.
Thăm khám và chụp phim CT các bác sĩ khoa ngoại lồng ngực bệnh viện K Trung ương phát hiện ông Đ. có u phổi phải với kích thước 18x24mm. Qua sinh thiết u qua nội soi phế quản, các bác sỹ chẩn đoán ông Đ. bị ung thư phổi biểu mô tế bào vảy giai đoạn IV, kèm theo có giãn phế nang 2 phổi. Đây là một loại của ung thư phổi không tế bào nhỏ, thường gặp ở người hút thuốc.
Sau khi tiến hành hội chẩn với lãnh đạo bệnh viện cùng các chuyên khoa, bệnh nhân được chỉ định điều trị bằng hóa - xạ trị kết hợp.
Theo ThS.BS Vũ Hải Linh, khoa khám bệnh tự nguyện bệnh viện K Trung ương, ung thư phổi được xếp hàng thứ nhất trong tổng số 10 loại ung thư thường gặp ở cả hai giới. Các yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư phổi gồm có: Hút thuốc lá, đặc biệt là nhóm hút thuốc thuốc thụ động; Môi trường sống nhiều khói bụi ô nhiễm kéo dài; Môi trường làm việc đặc thù tiếp xúc với hóa chất như amiang, xăng dầu, khí thải động cơ,..hay khí hầm lò.
Ung thư phổi biểu mô tế bào vảy là căn bệnh nguy hiểm và việc điều trị bệnh thành công ở giai cuối rất thấp. Tuy là loại ung thư thường gặp nhưng triệu chứng sớm không đặc hiệu nên hay bị bỏ qua những giai đoạn đầu. Chính vì thế, theo bác sỹ Linh, dấu hiệu nhận biết bệnh được xem là kim chỉ nam để chữa lành bệnh nan y này.
Bác sỹ Linh chia sẻ, đầu tiên cần chú ý đến dấu hiệu hô hấp như thở khò khè, ho dai dẳng kéo dài, ho ra máu hoặc chất nhầy, không đám ứng nhiều với điều trị kháng sinh thông thường nên gây ra tình trạng viêm nhiễm lâu ngày.
Thứ hai, dấu hiệu toàn thân: đau mỏi người, có thể đau khu trú ở xương quanh lồng ngực (xương đòn, xương sườn,…), sốt hoặc nổi hạch bất thường ở vùng cổ - thượng đòn, giảm cân không rõ nguyên nhân.
Trước thực trạng báo động này, bác sỹ Linh khuyến cáo: “Để bệnh ung thư không phải nỗi ám ảnh thì mọi người nên có một đời sống lành mạnh, cải tạo hoặc thay đổi môi trường sống thân thiện hơn như tập thể dục thường xuyên, môi trường không khói thuốc và bụi công nghiệp, chế độ ăn uống lành mạnh.”
Cũng theo ThS.BS Linh, người Việt Nam nên có thói quen thường xuyên khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để phát triển những thay đổi có nguy cơ cao. Và khi đã mắc bệnh, bệnh nhân hãy tin tưởng phối hợp điều trị cùng bác sĩ, lạc quan, chiến đấu dũng cảm với căn bệnh quái ác thì sẽ có khả năng kéo dài thời gian sống.