+Aa-
    Zalo

    Phương thuốc không mất tiền giúp bà mẹ trẻ 7 năm "sống khỏe" với căn bệnh ung thư

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Suốt 7 năm chống chọi với bệnh ung thư máu, Huyền luôn tâm niệm ung thư không phải là dấu chấm hết, chỉ cần có niềm tin, tinh thần lạc quan thì sẽ vượt qua được bệnh tật.

    Suốt 7 năm chống chọi với căn bệnh ung thư máu quái ác, cô gái trẻ Nguyễn Thị Huyền luôn tâm niệm ung thư không phải là dấu chấm hết, chỉ cần có niềm tin, tinh thần lạc quan và luôn “cháy” hết mình với cuộc đời thì sẽ vượt qua được mọi bệnh tật.

    Vào một buổi sáng tháng 9 heo may, chúng tôi đến thăm gia đình cô gái trẻ đầy nghị lực Nguyễn Thị Huyền (Hà Nội). Huyền nhanh nhẹn ra đón chúng tôi với dáng vẻ nhỏ bé, gầy gò cùng nụ cười tươi thân thiện. Trong căn phòng nhỏ, Huyền ngậm ngùi chia sẻ câu chuyện đầy đau đớn và gian nan của mình trên con đường chống chọi với căn bệnh ung thư máu mà cô không thể nào quên.

    Năm 2011, Huyền có một cuộc sống gia đình yên ấm, kinh tế ổn định, mọi thứ dường như đã viên mãn. Đặc biệt, hai vợ chồng Huyền còn đang hạnh phúc chuẩn bị đón đứa con đầu lòng chào đời. Nhưng niềm vui ấy chẳng được bao lâu thì trong một lần đi làm thủ tục xét nghiệm máu trước kì thai sản tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội), Huyền nhận thông tin “sét đánh” - cô có vấn đề về máu.

    Nguyễn Thị Huyền đã chống chọi với bệnh ung thư máu suốt 7 năm.

    Nhớ về quãng thời gian đó, Huyền kể, sợ nhầm kết quả, các bác sỹ khuyên cô nên sang Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương làm xét nghiệm lại. Tại đây, Huyền lặng người khi các bác sỹ chẩn đoán cô mắc bệnh ung thư máu - căn bệnh có tỷ lệ “giết người” hàng đầu thế giới hiện nay. Căn bệnh đến đột ngột khiến mọi ước mơ, kế hoạch cùng con đường tương lai rộng mở của Huyền bị chuyển hướng.

    Cầm trong tay kết quả chẩn đoán, cô gái 27 tuổi ứa nước mắt một phần vì sợ bệnh một phần vì thương đứa con tội nghiệp chưa chào đời.

    Do đó, bác sỹ đã khuyên gia đình nên bỏ đứa bé đi thì sẽ tốt hơn vì tiểu cầu của Huyền khó đông sẽ ảnh hưởng đến sự an toàn của cả 2 mẹ con. Nhưng đối với Huyền, đứa con quan trọng hơn hết thảy, cô sẵn sàng hy sinh tất cả cho con thậm chí có thể phải đánh đổi cả mạng sống.

    “Lúc đó, tôi đang mang thai tháng thứ 6 nên để đảm bảo sự an toàn cho con, tôi không tiến hành điều trị truyền hóa chất mà chỉ có thể truyền thuốc bổ máu, canxi,..giúp cơ thể khỏe mạnh hơn. Sau khi thai được 8 tháng thì tôi được chuyển đến bệnh viện Việt Nhật để tiến hành mổ bắt thai. Do đẻ mổ nên người tôi rất yếu, một tháng rưỡi sau chờ vết mổ lành hẳn, tôi mới bắt đầu đi vào điều trị. Lúc đó, tế bào ung thư đã tăng lên 75%”, Huyền bồi hồi nhớ lại.

    Không thể gục ngã

    Cuộc đấu tranh giành giật sự sống của Huyền cũng chính thức bắt đầu bên giường bệnh cùng thuốc men và các đợt truyền hóa chất. Điều trị được khoảng 1 năm thì Huyền lại bị tái phát, vào viện xét nghiệm hết lại toàn bộ thì cô bàng hoàng nhận thông báo mình bị mắc thêm bệnh thể tủy và thể máu lai nhau. Trong quá trình điều trị gặp rất nhiều khó khăn, nhiều lần Huyền tưởng chết đi sống lại.

    Suốt thời gian truyền hóa chất, chọc tủy,…việc ăn uống vô cùng khó khăn. Lúc mới đầu, Huyền cứ ăn vào lại nôn ra, cơ thể vô cùng mệt mỏi, khó chịu. Tuy nhiên, Huyền nghĩ nhất định phải cố gắng, không được phép đầu hàng trước căn bệnh. Có những lần truyền hóa chất liều cao, uống cốc sữa bị nôn hết ra, nhưng không chịu thua, Huyền lại nhờ pha cốc thứ 2, rồi đến cốc thứ 3, cứ thế đến khi uống được mới thôi. 

    Đối với Huyền, ung thư không phải là dấu chấm hết.

    Trong quá trình chữa bệnh, ngoài suy nghĩ lạc quan và tích cực, xác định sống hòa bình với ung thư, Huyền đã tự lập cho mình một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, khoa học.

    Huyền chia sẻ, từ khi bị bệnh, nhiều người mách nên loại bỏ những thực phẩm như thịt đỏ, cá, giá đỗ, trứng, trứng vịt lộn, sữa, đường... ra khỏi thực đơn hằng ngày vì cho rằng thực phẩm đó sẽ kích thích tế bào ung thư phát triển mạnh. Nhưng Huyền không tin vào điều đó mà vẫn ăn uống bình thường để đảm bảo chất dinh dưỡng.

    “Tuy nhiên, tôi kiêng không ăn đồ sống, luôn ăn chín uống sôi, ăn thực phẩm sạch có nguồn gốc rõ ràng với mục đích tránh tuyệt đối thực phẩm trôi nổi, nhiều hóa chất, thực phẩm trái mùa không tốt cho sức khỏe. Người bệnh như mình thì sức đề kháng giảm nên càng cần được ăn rau sạch để đảm bảo vệ sinh và đủ chất dinh dưỡng. Vì vậy mà cả nhà đã quyết định không mua thực phẩm ở chợ mà tự trồng rau sạch để ăn hàng ngày", Huyền vui vẻ nói.

    Cũng theo Huyền, rau do nhà tự trồng trong thùng xốp chỉ được tưới nước sạch nên khi chế biến cảm thấy rất an toàn. Mùi vị cũng ngọt hơn, ngon hơn.

    Ngoài chế độ ăn uống thì lối sống lành mạnh cũng góp phần quan trọng tăng hiệu quả điều trị. Huyền thường tăng cường cung cấp vitamin C cho cơ thể bằng những trái cây giàu vitamin như cam, bưởi, quýt... và uống nhiều nước trái cây tươi. Hàng ngày ăn đúng bữa, ngủ đúng giờ, chủ động chăm sóc bản thân, tập luyện thể dục thể thao đều đặn... Chính vì tinh thần lạc quan đó, cùng với sự kết hợp ăn uống nghỉ ngơi điều độ mà cân nặng của Huyền không bị giảm sút quá nhiều so với các bệnh nhân khác.

    Điều trị đến năm 2016 thì các y, bác sỹ của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã quyết định thực hiện ghép tế bào gốc cho Huyền với phương án mới haplo. Mảng ghép tế bào gốc được lấy từ anh trai ruột của Huyền.

    Dù đã được ghép tủy hơn một năm, nhưng do sức khỏe chưa ổn định, tủy vẫn chưa sản sinh các tế bào máu thích nghi với cơ thể nên Huyền vẫn phải đi truyền máu mỗi tuần.

    Nhớ lại những năm tháng ấy, Huyền xúc động tâm sự: “Được sống đến ngày hôm nay cũng nhờ sự tận tình cứu chữa của các y, bác sỹ Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Đặc biệt, nếu không có bố mẹ, chồng con ở bên chăm sóc, ủng hộ, tôi sẽ không thể nào vượt qua cơn bạo bệnh này. Nếu không nhờ có họ, có khi tôi cắt mả, xanh mộ từ lâu lắm rồi”.

    Cây xương rồng trên cát

    Mạnh mẽ như cây xương xồng trên cát, Huyền hàng ngày nỗ lực, cố gắng sống như bao người bình thường khác. Huyền cảm thấy hạnh phúc mỗi khi được nấu ăn và luôn ao ước mở một cửa hàng cung cấp chuỗi thực phẩm, món ăn sạch đến tay người tiêu dùng. Chỉ cần có thời gian rảnh và có đủ sức khỏe là Huyền sẽ tự tay làm những món ăn mình thích cho gia đình, bạn bè. Công việc này giúp Huyền cảm thấy mình tuy là người bệnh nhưng không hề vô dụng.

    Cây xương rồng trên cát Nguyễn Thị Huyền có niềm đam mê nấu ăn.

    Tiền kiếm được từ việc bán đồ ăn Huyền tích lại để đi giúp đỡ những phận đời kém may mắn, bệnh tật như mình. Huyền kể, người cần bộ tóc giả thì mua tặng bộ tóc, người cần tiền thì cho tiền,… cứ một mình tình nguyện, có bao nhiêu thì cho bấy nhiêu.

    Ngoài ra, mỗi khi đến bệnh viện truyền máu hay làm thiện nguyện, Huyền đều an ủi, chia sẻ với những người đồng cảnh ngộ kinh nghiệm chống lại bệnh tật của mình.

    “Bởi trong suốt những năm chống chọi lưỡi hái tử thần, tôi nhận ra rằng ung thư không phải là dấu chấm hết. Trong điều trị bệnh, tinh thần chính là liều thuốc hỗ trợ đắc lực nhất, mình không sợ bệnh thì bệnh sẽ lui. Đến bây giờ là năm thứ 7 tôi sống chung với bệnh ung thư máu, con gái tôi cũng sắp vào lớp 1, tôi hoàn toàn tin rằng kì tích xảy ra là do chính bản thân mình tạo lên. Nếu ngày ấy tôi tuyệt vọng, buông xuôi số phận thì đâu có tôi của hiện tại”, Huyền vui vẻ chia sẻ.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/phuong-thuoc-khong-mat-tien-giup-ba-me-tre-7-nam-song-khoe-voi-can-benh-ung-thu-a202058.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan